Hanwha - tập đoàn kinh tế lớn thứ 7 tại Hàn Quốc - vừa thêm một bước mở rộng tại thị trường Việt Nam. Sau lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư, ông lớn Hàn Quốc tiếp tục nhảy vào lĩnh vực chứng khoán với sự xuất hiện của Pinetree Securities.
Đây chính là Công ty Chứng khoán HFT mà Hanwha Investment & Securities đã hoàn tất thâu tóm 90% hồi tháng 5/2019 vừa qua nhằm thúc đẩy đầu tư các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại Việt Nam với định hướng trở thành CTCK chuyên về kỹ thuật số hàng đầu ở Việt Nam.
Tại Hàn Quốc, Hanwha Investment & Securities là một trong những CTCK hàng đầu. Tuy nhiên, quyết định mở rộng sang Việt Nam được xem là “động lực tăng trưởng mới bởi tiềm năng tăng trưởng cao của thị trường Việt Nam”.
Một loạt các ông lớn đã nhảy vào lĩnh chứng khoán Việt Nam như KB Financial Group Inc thâu tóm Chứng khoán Maritime (MSI) và sau đổi tên thành Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Trước đó, các CTCK vốn Hàn Quốc khác cũng có mặt tại Việt Nam như: Chứng khoán KIS, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV).
Dòng vốn ngoại, trong đó Hàn Quốc đang chảy mạnh vào thị trường tài chính Việt Nam. |
Sự xuất hiện của các CTCK Hàn Quốc giúp TTCK thêm sôi động và gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường, nhất là đối với các CTCK nội, vốn xuất hiện ngay từ đầu và đang ở top đầu trên thị trường.
Tất cả các CTCK có vốn Hàn đều có trụ cột đằng sau là các tập đoàn lớn và đều tăng vốn nhanh chóng sau khi thâu tóm CTCK Việt.
Cuối tháng 9 vừa qua, Chứng khoán Mirae Asset đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ lên gần 5.500 tỷ đồng với nguồn vốn đến từ công ty mẹ Mirae Asset Securities và trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. KBSV và KIS cũng đã tăng vốn lên gần 1,7-1,9 ngàn tỷ đồng, đều lọt top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất.
Pinetree Securities ngay sau khi về tay Hanwha Investment & Securities Co., Ltd cũng đã tăng vốn từ 100 tỷ lên 600 tỷ trong tháng 9 vừa qua.
Điểm nổi bật của nhóm CTCK có vốn Hàn Quốc là tiềm lực tài chính mạnh và công nghệ cao do vậy khả năng tiếp cận khách hàng khá dễ dàng. Dư nợ cho vay margin của Mirae Asset tính tới giữa năm đã lên tới 5 ngàn tỷ đồng, chỉ kém chút ít so với CTCK số 1 Việt Nam: SSI.
Không hoạt động riêng rẽ, mà rộng trên nhiều mảng tài chính do vậy các CTCK được hậu thuẫn bởi các tập đoàn Hàn Quốc có nhiều sản phẩm dịch vụ. Doanh thu đến từ nhiều mảng, chứ không chỉ môi giới.
Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều CTCK đã thực miễn phí giao dịch, thậm chí miễn phí giao dịch trọn đời như trường hợp của Pinetree.
Làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã có từ cả chục năm nay với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất lớn. Gần đây nhất, đại gia Hàn Quốc Charmvit Lee Daa Bong đã khởi động siêu dự án tổ hợp vui chơi giải trí (đua ngựa) gần 10 ngàn tỷ đồng với 100ha tại Sóc Sơn và sự kiến đưa hoạt động trong tháng 10/2020.
Một loạt quỹ đầu tư Hàn cũng đã vào Việt Nam trong vài năm gần đây như Quỹ Korea Investment Management Co., Ltd (KIM) với quy mô danh mục đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. KEB Hana Bank rót 20,3 ngàn tỷ đồng vào mua 15% vốn Ngân hàng BIDV. SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào VinGroup với tỷ lệ sở hữu khoảng 6,1%.
Theo giới quan sát, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng 4 của Hàn Quốc vào Việt Nam với ban đầu là dệt may, sau đó điện tử và tiêu dùng bán lẻ. Giờ đây, làn sóng thứ 4 vào Việt Nam chính là tài chính và fintech.
Trong bối cảnh thương chiến leo thang trên thế giới, Việt Nam là điểm đến của các cheabol Hàn Quốc. Các dòng đầu tư đang tìm cách chuyển hướng, tìm nơi trú ẩn mới. Việt Nam nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn, giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp lớn.
Cho đến nay, đã có gần 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh,... với tổng đầu tư lên tới hàng tỷ USD.
Nhiều khả năng, trong thời gian tới, các tập đoàn tài chính Hàn Quốc cũng có thể nhắm đến các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam như Cbbank, Oceanbank, GPbank...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index tăng nhẹ. Nhóm cổ phiếu Vingroup tiếp tục tăng điểm. Kỳ vọng về thương mại Mỹ-Trung lại được mở ra sau khi có báo cáo trên Bloomberg cho biết tình hình không đến nỗi bi đát như ông Donald Trump cảnh báo.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index đã hồi phục khá tích cực từ vùng hỗ trợ 946-951 điểm trong phiên hôm trước. Diễn biến tích cực này của thị trường nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Chỉ số sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 968-972 điểm. Tại đây, thị trường có thể sẽ gặp phải áp lực rung lắc và điều chỉnh trở lại. Thị trường cũng sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh tích lũy trước khi tiếp tục quá trình hồi phục một cách bền vững hơn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/12, VN-Index tăng 12,47 điểm lên 965,9 điểm; HNX-Index tăng 1,4 điểm lên 102,47 điểm. Upcom-Index tăng 0,38 điểm lên 55,91 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 240 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.
V. Hà