Trao đổi với PV. VietNamNet bên lề sự kiện về ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam sáng 8/8, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết, vụ việc các container hàng xuất khẩu nghi bị lừa vẫn diễn biến phức tạp.
Đến nay, container hàng hoa hồi xuất khẩu cuối cùng (trị giá 126,3 nghìn USD, bộ chứng từ gốc bị lừa mất) đã cập cảng nước bạn và các bên đang nỗ lực kéo dài thời gian lưu giữ tại cảng, không giao cho khách hàng.
Hiện hãng tàu vận chuyển vẫn chưa xuất D/O - chứng từ do hãng tàu phát hành, doanh nghiệp nhập khẩu phải trình D/O cho cơ quan giám sát kho hàng tại cảng đến, mới có thể rút hàng ra khỏi container, kho, bãi...
Theo bà Liên, cơ quan ngoại giao phía Việt Nam đã trao đổi thông tin với Bộ Ngoại giao Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), nhờ sự can thiệp từ cơ quan ngoại giao nước bạn.
Tuy nhiên, hải quan và cảng vụ tại cảng vẫn chưa nhận được các yêu cầu xử lý sự việc cụ thể từ Bộ Ngoại giao UAE.
Trong khi đó, quá trình đòi tiền 4 container hàng đã mất cũng khá gian nan, mệt mỏi.
Nhà chức trách Việt Nam đã làm việc với Ngân hàng Trung ương UAE.
Bà Liên thông tin, theo báo cáo từ Ngân hàng Trung ương UAE, ngân hàng phía bên người mua (Ajman Bank PJSC) đã rà soát toàn bộ quy trình giao dịch và thấy dấu hiệu có sự liên kết lừa đảo ngay trong nội bộ, cùng một số bên tham gia thực hiện phi vụ.
Công tác điều tra nội bộ vẫn đang diễn ra.
Đáng chú ý, người giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn đang có động thái nhắn tin với hãng tàu để "mồi" tiếp. Người đàn ông này đổ lỗi sự việc cho ngân hàng và đề nghị hãng tàu xuất D/O nhằm lấy nốt container hoa hồi còn lại.
"Nếu sự việc không thành án thì cảnh sát nước bạn sẽ không điều tra. Người giao dịch bên đó vẫn nhởn nhơ trao đổi thông tin, giao dịch với các doanh nghiệp trong tương lai", bà Liên cảnh báo.
Trước đó, 5 container xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước gồm: 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều, dính vào một phi vụ nghi lừa đảo tinh vi.
Tổng giá trị lô hàng là 516.761 USD. Trong đó, 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán tiền, tổng trị giá khoảng 400.000 USD; 1 lô hàng hoa hồi cuối cùng cập cảng ngày 26/7, trị giá 126.000 USD.
Diễn tiến sự việc cho thấy: Quá trình giao dịch được thực hiện theo phương thức D/P (nhờ thu, trả tiền trao chứng từ). Bộ chứng từ được chuyển từ ngân hàng bên bán tại Việt Nam qua ngân hàng bên mua tại Dubai (Ajman Bank PJSC).
Phía ngân hàng Dubai xác nhận đã nhận được bộ chứng từ. Sau đó, người mua hàng tại Dubai nhận chứng từ, đến cảng lấy hàng. Tiếp đó, ngân hàng Dubai phải có trách nhiệm chuyển tiền cho ngân hàng Việt Nam, trả lại tiền cho người bán hàng.
Tuy nhiên, công ty bán hàng Việt Nam đã liên tục điện thoại, nhắc người mua hàng chuyện thanh toán tiền thì không liên lạc được. Trong khi, 4 container hàng đã được lấy ra khỏi cảng. Như vậy, bộ chứng từ chuyển tới Dubai hoàn toàn hợp lệ.
Doanh nghiệp Việt Nam từng gặp người mua hàng "bí ẩn" này tại một hội chợ thực phẩm và đã giao dịch thành công một lần trước đó, vào tháng 4/2023.