Mạnh mẽ bước khỏi “lũy tre làng”
Năm 2014 là năm đầu tiên Công ty CP Công nghệ Tinh Vân (Tinhvan Group) thực hiện chiến lược “Go Global”, mạnh mẽ bước khỏi “lũy tre làng”, quyết tâm tìm kiếm những cơ hội lớn ở những chân trời mới. “Go Global” được lãnh đạo Tinhvan Group xác lập là chiến lược phát triển cho giai đoạn 2014-2018. Theo đó, cả 6 đơn vị thành viên Tinh Vân đều có kế hoạch quốc tế hóa, đưa các nền tảng sản phẩm và dịch vụ của mình ra nước ngoài. Công ty CP Xuất khẩu phần mềm Tinh Vân (Tinhvan Outsourcing) là đơn vị tiên phong thực hiện chiến lược “Go Global”. TGĐ Tinhvan Outsourcing Nguyễn Ích Vinh cho biết: “Năm 2014 chúng tôi đã đầu tư mạnh vào mảng dịch vụ gia công phần mềm và thiết lập được quan hệ hợp tác với một số hãng lớn của Nhật. Những kết quả bước đầu đạt được đã cho thấy những tín hiệu khả quan của hướng phát triển mới này”.
Với FPT, 2014 là năm thứ hai của làn sóng toàn cầu hóa thứ ba. Khác với 2 làn sóng toàn cầu hóa trước chủ yếu tập trung vào gia công xuất khẩu phần mềm, lần “tiến quân” ra nước ngoài này của FPT được ví như cuộc “tổng tiến công”, với yêu cầu tất cả đơn vị thành viên FPT phải có doanh thu từ thị trường nước ngoài, trong đó mũi nhọn là 2 hướng: cung cấp dịch vụ phần mềm cho các thị trường phát triển như Nhật, Mỹ, châu Âu; tận dụng cơ sở hạ tầng, sản phẩm dịch vụ để mở rộng kinh doanh tại các thị trường mới nổi như Lào, Campuchia, Myanmar… Với định hướng trên, kết thúc năm 2014 thị trường nước ngoài đã đóng góp tích cực cả về doanh thu, lợi nhuận cũng như nâng cao uy tín, vị thế của FPT trên trường quốc tế.
Những hợp đồng có giá trị cao FPT giành được trong năm 2014 như: Dự án “Cung cấp và triển khai hệ thống thông tin quản lý tài chính cho Kho bạc Nhà nước-Chính phủ Hoàng gia Campuchia” trị giá 10 triệu USD; Dự án “Cung cấp và triển khai hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp cho cơ quan Thuế Bangladesh” trị giá 6,6 triệu USD… Năm 2014, doanh thu toàn FPT ước đạt 34.210 tỷ đồng, tăng 19% so với 2013. Đặc biệt, khối công nghệ ở thị trường nước ngoài của FPT tiếp tục phát triển mạnh, trong đó thị trường Nhật tăng trưởng 22%, Mỹ tăng 36%, châu Âu tăng 81% và châu Á-Thái Bình Dương tăng 40%. FPT đã có sự hiện diện tại 19 nước trên thế giới.
Đặc biệt, cuối tháng 10/2014, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT tiêu biểu của Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã chọn 30 DN CNTT hàng đầu Việt Nam ở 2 lĩnh vực cung cấp dịch vụ BPO/IT Outsourcing/Offshoring và cung cấp giải pháp, phần mềm đóng gói có thể “vươn ra biển lớn” và đạt được thành công tại thị trường nước ngoài để Chính phủ có những chiến lược hỗ trợ, quảng bá dài hạn. Đáng lưu ý, 23/30 DN đã mở rộng hoạt động ra nước ngoài và thành công tại các thị trường lớn như Nhật, châu Âu, Mỹ… Đơn cử, TMA Solutions, có quy mô nhân lực 1.700 người, đã hiện diện tại 25 nước, đạt doanh thu 27 triệu USD (2013) trong đó 50% từ Bắc Mỹ, 10% từ Nhật, châu Âu và Úc mỗi thị trường góp 15% doanh thu; MK Smart, đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thẻ thanh toán trong nước, đã mở rộng hoạt động ra các nước châu Á như Nhật, Lào, Campuchia, Nepal, Belarus; châu Âu, Mỹ La-tinh và cả châu Phi.
Nhật vẫn là thị trường quan trọng
Đáng chú ý, trong chiến lược toàn cầu hóa của các DN CNTT Việt, Nhật Bản được đánh giá là thị trường quan trọng bậc nhất. Những nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế, trong đó có Nhật Bản của các DN phần mềm, dịch vụ CNTT thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao tên tuổi Việt Nam trong ngành CNTT thế giới. Việt Nam đã lọt vào Top 10 quốc gia gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời TP.HCM và Hà Nội nằm trong nhóm 20 và 30 thành phố gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới. Từ năm 2012, Việt Nam đã vượt Ấn Độ để trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật và là “đối tác được ưa thích nhất” của các DN Nhật. Khảo sát mới đây của VINASA cũng cho thấy, chỉ 10,7% DN Việt được hỏi chưa từng hợp tác với Nhật trong gia công xuất khẩu phần mềm; 17% DN có 100% doanh thu từ thị trường Nhật; và 32% DN có kế hoạch phát triển thị trường Nhật trong 2015.
Từ kinh nghiệm của hơn 15 năm toàn cầu hóa, đại diện FPT nhận định: “Chi phí IT outsourcing tại Trung Quốc liên tục tăng nhanh những năm gần đây và căng thẳng chính trị giữa 2 nước đã khiến các DN Nhật đẩy nhanh việc tìm kiếm cơ hội đặt hàng tại các thị trường khác trong đó có Việt Nam. FPT kỳ vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ CNTT tổng thể hàng đầu khu vực, doanh thu toàn cầu hóa tăng trưởng trung bình 40%/năm và đạt 340 triệu USD vào 2016. Nhật vẫn được FPT xác định là thị trường quan trọng số một khi doanh thu từ thị trường Nhật năm 2014 chiếm hơn 50% tổng doanh thu FPT Software. Mục tiêu trong năm 2015, doanh thu từ thị trường Nhật sẽ tăng trưởng khoảng 40%”.
Theo ông Nguyễn Ích Vinh: Tinh Vân đặt mục tiêu nằm trong Top đầu các DN Việt làm gia công phần mềm cho Nhật, Singapore và cung cấp các dịch vụ liên quan đến nội dung trên thiết bị di động cho một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á; trong đó doanh thu từ thị trường quốc tế của Tinh Vân được kỳ vọng chiếm 25-30% tổng doanh thu ngay trong năm 2015. Với 2 mũi nhọn chính: Tinhvan Telecom (với các dịch vụ nội dung số cùng mô hình kinh doanh trên thiết bị di động) và Minh Châu (với mục tiêu phát hành game trên thiết bị di động), Tinh Vân sẽ mở rộng hoạt động ra nước ngoài, tập trung vào một số nước Đông Nam Á. “Để nắm bắt cơ hội tại thị trường Nhật, chúng tôi xác định đây là chiến lược dài hạn và phải có sự đầu tư về nguồn lực. Trước mắt, 100% nhân viên làm dự án với Nhật phải được đào tạo tiếng Nhật”, ông Vinh nhấn mạnh.
(Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Ất Mùi 2015)