AI tạo sinh (Generative AI) nổi lên như một công nghệ có khả năng thay đổi cuộc chơi, hứa hẹn “cách mạng hóa” hàng loạt ngành công nghiệp.
Chia sẻ tại Smart Banking 2023 diễn ra mới đây, các chuyên gia đều thống nhất rằng, dữ liệu chính là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dữ liệu sẽ không thể là tài sản nếu thiếu sự hỗ trợ của các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI.
AI sử dụng đầu vào là dữ liệu của doanh nghiệp, song AI sẽ chỉ phát huy tối đa sức mạnh khi doanh nghiệp thiết lập được hệ thống quản trị dữ liệu tiên tiến. “Sự phát triển mạnh mẽ và bùng nổ của AI tạo sinh sẽ mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho 'cuộc chơi' dữ liệu”, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN) nêu quan điểm.
Bàn về vấn đề các doanh nghiệp khai thác AI tạo sinh, Phó Giáo sư Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh doanh sáng tạo, quyền Phó Trưởng khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: Việc khai phá sức mạnh của AI tạo sinh không theo công thức duy nhất mà phụ thuộc vào bản chất của từng doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh, cũng như sứ mệnh và mục đích cốt lõi của họ. “Doanh nghiệp cần ghi nhớ điều này để mở lối đi riêng với AI tạo sinh”, Phó Giáo sư Phạm Công Hiệp lưu ý.
Cũng theo vị chuyên gia này, một hiểu lầm phổ biến hiện nay là AI tạo sinh có thể thay thế con người một cách thành thạo. Thực tế là, hầu hết các công việc đều yêu cầu kết hợp giữa những đầu việc lặp đi lặp lại một cách máy móc với những nhiệm vụ tinh vi dựa trên phán đoán của con người.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng hành trình tích hợp AI không phải là một đường thẳng tắp mà mọi doanh nghiệp đều trải qua, vì thế mỗi công ty phải xác định mục tiêu cụ thể khi ứng dụng AI tạo sinh để từ đó điều phối chiến lược và có các bước chuẩn bị phù hợp.
Chẳng hạn, các trang tin có thể dùng AI tạo sinh để soạn thảo tin nháp một cách nhanh chóng, còn các công ty quảng cáo có thể sử dụng công nghệ này trong công đoạn lên ý tưởng khi viết khẩu hiệu quảng cáo sáng tạo. “Mục tiêu sử dụng AI của họ khác nhau, trang tin cần tốc độ còn công ty quảng cáo thì cần sáng tạo phù hợp với thương hiệu. Cả hai đều không thể đạt được kết quả mong muốn nếu không có cách tiếp cận AI phù hợp”, chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam phân tích.
Cách nào để doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả AI tạo sinh?
Đề cập sâu hơn vào câu chuyện doanh nghiệp ứng dụng AI tạo sinh, Phó Giáo sư Phạm Công Hiệp chỉ ra rằng các công ty cần kết hợp AI với kỹ năng con người và xác định mục tiêu kinh doanh rõ ràng khi ứng dụng AI tạo sinh.
Cũng theo vị chuyên gia đến từ khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, để hỗ trợ doanh nghiệp lập chiến lược và điều chỉnh việc triển khai AI phù hợp với mục tiêu của tổ chức, các doanh nghiệp có thể phân loại động cơ kinh doanh khi tích hợp AI; có thể phân loại dựa trên 2 tiêu chí là vai trò của AI trong việc thay thế hoặc nâng cao các kỹ năng hiện tại và ứng dụng AI hướng tới nội bộ hay khách hàng.
Đầu tiên, doanh nghiệp phải xác định liệu công nghệ AI mà họ cần sẽ thay thế hay nâng cao kỹ năng sẵn có. Để ứng dụng AI nhằm nâng cao kỹ năng, doanh nghiệp cần phát triển chương trình đào tạo, cơ chế phản hồi, và hệ thống đo lường hiệu suất công việc phù hợp.
Ngược lại, khi đưa AI vào thay thế kỹ năng, doanh nghiệp cần có chiến lược toàn diện tập trung vào tư duy phát triển của tổ chức, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và lập kế hoạch dự phòng.
“Dự án AutoBus của Thụy Sĩ nhằm mục đích thay thế tài xế xe buýt bằng các phương tiện điều khiển bằng AI là một ví dụ điển hình. Để tích hợp AI thành công, nhân viên của doanh nghiệp này phải thích ứng với thay đổi công nghệ, và doanh nghiệp cần có kế hoạch dự phòng cho những gián đoạn không lường trước được, chẳng hạn như trang bị tài xế dự phòng là con người”, ông Phạm Công Hiệp nêu dẫn chứng.
Tiêu chí thứ hai - ứng dụng AI cho nội bộ hay hướng tới khách hàng, cũng yêu cầu cách tiếp cận khác biệt. Nếu muốn ứng dụng AI hướng tới khách hàng, doanh nghiệp cần đi đầu trong nghiên cứu AI, nhấn mạnh thiết kế lấy người dùng làm trung tâm và am hiểu nhu cầu khách hàng. Lấy ví dụ từ Tesla trong việc phát triển xe tự lái, họ phải là người đi đầu trong đổi mới AI, ưu tiên thiết kế lấy người dùng làm trung tâm và định vị sản phẩm của mình trên thị trường một cách chiến lược.
Trường hợp sử dụng AI để hợp lý hóa các quy trình nội bộ, theo chuyên gia Phạm Công Hiệp, trọng tâm lại thay đổi. Khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp phải ưu tiên phát triển kỹ năng phân tích và diễn giải dữ liệu của nhân viên.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là quản lý hiệu quả quá trình chuyển đổi, giúp nhân viên có thể thích nghi và cộng tác với các công cụ AI mới.
Những quy trình như vậy đòi hỏi người lao động có kỹ năng cao trong diễn giải dữ liệu, cũng như các chiến lược quản lý thay đổi bài bản từ đội ngũ lãnh đạo.
“AI tạo sinh xoay quanh sự cân bằng tinh tế giữa chuyên môn của con người và tự động hóa. Quy trình tích hợp AI không có công thức chung dành cho tất cả các tổ chức, nó thay đổi tùy vào mục tiêu kinh doanh, vai trò của AI trong việc bổ trợ hoặc thay thế công việc của con người, và trọng tâm ứng dụng AI”, chuyên gia Phạm Công Hiệp nhấn mạnh.