Nhìn những toa tầu đường phố Hong Kong, người Hà Nội thường chạnh lòng nuối tiếc tiếng leng keng của tầu điện Hà Nội xưa. Thế mới biết: cái gì tân tiến mấy thì thời gian cũng làm cho cũ kỹ, suy tàn,... vấn đề là duy trì, khai thác, cải tiến thế nào?
Đoàn tầu cổ vận hành bằng công kỹ nghệ tân tiến
Tuyến đường xe điện (Tramways Hong Kong) được đề xuất năm 1881, quá trình chuẩn bị kéo dài hàng chục năm để tới 1904, có 26 toa xe đầu tiên nhập khẩu từ Anh lăn bánh cho tới tận ngày nay (2018), ghi nhận lịch sử hình thành và hoạt đông xe điện Hong Kong trải qua 3 thế kỷ. Những toa tầu điện 2 tầng trên phố đã trở thành một trong những biểu tượng và di sản của Hong Kong.
Tàu điện Hong Kong hiện có 650 nhân viện (340 lái tàu) vận hành 163 toa chạy trên 1 tuyến chính, 1 tuyến vòng, 6 ga cuối, 29,5km chiều dài, 118 bến đỗ; chuyên chở 230.000 lượt khách/ngày; mỗi năm, 84 triệu người vượt qua 6 triệu km... Kết quả này còn rất khiêm tốn trong hệ thống giao thông công cộng Hong Kong - vốn hiệu quả nhất thế giới, đáp ứng 90% nhu cầu đi lại với nhiều loại phương tiện: MTR, Bus, Minibus, Taxi.
Tuyến tầu điện Hong Kong (mầu đỏ) trong Sơ đồ hệ thống GTCC Hong Kong Nghiên cứu thói quyen đi lại và thông tin số lượng hành khách bằng dùng phần mềm máy tính (nguồn Veolia RATP) |
Tuy vậy, vẫn cần đến “phép mầu” để tầu điện Hong Kong thu hút 16-18% các chuyến đi trong phạm vi toàn đảo, thu nhập 26 triệu EUR/năm (2012).
Tầu điện Hong Kong thuộc sở hữu tư. Chính quyền Hong Kong không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào, thậm chí không có Hợp đồng khai thác mà chỉ gia hạn Quyền khai thác 5 năm/lần (do Cục Giao thông vận tải Hong Kong quyết định) theo quy định về tiêu chuẩn khai thác.
Để cạnh tranh lành mạnh với các phương tiện khác, công ty đã hợp tác với các đối tác quốc tế để liên tục hiện đại hóa hệ thống. Họ khảo sát nhu cầu đi lại của hành khách để lập trình tối ưu hóa/tự động hóa tốc độ di chuyển khoảng cách giữa các toa tầu; nâng cấp/hiện đại hóa công nghệ duy tu bảo dưỡng đường ray, lưới điện để đảm bảo an toàn, ổn định và giảm tiếng ồn.
Tầu truyền thống và toa tầu thế hệ mới cửa đóng kín có máy lạnh (nguồn Veolia RATP) |
Các toa tầu vốn nhập khẩu từ Anh quốc (1904), đến năm 1964 Hong Kong đã tự sản xuất, năm 1992 còn xuất khẩu sang Anh. Toa tầu hiện dùng là thế hệ thứ 7: màn hình điện tử hiển thị thông tin điều khiển và định vị các toa tầu trong thời gian thực; kết nối với trung tâm điều hành và từng toa tầu với nhau, với thông tin mạng lưới giao thông công cộng và mạng điện thoại di động.
Hành khách mua vé bằng tiền xu, tài khoản hay thẻ Octopus với giá rẻ nhất. Họ có thể lựa chọn toa mở cửa hay những toa kín có máy lạnh. Công ty hợp tác với thành phố để cải thiện luồng tuyến hay chỉnh trang đô thị nhằm tối ưu hóa việc di chuyển tiện lợi, an toàn cho công chúng.
Nhìn những toa tầu trên đường phố Hong Kong, người Hà Nội thường chạnh lòng nuối tiếc tiếng leng keng của tầu điện Hà Nội xưa - vốn ra đời đồng thời với tầu điện Hong Kong nhưng đã bị loại bỏ vào những năm 1980-1990. Ai còn nhớ Hà Nội ngày ấy: đường ray cũ nát làm tàu trật bánh liên tục, dây điện đứt nối chằng đụp, toa xe rệu rã, xộc xệch mà không có phụ tùng thay thế. Thế mới biết: cái gì tân tiến mấy thì thời gian cũng làm cho cũ kỹ, suy tàn,... vấn đề là duy trì, khai thác, cải tiến thế nào?
Tầu điện Hong Kong hôm nay và tầu điện Hà Nội thập kỷ 1980-1990 |
Bỗng dưng lại giật mình về tuyến tầu trên cao Hà Đông - Cát Linh sắp vặn hành nay mai: dự án tiền ỷ đô la mà không có công kỹ nghệ nội địa, nhân lực kỹ thuật cao tương ứng, tất tật phụ thuộc vào nước ngoài: từ thiết kế đường xá đến chế tạo toa tầu, thiết bị điều khiển. Nhập khẩu từ đường ray đến vòng bi đinh ốc,... chả biết khi trục trặc, hỏng hóc không biết xoay sở ra sao?
Quản lý đầu tư dự án giao thông đô thị bằng BIM
Hệ thống đường sắt đô thị MTR Hong Kong có vai trò chủ lực của toàn hệ thống giao thông công cộng, với 5,5 lượt khách/ngày (chiếm 40%), bao gồm 218,2 km với 159 ga. MTR Hong Kong có danh tiếng sinh lợi cao nhất thế giới: tỷ lệ thu hồi vốn qua bán vé là 187% (2015). Do vậy, nó thu hút đầu tư tư nhân mạnh mẽ và tiến hóa không ngừng.
Để thu hút nhiều vốn đầu tư hơn nữa, các dự án phát triển hệ thống giao thông công cộng Hong Kong đang được quản lý đầu tư bằng BIM (Buiding Infomartion Management - Quản lý thông tin xây dựng).
Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình thường được mô tả thành không gian 3 chiều (3D) - mới đáp ứng được về mặt thị giác. Để quản lý chất lượng, giá thành và tiến độ dự án cần được bổ sung thêm 2 chiều thông tin nữa, thành 5D, đó là BIM - mối hình khối vật thể được gắn với thông tin mô tả vật tư thiết bị, gọi là chiều “Giá thành”; mỗi loại vật tư thiết bị còn kèm theo thông tin xuất xứ hàng hóa, nhà sản xuất, thời gian dự kiến lắp đặt tại công trình, gọi là chiều “Thời gian”. Nó xây dựng mối quan hệ tương tác thúc đẩy lẫn nhau, loại trừ xung đột. Ví dụ như xây dựng một nhà ga của tuyến đường ngầm tại WanChai, trên mặt đất là công trình xây dựng lại trung tâm thể thao và hồ bơi.
Hồ sơ BIM mô tả nhà ga MTR, trên nhà ga là Trung tâm thể thao. Dưới đường hầm là một tuyến đường MRT với các thiết bị cơ điện phức tạp trong một tổ hợp kiến trúc có nhiều chủ sở hữu cùng tham gia đầu tư xây dựng. BIM đã tạo điều kiện cho thiết kế và phối hợp đa ngành. |
Mô hình BIM mô tả cả hệ thống cấp điện, nước và cơ khí để các bên cùng kiểm soát được quá trình xây dựng và cùng phối hợp triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều bên cùng một lúc có thể kiểm soát chi phí đầu tư cũng như tiến độ cung cấp vật tư thiết bị; đồng thời còn tổ chức, điều hành giao thông phù hợp trong từng giai đoạn xây dựng.
Trao đổi với các đồng nghiệp Hong Kong, được biết, tất cả các dự án đường sắt đô thị trên thế giới hiện nay đều quản lý bằng BIM, tại Việt Nam cũng vậy. Có thể các cơ quan Việt Nam không quan tâm nhưng các tổng thầu nước ngoài tự xây dựng mô hình này để kiểm soát các nhà thầu phụ cùng tham gia dự án (phần xây lắp và thiết bị nhà ga, toa tầu, hệ thống vận hành,... ).
BIM giúp tổng thầu quản lý chi phí, chất lượng hàng hóa cung cấp và điều phối nhân lực tối ưu,... những thứ tác động trực tiếp lợi ích của họ. Vấn đề là chủ đầu tư Việt Nam có yêu cầu họ cung cấp tài liệu này hay không.
Công trường xây dựng ga MTR sát bờ biển. Tác giả trong chuyến tham quan - khảo sát Hong Kong tháng 7/2018 |
Liên quan đến việc chạy thử tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, các chuyên gia về đường sắt của Hong Kong cho biết: các chuyên gia kinh tế thế giới chỉ ra rằng nếu một dự án đầu tư 1,5 tỷ USD thì tổng giá trị tài sản của dự án đó trong cả vòng đời khai thác sẽ là 10 tỷ USD. Để quản lý, vận hành, bảo trì, khai thác khối tài sản lớn như vậy trong suốt quá trình tồn tại thì không thể thiếu BIM.
Từ ngày 12/9/2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Chưa rõ cơ quan này có dùng BIM để kiểm soát giá thành và theo dõi chất lượng toàn dự án này không? Nhưng nếu có BIM làm công cụ kiểm toán thì không chỉ Hà Nội mà Việt Nam ta sẽ có bước đột phá quan trọng trong quản trị đầu tư hiện đại, xứng tầm với định hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.
KTS Trần Huy Ánh
Bangkok xây 300km đường sắt đô thị: Giấc mơ tàu điện Hà Nội bao giờ?
Đây là hạ tầng hiện đại mà các thành phố lớn như Hà Nội mơ ước để giải quyết các vấn nạn giao thông của mình.
Không phụ thuộc nước ngoài, Malaysia quyết tự làm đường sắt đô thị
Kuala Lumpur, thành phố tiến lên phía trước một cách vững chắc không chỉ bằng đôi chân của mình mà còn là trí tuệ, nhiệt huyết của cộng đồng cư dân, doanh nhân và các nhà quản trị thành phố.