Trước sự bão hòa của thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, thời gian gần đây, nhiều siêu thị điện tử điện máy đã lựa chọn con đường đổ về các tỉnh để mở rộng thị phần.

Hệ thống siêu thị điện máy HC ngoài thị trường Hà Nội đã dồn dập mở hàng loạt “chân rết” tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc… Media Mart hiện cũng tỏa ra Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh.

Ông Lê Quang Vũ - Tổng Giám đốc Media Mart cho hay doanh nghiệp này sẽ còn tiếp tục có mặt tại các thị trường như Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa và thậm chí là thị trường miền Trung như Nghệ An…

Trong khi đó, hệ thống siêu thị điện máy Trần Anh, sau khi mở liên tiếp tới 7 siêu thị tại Hà Nội năm 2013 cũng đang lên kế hoạch cân nhắc trong 2014 sẽ mở thêm một số siêu thị nữa ở các tỉnh thành miền Bắc.

Tại khu vực phía Nam, trao đổi với ICTnews gần đây, ông Đinh Anh Huân - Tổng Giám đốc Dienmay.com bày tỏ, trước sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ điện tử điện máy ngày càng khốc liệt, giới bán lẻ phía Nam cũng đi theo hướng mở rộng thị trường về các tỉnh.

Đánh giá của ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Marketing Media Mart cho thấy, mô hình bán lẻ hiện đại, quy mô lớn đang dần thay thế cho kênh truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ hiện tại ở các tỉnh. Với xu hướng hiện nay, trong vòng 2 năm tới thị phần bán lẻ tại các tỉnh sẽ được “gom” lại bởi các mô hình bán lẻ hiện đại giống như đã từng diễn ra tại thị trường Hà Nội thời gian qua.

Trao đổi với ICTnews, ông Trần Xuân Kiên - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh cho rằng, dù mỗi một siêu thị có hướng đi khác nhau song hướng mở rộng ra các tỉnh đang là xu thế phù hợp đối với doanh nghiệp đủ tiềm lực. Tuy nhiên, “miếng bánh” thị phần tại các tỉnh không dễ nuốt.

Ông Trần Xuân Kiên chỉ rõ, trong cuộc chạy đua đổ về các tỉnh, siêu thị nào nhảy vào sớm sẽ có lợi thế “hớt váng” tốt hơn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lợi thế nhất định, không thể thấy đối thủ đã lập chi nhánh mà lại làm nôn nóng. Tức là, cần thận trọng xây dựng kịch bản đầu tư, chuẩn bị dài hạn cho vài năm.

Phân tích của một chuyên gia trong lĩnh vực điện máy còn cho thấy, về các tỉnh, có thể ngay trong năm đầu doanh nghiệp có lợi nhuận ngay. Tuy nhiên, trong 1 - 2 năm tiếp theo thậm chí lại chấp nhận... bị lỗ do phải đối mặt với nhiều thách thức hơn đến từ sự cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương và chính giữa những doanh nghiệp lớn với nhau khi cùng đổ về.

Nếu muốn cạnh tranh với doanh nghiệp địa phương, các “ông lớn” nên nhớ, những đối thủ vốn đang hoạt động tại các tỉnh chắc chắn sẽ không chịu đứng yên nhìn mất thị phần. Họ sẽ điều chỉnh mô hình hoạt động, thậm chí nếu đủ tiềm lực sẽ nâng cấp từ cửa hàng lên siêu thị, đưa ra hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn để đối phó.

Cần lưu ý, trước sự đổ bộ các thương hiệu điện máy lớn thì các hãng cung cấp sản phẩm sẽ không “bỏ rơi” doanh nghiệp địa phương. Thậm chí, các hãng còn có thể tạo ra sự hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp địa phương, để các doanh nghiệp dần trưởng thành, đủ năng lực cạnh tranh với thương hiệu lớn vốn đã dạn dày kinh nghiệm từ những thị trường khắc nghiệt đổ về.

Nhưng vấn đề nói trên không đáng ngại bằng thách thức lớn sẽ đến từ chính các doanh nghiệp lớn với nhau khi ít nhất có thêm 2 - 3 siêu thị cùng nhảy vào một tỉnh. Cùng chạm trán nhau, tung chương trình khuyến mãi khủng, thậm chí giảm giá như… phá giá cũng chỉ ngang ngửa nhau thì khi ấy cuộc chiến sẽ càng khắc nghiệt, có thể cùng dìm nhau vào chỗ nguy hiểm trong khi sức tiêu dùng của người dân các tỉnh chỉ có hạn.

Khi đó doanh nghiệp nào đầu tư thiếu bền vững và không trường vốn sẽ dễ gặp nhiều rủi ro, sớm bật khỏi cuộc chơi, còn doanh nghiệp nào vượt qua được sóng gió, trụ được từ 3 - 4 năm đầu tiên thì mới dám nghĩ đến chuyện “bám rễ” lâu dài tại thị trường các tỉnh.