Doanh nghiệp chế xuất đứng trước nguy cơ bị thiệt hại lớn
Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy này (diễn ra từ 20/5 - 28/6); dự kiến được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Một trong những nội dung đang gây lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp chế xuất (DNCX) là việc bỏ áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.
DNCX là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong khu vực phi thuế quan. Nếu áp dụng mức thuế GTGT lên đến 10% đối với dịch vụ được cung cấp trong khu vực phi thuế quan thì sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường nước ngoài và làm giảm đáng kể sức hấp dẫn môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp Việt Nam.
Điển hình như với Samsung - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 22,4 tỷ USD - cũng gặp khó khăn nếu quy định mới được thực thi.
Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: “Việc sửa đổi như Dự thảo sẽ gây ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất (EPE) và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu khác (non-EPE). Trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu không phải là DNCX (non-EPE) được áp dụng cơ chế hoàn thuế đối với cả chi phí dịch vụ mua vào thì các DNCX lại không có cơ chế để được hoàn thuế đối với chi phí này. Nói cách khác, các doanh nghiệp lẽ ra phải được ưu tiên về các chính sách ưu đãi liên quan đến sản xuất xuất khẩu như DNCX thì ngược lại sẽ bị đánh thuế GTGT và phải nộp toàn bộ tiền thuế theo quy định, điều này dẫn đến việc DNCX phải chịu thêm khoản chi phí rất lớn”.
Theo ông Choi Joo Ho, thay đổi này sẽ gây thiệt hại lớn đối với khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu của 6 công ty thuộc Tập đoàn Samsung tại Việt Nam.
Đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành hoặc mở rộng nhóm đối tượng hưởng thuế 0%
Mới đây, Bộ Tài chính tổ chức “Hội thảo trao đổi Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi” với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải Quan, các chuyên gia đến từ trường ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Hội tư vấn thuế Việt Nam… và từ khối các doanh nghiệp như Tập đoàn Samsung, Masan...
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đề cập vấn đề bỏ áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ cung cấp trong khu phi thuế quan trong Dự thảo Luật và đa phần đều đề xuất theo hướng: một là giữ nguyên như quy định hiện hành; hai là mở rộng nhóm đối tượng dịch vụ được hưởng thuế suất 0% hoặc có cơ chế hoàn thuế cho dịch vụ đầu vào của DNCX.
Tham luận của TS. Nguyễn Thị Minh Hằng - Học viện Tài chính nêu quan điểm, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, thay vì thu hẹp dịch vụ như tại Dự thảo Luật, đề xuất xem xét hai phương án, phương án 1 là giữ nguyên dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% và nhất quán áp dụng nguyên tắc “điểm đến” trong xây dựng pháp luật thuế GTGT phù hợp với nguyên tắc thông dụng được thế giới thừa nhận và áp dụng rộng rãi hoặc phương án 2 là bổ sung các dịch vụ được hưởng thuế suất 0% nếu đáp ứng các điều kiện nhất định vào Dự thảo Luật sửa đổi.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, việc không áp dụng thuế suất 0% làm tăng chi phí dịch vụ xuất khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; làm tăng giá thành sản phẩm DNCX giao cho Việt Nam gia công và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng gián tiếp về giá gia công… Theo đó, bà đề xuất phương án 1 là giữ nguyên như quy định hiện hành hoặc phương án 2 là bổ sung cụ thể các dịch vụ được áp thuế suất 0% như chi phí gia công cho khu chế xuất.
Tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng ý kiến của các chuyên gia và các doanh nghiệp về quy định thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu là nội dung rất quan trọng và cần phải được nghiên cứu kỹ.
Việc thu hẹp dịch vụ và quy định rõ các đối tượng được hưởng thuế suất 0% sẽ tác động đến các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, khu chế xuất, khu công nghiệp. Do đó, ông Minh cũng đề nghị các cục thuế địa phương tổng hợp ý kiến của đối tượng bị tác động, sau đó gửi ý kiến đến Ban soạn thảo.
Về phía đại diện Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí đã ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và đề xuất các doanh nghiệp cùng phối hợp với Bộ Tài chính để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo.
Hải Nam