Những ngày qua, 120 thanh niên tiêu biểu đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự chương trình "Trại hè Việt Nam 2023" đã tham quan tại Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Ngày 29/7, đoàn đại đã đến tỉnh Thừa Thiên Huế. Hai điểm đầu tiên đoàn đến thăm là lăng vua Khải Định và lăng vua Tự Đức.
Lăng mộ vua Khải Định là một trong số các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận Di sản Văn hoá Thế giới vào năm 1993. Đây là công trình xây dựng cuối cùng của triều Nguyễn (1802-1945).
Vua Khải Định chọn vị trí lăng theo phong thuỷ truyền thống. Vị trí lăng nằm trên triền núi Châu Chữ, phía trước có một quả đồi thấp làm tiền án; có núi Chóp Vung và Kim Sơ trước mặt làm "Tả thanh long" và "Hữu bạch hổ" (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải).
Để vào gian chính của lăng sẽ phải bước lên 127 bậc.
Ngay sau khi lên ngôi, ông đã cho xây dựng và hoàn thiện nhiều cung điện, công trình trong Hoàng thành Huế. Ông là vị vua cuối cùng xây dựng lăng tẩm cho chính mình. Năm 1920, tức mới chỉ 35 tuổi ông đã bắt đầu xây dựng Ứng Lăng để làm nơi yên nghỉ của mình. 5 năm sau khi bắt đầu xây lăng, Khải Định băng hà. Đến 6 năm sau khi ông mất, tức mất đến 11 năm, Ứng Lăng mới hoàn thiện năm 1931 bởi con trai ông, hoàng đế Bảo Đại.
Ứng Lăng có diện tích khiêm tốn hơn lăng của các vị vua nhà Nguyễn khác. Lăng chỉ có kích thước 117 m x 48.5 m nhưng lại được thiết kế và xây dựng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Vua Khải Định đã cho người sang Pháp, Trung Hoa, Nhật Bản mua vật liệu từ sắt, thép, mái ngói cho đến đồ sứ, thủy tinh màu... để xây dựng và trang trí công trình.
Sự du nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... đã để lại dấu ấn trên những công trình trong lăng Khải Định. Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; Trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo; Hàng rào như những cây thánh giá. Đây là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định. Nhà bia hình bát giác với những hàng cột và vòm cửa theo lối kiến trúc Roman biến thể.
Các kiều bào trẻ tìm hiểu hiện vật trong lăng.
Nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh tinh xảo.
Bạn Minh Hiệp (kiều bào Pháp): "Trên thế giới có lăng mộ nổi tiếng của vua Pharaon ở Ai Cập. Hôm nay về đây, em biết thêm khu lăng mộ ấn tượng, độc đáo này".
Lăng vua Tự Đức tọa lạc ở xã Thủy Biểu, TP.Huế, là nơi chôn cất vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Nguyễn. Ông trị vì được 36 năm từ 1847-1883.
Vào năm 1864, công trình lăng vua Tự Đức chính thức được khởi công xây dựng với sự góp sức của hơn 6.000 lính và thợ để đào hào, đắp lũy, xây thành quách và lăng mộ. Lăng gồm hai phần chính: khu vực tẩm điện và lăng mộ.
Quần thể kiến trúc này tọa lạc trên tổng diện tích 12 ha, gồm gần 50 công trình trong lăng vua Tự Đức ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi như Cửa Vụ Khiêm, Khiêm Cung Môn, Chí Khiêm Đường, hồ Lưu Khiêm, Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, điện Hòa Khiêm,…
Bạn Ngọc My (Cộng hòa Séc): "Em thích các công trình cổ của Việt Nam vì nó đẹp, đặc biệt là phù điêu rồng trên mái nhà. Lớp ngói lợp qua nhiều năm vẫn giữ được màu sắc. Em được biết thêm về vua Tự Đức - một vị vua lãng mạn và yêu thơ ca. Những hoạt động thăm khu di tích lịch sử, thăm các "địa chỉ đỏ" trong lịch sử, khu di sản thiên nhiên... của Trại hè năm 2023 rất ý nghĩa, giúp em và các bạn càng thêm yêu Tổ quốc, mong đợi đóng góp nhiều hơn nữa cho Việt Nam",
Sáng 30/7, đoàn kiều bào trẻ có mặt ở Đại Nội. Đây là quần thể kiến trúc rộng lớn với nhiều hạng mục công trình lớn nhỏ khác nhau dùng làm nơi sinh hoạt và làm việc của các vị vua triều Nguyễn và dòng tộc.
Trải qua hàng trăm năm, mặc dù đã nhiều lần tu bổ nhưng đến nay, Kinh thành Huế gần như vẫn giữ được diện mạo với giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc cung đình.
Quần thể Di tích Cố đô Huế gồm 3 vòng thành. Thành ngoài cùng là Kinh thành; thành thứ hai là Hoàng thành hay còn gọi là Đại Nội; trong cùng là khu Tử Cấm Thành. Cửa của Vua đi gọi là Ngọ Môn. Trên Ngọ Môn có tầng khán đài là lầu Ngũ Phụng, nơi các vị Vua nhà Nguyễn tổ chức một năm 3 cuộc lễ lớn…
Đoàn đại biểu kiều bào chụp ảnh lưu niệm trước cổng Ngọ Môn.
Các bạn trẻ thích thú với trải nghiệm mặc áo dài cổ phục.
Cố đô có nhiều cảnh đẹp cho giới trẻ check-in, ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ khi đến đây du lịch.
Một số cảnh quan tại chùa Thiên Mụ.
Lãnh đạo Vụ thông tin - văn hóa, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cùng các đại biểu trẻ dâng hương tại chùa Thiên Mụ.
Nhiều bạn trẻ kiều bào bày tỏ sẽ giới thiệu và quảng bá hình ảnh và giá trị của văn hóa Huế ra thế giới, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tổ tiên.