Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) được hai bên ký kết 29/12/2020. Để tối đa hóa thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa hai bên, Hiệp định đã có hiệu lực tạm thời từ 6h sáng ngày 01/01/2021 theo giờ Việt Nam, và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021.
Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh.
Hiệp định được đưa vào thực thi và doanh nghiệp của Việt Nam đã bước đầu tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định đem lại.
Tuy nhiên, đi cùng với đó thì nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM), số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của cả hai bên gia tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định để chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà các Hiệp định mang lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Bởi lẽ, cũng như EVFTA, UKVFTA có mức độ cắt giảm thuế quan sâu, kéo theo đó là áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng sẽ cao hơn và khi đó, nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng cao để bảo vệ ngành sản xuất mỗi nước.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ quy định về phòng vệ thương mại nói chung, các quy định về phòng vệ thương mại của Vương quốc Anh, cũng như ý thức toàn diện, sâu sắc về các công cụ phòng vệ thương mại có trong tay.
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường.
Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
Nền kinh tế thị trường là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.
Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp của nhà nước đối với các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước đối với các yếu tố sản xuất như vốn, lao động. Một quốc gia có sự can thiệp quá sâu của nhà nước có thể không được xem là một nền kinh tế thị trường.
Nếu nước xuất khẩu hàng hóa không được coi là một nền kinh tế thị trường, thay vì sử dụng các thông tin về chi phí và giá thành của chính doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để tính toán biên độ phá giá, nước nhập khẩu sẽ sử dụng các thông tin có tính đại diện của doanh nghiệp một nước thứ ba thay thế được coi là có nền kinh tế thị trường.
Hậu quả là biên độ phá giá thường được xác định cao hơn, dẫn đến mức thuế phòng vệ thương mại cũng cao hơn nhiều so với các nước được coi là nền kinh tế thị trường. Trong một số trường hợp, mức thuế phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp đến từ các nước không được coi là nền kinh tế thị trường có thể lên đến trên 100%.
Tính đến nay, Việt Nam đã được 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận là một nền kinh tế thị trường thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều đối tác thương mại quan trọng. Được công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn. Môi trường ổn định và minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.