Sau trận mưa ngày 29/7, khoảng 100m đường tại Km 25 đường cao tốc Phan thiết – Dầu Giây ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Sự việc này khiến dư luận lo ngại, các cơ quan vào cuộc tìm nguyên nhân.
Có ý kiến cho rằng do mưa to, nước sông Phan không thoát kịp nên ngập. Nhưng ngoài mưa ra còn yếu tố nào gây ngập thì phải đi sâu vào thiết kế!
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT về sự cố này, Ban quản lý dự án Thăng Long, chủ đầu tư Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, nguyên nhân bước đầu là do mưa lớn trong thời gian ngắn, nước sông Phan dâng cao.
Có lẽ đây là để trấn an dư luận! Qua hình ảnh trên các phương tiện truyền thông, tôi nhận thấy, tình trạng ngập úng ngoài nguyên nhân do nước sông Phan dâng cao thì thiết kế đoạn đường này có vấn đề.
Đoạn đường bị ngập, nằm dưới đường điện 500kv. Để bảo đảm an toàn cho phương tiện qua lại dưới đường dây điện cao thế và giúp thoát nước lưu vực (phía bên trái ảnh), thiết kế đã đặt một cống hộp 2,5m x 2,5m. Đoạn đường này nằm trong đường cong đứng, nên cao độ mặt đường tại cống thấp hơn cao độ mặt đường hai bên. Cao độ mặt đường trên đỉnh cống là +44,47 nên khoảng cách an toàn dưới đường dây điện cao thế là hơn 25m (theo số liệu đăng tải trên báo chí).
Thiết kế lấy số liệu đỉnh lũ của sông Phan năm 1992 là +43,14. Như vậy, cao độ trên đỉnh cống còn cao hơn mực nước lũ 1992 là 1,33m. Nhưng địa phương nói năm 1992 không phải là đỉnh lũ cao nhất mà đỉnh lũ năm 1999 còn cao hơn nhiều!
Rõ ràng, việc tư vấn lấy mực nước lũ năm 1992 để thiết kế là chưa chuẩn xác và không đúng với quy trình thiết kế thủy văn theo tiêu chuẩn Việt Nam 2005 là 1%.
Thiết kế cống thoát nước
Trên hình ảnh ta thấy bên trái đường có một lưu diện khá rộng mặt đất dốc thoải về đường cao tốc, nên lượng nước đổ xuống đường không phải là nhỏ.
Vậy cống hộp với kích thước này có thoát được nước mưa để nước không tràn qua mặt đường? Bởi cống lại nằm ngập trong hố tụ nước và phía hạ lưu còn có cống của đường gom.
Với địa hình này thì thiết kế cống hộp 2,5m x 2,5m là không phù hợp.
Chiều cao tĩnh không dưới đường điện cao thế (số liệu trên báo là 550kv) và cao độ mặt đường theo thiết kế có hợp lý không?
Để đảm bảo an toàn, thiết kế đã để cao độ mặt đường tại Km 25+419 là +44,47 nên tĩnh không dưới đường điện hiện tại và mặt đường tại Km 25+419 là hơn 25m. Nhưng theo Giám đốc truyền tải điện Bình Thuận thì khoảng cách giữa đường dây điện xuống mặt đường tại Km 25+419 chỉ cần 14m.
Do vậy tĩnh không của đường dây tải điện và cao độ thiết kế mặt đường lại lấy đỉnh lũ năm 1992 là không hợp lý.
Theo quy định, ngoài tuân thủ thiết kế kỹ thuật, người tư vấn thiết kế đứng ở góc độ thi công phải dựa trên cơ sở thực địa để thiết kế, khi thấy sự không phù hợp phải báo cáo chủ đầu tư biết sự sai khác. Như thế mới tròn trách nhiệm.
Hữu Diên