Đoàn Trinh sát số 2, đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có nhiệm vụ nắm, đánh giá tình hình liên quan đến vùng biển từ Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (gồm vùng biển Trường Sa, DKI và Vịnh Thái Lan). Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, Đoàn đã phát huy truyền thống của lực lượng Cảnh sát biển “Kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thượng tá Nguyễn Tư Phong, Đoàn trưởng đoàn Trinh sát số 2, Cảnh sát biển Việt Nam chia sẻ trong bài viết mới đây: Trước những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là hoạt động của một số nước vi phạm chủ quyền và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên vùng biển đảm nhiệm có chiều hướng gia tăng, với phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, đặt ra yêu cầu cao đối với Đơn vị. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đoàn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp; trong đó, nâng cao chất lượng tổng hợp là một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu.
Nâng cao chất lượng huấn luyện, chú trọng trình độ nghiệp vụ chuyên môn
Trước hết, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, chú trọng trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đoàn xác định, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 397-NQ/ĐU, của Đảng ủy Cảnh sát biển “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, lấy nhiệm vụ trinh sát, bảo vệ an ninh chủ quyền, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển làm mục tiêu huấn luyện. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn của Đơn vị được đào tạo, điều động về từ nhiều nguồn, trình độ không đồng đều, thậm chí một bộ phận cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của hàng hải, pháp luật.
Tàu CSB Việt Nam |
Từ thực tế đó, Đoàn đã xây dựng chương trình, nội dung huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, theo hướng “cơ bản, chuyên sâu”, “tinh giản, hiện đại”; tích cực bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ nói chung, chuyên môn sâu cho nhân viên trinh sát nói riêng. Đối với nhân viên chuyên môn kỹ thuật, ngoài nội dung huấn luyện chung, Đoàn chủ động gửi đi tập huấn về khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, bảo quản, trang bị, phương tiện mới, hiện đại có tính đặc thù cao của trinh sát biển. Đồng thời, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi quân nhân có thể tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, nhất là công nghệ thông tin, ngoại ngữ phục vụ các nhiệm vụ của Đơn vị.
Để nắm tình hình toàn diện, theo hướng “sớm hơn, sâu hơn và xa hơn”, “nhận diện đúng, đầy đủ về đối tượng”, Đoàn chú trọng nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ trinh sát với phương châm “trinh sát địa bàn làm cơ sở, trinh sát kỹ thuật làm mũi nhọn”; kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát kỹ thuật với các biện pháp để xác định nguồn, kiểm tra, đánh giá tin, đảm bảo thông tin nhanh, chính xác. Phối hợp trao đổi thông tin chặt chẽ với các lực lượng: Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Công an các tỉnh,… nắm chắc tình hình trên không, trên biển và địa bàn, kịp thời phát hiện các đối tượng vi phạm an ninh chính trị, an ninh chủ quyền, hoạt động của tàu quân sự, tàu chấp pháp, tàu cá, tàu thăm dò nước ngoài; thu thập tin tức, xây dựng báo cáo tổng hợp, báo cáo chuyên đề, tham mưu cho trên xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm an ninh, an toàn vùng biển phụ trách.
Thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên thực địa, Đoàn chú trọng nâng cao nghiệp vụ điều tra cơ bản, nhất là trên các địa bàn trọng điểm; tiến hành tuyển chọn, xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật, cộng tác viên. Thực hiện nghiêm Thông tư số 15/2019/TT-BQP, ngày 11/02/2019, của Bộ Quốc phòng về quy định, quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam; nắm chắc pháp luật, xử lý đúng nguyên tắc, quy trình nghiệp vụ và bảo đảm an toàn.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, phát hiện, bắt giữ, chuyển cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với quy mô lớn, có tổ chức, có yếu tố nước ngoài. Tích cực bám, nắm địa bàn, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp các lực lượng chức năng phòng, chống nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập từ hướng biển.
Giáo dục chính trị, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng, tạo cơ sở nền tảng để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị phù hợp với từng đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý, định hướng tư tưởng bộ đội.
Tập trung giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Luật Cảnh sát biển Việt Nam”,… làm cho mọi quân nhân nhận thức đúng tình hình, nhiệm vụ, nhận rõ “đối tượng”, “đối tác”, không mơ hồ, mất cảnh giác.
Đồng thời, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tạo động lực để Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường quản lý, định hướng tư tưởng bộ đội, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để cán bộ, nhân viên tiêu cực, tiếp tay, bao che cho các đối tượng, hành vi vi phạm pháp luật.
Thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa, đoàn kết, kỷ cương và làm tốt công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Năng lực lãnh đạo, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đoàn chú trọng kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở các cấp, coi trọng cấp chi bộ. Đảng ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể; duy trì nền nếp, chế độ học tập, sinh hoạt, nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết, nhất là nghị quyết thực hiện nhiệm vụ mới, khó khăn; tổ chức triển khai, thực hiện chặt chẽ, tỷ mỉ, có hiệu quả. Gắn xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về thực hiện Phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”4, nhằm nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.
Về đánh giá cán bộ hằng năm, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đoàn gắn trách nhiệm với hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; trên cơ sở đó, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ, góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng bộ các giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân”
Lực lượng CSB thực thi nhiệm vụ |
Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, khơi dậy niềm tự hào, truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và lực lượng vũ trang, yên tâm vươn khơi, bám biển, cùng với các lực lượng chức năng giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Đẩy mạnh các hoạt động trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tích cực tham gia Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển chung tay làm sạch môi trường”; phong trào: Cảnh sát biển chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Em yêu biển đảo quê hương”, “Đền ơn đáp nghĩa”,… để lại nghĩa tình sâu nặng, lan tỏa hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Đặc biệt, năm 2019, Đoàn được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chọn làm điểm thực hiện mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển với đồng bào Dân tộc, Tôn giáo” tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ngày càng cao, tạo mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa nhân dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn với Đơn vị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh - cơ sở nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, Đoàn trinh sát số 2 Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Trinh sát Cảnh sát biển “tinh, gọn, mạnh, chuyên nghiệp”, tiến thẳng lên hiện đại, bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Quốc Tiến (lược trích) - Ảnh Trần Hảo