62% trong tổng số 522 tân GS, PGS mới được công nhận từ 50 tuổi trở xuống.
GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết chi tiết, trong 522 nhà giáo vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015 thì tỉ lệ giảng viên đại học chiếm tuyệt đại đa số.
Cụ thể, tỉ lệ giảng viên trực tiếp chiếm 82,37%. Tỉ lệ giảng viên thỉnh giảng là 17,62%. Tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng là cán bộ quản lý chiếm 4,21%.
Số lượng nhà giáo nữ chiếm gần 25%, có 5 ứng viên là người dân tộc thiểu số. Các con số này đều tăng hơn so với năm trước.
Tỉ lệ GS, PGS ở TPHCM và các tỉnh thành khác đều tăng lên. Cụ thể. Số lượng nhà giáo được công nhận đạt chuẩn GS, PGS năm 2015 khu vực TPHCM chiếm 18%, các tỉnh thành khác chiếm 19%, còn lại là ở Hà Nội.
Trình độ ngoại ngữ của các ứng viên cũng tốt hơn nhiều, có người nói được 2, 3 ngoại ngữ. Đặc biệt, số ứng viên bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài theo các Đề án 322, Đề án 911 là những người trẻ, giỏi, có nhiều công bố quốc tế, ngoại ngữ tốt, có tác phong khoa học. Ứng viên các lĩnh vực khoa học công nghệ, y học có nhiều công bố quốc tế. Có người có 50 bài báo đăng trên các tạp chí khao học uy tín.
Số GS, PGS từ 50 tuổi trở xuống chiếm gần 62%, từ 40 tuổi trở xuống chiếm hơn 23%.
Độ tuổi trung bình của 522 tân GS, PGS là 48 tuổi (năm trước là 49 tuổi). Độ tuổi trung bình của 52 tân GS là 56,87 tuổi (năm trước là 58 tuổi), của 470 tân PGS là 46,64 tuổi (năm trước là 48 tuổi).
Ngân Anh