- Trước thềm sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung nói với Góc nhìn thẳng về hi vọng ở Chính phủ mới trong việc giảm rủi ro, giảm chi phí, chia sẻ và đồng hành cùng DN.
Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng
Sau 15 năm cải cách, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thông thoáng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn luôn than phiền về thủ tục hành chính cũng như gánh nặng thuế phí. Bởi vậy, sự kiện Thủ tướng gặp doanh nghiệp ngày 29/4 được coi là sự kiện nóng, được nhiều DN mong chờ như một cơ hội để tháo gỡ nút thắt còn tồn tại.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương về vấn đề này.
Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, môi trường kinh doanh của VN đã có khoảng 15-16 năm thực hiện cải cách. Nhưng đến nay các DN vẫn than phiền về những rủi ro họ gặp phải ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp. Ông đánh giá thế nào về điều này?
TS Nguyễn Đình Cung: Sự than phiền lo lắng đó là chính đáng. Ngoài rủi ro thương trường, qua thực tế, DNVN gặp rất nhiều rủi ro xuất phát từ việc không minh bạch, không nhất quán, không lường trước được trong việc thực thi, ban hành các chính sách giữa các bộ với nhau, giữa các địa phương và giữa các cơ quan trên địa bàn địa phương.
Thực trạng đó gây ra rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của DN. Có thể nói những thứ như vậy đặt DN vào thế có nguy cơ vi phạm pháp luật bất cứ lúc nào, thậm chí đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính như chúng ta đã biết.
Cho nên đó là những rủi ro rất cần phải được loại bỏ đối với hoạt động kinh doanh của DN.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, những rủi ro ấy DN có thể gặp ngay khi bắt đầu kinh doanh phải không ạ? Vậy trong quá trình hoạt động, theo ông đâu là khó khăn nhất của DN VN?
TS Nguyễn Đình Cung: Khó khăn nhất có thể là những rào cản gia nhập thị trường. Những rào cản đó trước hết làm phát sinh chi phí, thứ hai là rủi ro pháp lý, thứ ba là không thể áp dụng những sáng kiến, những đổi mới trong hoạt động kinh doanh.
Chính vì vậy, nó làm thui chột những động lực về sáng tạo, đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ. Những khó khăn như thế có thể nói gấp bội phần so với những khó khăn chúng ta nhìn thấy như huy động vốn, tìm kiếm thị trường.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông là một trong những thành viên đầu tiên của Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư. Bản thân ông cũng đưa ra nhiều sáng kiến cải cách môi trường kinh doanh. Nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại rất lâu rổi chưa được giải quyết mà điển hình là giấy phép con. Bản thân ông có lý giải vì sao những vấn đề này chưa được giải quyết?
TS Nguyễn Đình Cung: Nhiều người dùng từ cuộc chiến để xóa bỏ loại bỏ giấy phép con, về bản chất đó là những rào cản kinh doanh, gia nhập thị trường. Những nỗ lực cải cách cho đến nay bỏ được cái này thì xuất hiện cái khác, bỏ lĩnh vực này thì lĩnh vực khác xuất hiện.
Tại sao lại thế? Lý do quan trọng đầu tiên là tư duy quản lý nhà nước chưa thay đổi. Tư duy quản lý vẫn thiên về kiểm soát hơn là tạo điều kiện cho DN phát triển, thiên về tiền kiểm hơn là hậu kiểm. Chính tư duy này làm phát sinh công cụ quản lý là giấy phép, giấy chứng nhận dưới các hình thức khác nhau.
Mô tả |
Nếu như không thay đổi tư duy quản lý phù hợp, thân thiện với kinh doanh, thân thiện với thị trường, đồng thời có mục tiêu quản lý rõ ràng để bảo vệ được lợi ích chung của cộng đồng thì cuộc chiến này còn kéo dài.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, không chỉ là câu chuyện về thủ tục hành chính. Các DN VN hiện nay vừa nhỏ vừa yếu còn phải chịu mức thuế phí rất lớn. Gánh nặng tài chính này đã từng được Ngân hàng Thế giới công bố với tỷ lệ thuế phí chiếm 39,4%, như vậy làm 10 đồng thì có 4 đồng DN phải nộp cho thuế phí. Với gánh nặng như vậy thì theo ông, Chính phủ phải làm thế nào để giảm thiểu tối đa gánh nặng cho DN?
TS Nguyễn Đình Cung: Cải thiện môi trường kinh doanh có hai từ khóa là giảm chi phí và giảm rủi ro cho DN. Hiện nay môi trường kinh doanh của VN vừa rủi ro cao, vừa chi phí cao.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới chỉ là thuế và phí là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… chưa nói đến các loại phí không chính thức, phí cầu đường và hàng loạt các loại phí khác như chúng ta đã biết như phí đi xin hàng loạt các giấy phép kia.
Cho nên giảm gánh nặng về phí theo tôi là yêu cầu bức bách với DN để cho tinh thần khởi sự kinh doanh không chỉ được hâm nóng, hun đúc mà còn bừng lửa tinh thần kinh doanh của người dân.
Nhà báo Phạm Huyền: Một môi trường kinh doanh còn nhiều rủi ro và chi phí cao như vậy, nhưng chúng ta đang thực hiện nhiều cam kết hội nhập quốc tế. DN VN sẽ phải chịu ảnh hưởng từ những vấn đề như vậy. Theo ông trong bối cảnh hiện nay Chính phủ VN cần phải làm những việc gì để được coi là những hành động thiết thực nhất, đồng hành với DN và phát triển?
TS Nguyễn Đình Cung: Việc đầu tiên là DN rất cần sự chia sẻ, thông cảm đồng hành của các cơ quan nhà nước dù là trong cạnh tranh ở thị trường trong nước hay thị trường quốc tế.
Cuộc họp ngày mai của Thủ tướng Chính phủ theo tôi là một tín hiệu đáng mừng, là cột mốc bắt đầu của quá trình chia sẻ, thông cảm, đồng hành cùng với DN.
Tôi hy vọng tại cuộc họp đó, Chính phủ và các nhà lãnh đạo cảm nhận được tâm trạng của giới DN VN, từ đó hiểu thêm được sự mong mỏi, kỳ vọng, chờ đợi của DN đối với cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong đó phải nhấn mạnh đến hai từ khóa là giảm rủi ro, giảm chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN, để DN VN ở trong nước cạnh tranh bình đẳng với nhau, giữa DN tư nhân với DNNN, DN đầu tư nước ngoài.
Có một môi trường cạnh tranh bình đẳng và thông thoáng trong nước thì DN mới có thể cạnh tranh ở bên ngoài được.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông rất nhiều!
VietNamNet
Tin liên quan: