Hôm nay, 20/5, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống dịch Covid-19 kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

VASI cho biết, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, VASI đã thực hiện khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất của hội viên. Kết quả cho thấy, doanh nghiệp CNHT luôn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch, nhưng vẫn thường trực nguy cơ lây nhiễm, đe dọa ngừng sản xuất. Việc này sẽ gây tổn hại lớn đến chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và trên toàn cầu.

{keywords}
Đại dịch kéo dài đe doạ sản xuất của Việt Nam

Đại dịch Covid kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp CNHT. Điển hình là, chi phí sản xuất tăng cao, như: giá nguyên vật liệu tăng vọt, nhiều loại gấp 2 lần so với 2019. Các chi phí logistics gia tăng. Cùng đó, doanh nghiệp phát sinh lớn khoản chi phí phòng chống dịch để đảm bảo sản xuất.

Trong khi đó, đơn hàng cũ giảm, khó tiếp cận khách hàng và ký đơn hàng mới khiến doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giảm trung bình 30% so với 2019.

Nhân sự không ổn định, do có trường hợp phải cách ly hoặc giãn cách xã hội. Tuyển dụng và giữ chân lao động của doanh nghiệp cũng khó, vì gia tăng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam của các công ty nước ngoài.

Do có sự điều chỉnh chuỗi cung ứng trên toàn cầu, khoảng 20% doanh nghiệp CNHT có cơ hội gia tăng đơn hàng và mở rộng sản xuất, thì lại gặp khó khăn khi giá thuê đất tại các khu công nghiệp hiện quá cao, tín dụng ưu đãi không tiếp cận được, không đủ vốn để đầu tư mở rộng sản xuất… 

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng như tận dụng hiệu quả các cơ hội mà đại dịch có thể đem lại, VASI  đề nghị các cơ quan Chính phủ có các giải pháp thiết thực, hiệu quả, để có thể giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất.

Cụ thể, VASI đề nghị Chính phủ xếp nhóm các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine sớm nhất, bảo đảm hoạt động liên tục, đóng góp cho nền kinh tế và giữ vững uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong công nghiệp chế tạo toàn cầu.

Nhà nước cần thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Chính phủ cho phép gia hạn các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp năm 2020 đến hết 2021, giảm bớt các yêu cầu và điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được bao gồm: Giãn nộp các khoản thuế và nghĩa vụ thêm từ 6 tháng – 1 năm, như: giãn nộp các loại phí bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Kinh phí công đoàn), giãn nộp thuế đất, các khoản nộp thuế VAT; Hỗ trợ giảm lãi suất vay từ ngân hàng thương mại; Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp với quy mô nhỏ của doanh nghiệp CNHT (dưới 1000 m2) và giảm giá thuê đất.

Đồng thời, Chính phủ có giải pháp dài hạn và bền vững về đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo.

Nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp CNHT hiện nay là Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine và ưu tiên cho đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp CNHT sẵn sàng ủng hộ và đồng hành với Chính phủ để có thể thực hiện xã hội hóa việc tiêm vaccine sớm nhất.

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thành lập theo quyết định 835/QĐ-BNV ngày 16/3/2017 của Bộ Nội vụ. VASI có hơn 300 doanh nghiệp hội viên, hội viên trung bình có 200 lao động, sản xuất linh kiện cơ khí, nhựa - cao su, điện - điện tử, khuôn mẫu, tự động hóa, vật liệu, dịch vụ công nghiệp... hiện đang cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu các ngành công nghiệp chế tạo, tại Việt Nam và xuất khẩu.

Thu Ngân

Quý I/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,9%

Quý I/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,9%

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước.