Chuột núi thuộc dạng hiếm, chúng chỉ ăn hoa quả, thảo mộc trên núi nên có giá rất cao, muốn thưởng thức loại chuột này phải đặt trước. Thợ săn chuột núi rao bán 90 nghìn đồng một con vẫn cháy hàng.
XEM CLIP:
Huyện Yên Thành được biết đến là vựa lúa của xứ Nghệ. Để đảm bảo vụ mùa bội thu, từ lâu, chính quyền địa phương và người dân trong nhiều xã đã xem phong trào diệt chuột là việc làm rất quan trọng trước, trong và sau mỗi vụ lúa.
Xuất phát từ phong trào diệt chuột bảo vệ mùa màng từ lâu đời, chuột đồng được người dân tận dụng chế biến thành những món ăn ngon hàng ngày.
Sau gần 2 tiếng săn chuột đồng cách nhà tầm 10km, mang theo thành quả đến cơ sở thu mua, ông Lê Văn Thắng (trú xã Đức Thành) cho biết, những bờ ruộng cao, gò đất nổi giữa ruộng là nơi săn chuột lý tưởng.
“Sau khi tìm được hang chuột, tôi đào khoét miệng hang rồi múc nước đổ vào hang. Khi nước ngập các ngóc ngách trong hang, chuột sẽ chạy ra. Hôm nay tôi bắt được khoảng 5kg chuột, bán được 300.000 nghìn đồng”, ông Thắng chia sẻ.
Kinh nghiệm nhiều năm săn chuột đồng, ông Trần Văn Thương (49 tuổi, trú xã Đức Thành) chia sẻ, săn chuột bằng cách đào hang, tát nước mất rất nhiều công sức. Các “thợ săn” sẽ đi theo từng nhóm 2-3 người. Họ đặt bẫy bằng những chiếc sọc (giống chiếc lờ bắt cá - PV) hay lồng sắt để bắt.
“Cái hay của loại bẫy này là người thợ không cần dùng bất cứ loại mồi nhử nào, chỉ cần nhìn theo dấu chuột đi hoặc dấu cây, cỏ bị cắn phá mà đặt đón đầu”, ông Thương cho hay.
Cũng theo ông Thương, mùa săn chuột đồng thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch. Hiện là thời gian chuột đạt trọng lượng và chất lượng tốt nhất trong năm.
Nghề săn chuột đồng nổi tiếng nhất là xã Đức Thành và Thọ Thành (huyện Yên Thành). Mỗi ngày, hàng trăm người toả đi khắp các xứ đồng từ Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên... thậm chí sang cả Hà Tĩnh để săn bắt chuột đồng.
Phấn khởi mang theo cả ô tô chuột đến cơ sở thu mua, “thợ săn” Trần Văn Tám (57 tuổi, trú xóm Quyết Thắng, xã Đức Thành) cho biết, đây là thành quả săn bắt từ 19h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
“Đi hơn 60km từ nhà đến đồng lúa ở huyện Hưng Nguyên, gia đình 3 người chúng tôi bắt được khoảng 60kg chuột, bán được hơn 3 triệu đồng. Tuy vất vả nhưng có thu nhập tốt lại giúp bà con giảm bớt thiệt hại cho vụ mùa sắp tới”, ông Tám tâm sự.
Chủ cơ sở thu mua chuột đồng trên địa bàn xã Đức Thành, anh Trần Văn Thành (28 tuổi) cho hay, trường hợp săn được nhiều chuột như ông Tám trong một ngày không phải là hiếm.
“Có lần tôi thu mua được từ một người đi săn bắt hơn 100kg chuột. Tuỳ theo kích cỡ, con to giá 60.000-70.000 đồng/kg, con nhỏ giá 50.000-55.000 đồng/kg. Chuột sau khi được thu mua sẽ được gửi xe đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Cao điểm một ngày, cơ sở thu mua của tôi nhập bán cho thương lái gần 1 tấn chuột nhưng vẫn không đủ”, anh Thành chia sẻ.
Theo các cơ sở thu mua, năm nay, nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An xảy ra mưa lụt kéo dài nên số lượng chuột đồng giảm đi rất nhiều so với mọi năm.
Thịt chuột vài năm trở lại đây đã trở thành món ăn đặc sản, được nhà hàng, quán nhậu ưa chuộng, chế biến thành nhiều món khác nhau như: nướng, giả cầy, luộc,... phục vụ thực khách.
Trần Tuyên