Phoi-canh-du-an-toa-nha-han.jpg
Phối cảnh Trung tâm hành chính “thông minh” 34 tầng của Thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Internet

Sức ép "bức xúc đô thị" liên tục gia tăng

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Việt Nam đang ở trong tốc độ đô thị hóa “chóng mặt” khi hiện nay có hơn 800 đô thị với khoảng 25 triệu người dân sinh sống. Và dự tính đến năm 2040, tốc độ đô thị hóa sẽ đạt 50% và tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay.

Như vậy, những con số nói trên cũng đồng nghĩa với câu chuyện sẽ có vô vàn gánh nặng, bức xúc liên quan đến vấn đề giao thông, y tế, điện nước… đặt lên “vai” các đô thị.

Trước thực tế đó, tại Diễn đàn CNTT cấp cao (ICT Summit 2012) vừa diễn ra tại Hà Nội, một lần nữa các chuyên gia về đô thị và công nghệ tiếp tục lên tiếng cảnh báo đến vấn đề để hạn chế được các “sức ép”, giải quyết bức xúc đô thị thì các đô thị Việt Nam cần phải dần trở nên “thông minh hơn” thông qua ứng dụng CNTT, các công nghệ cao khác để quản lý hiệu quả vấn đề năng lượng, giao thông vận tải, an ninh cho tới giải trí, giáo dục, y tế, giải trí…

Tức là hầu hết các lĩnh vực tiến tới phải được kết nối qua Internet để người dân có thể sử dụng các dịch vụ, chính quyền quản lý từ xa hiệu quả, góp phần trở thành một ĐTTM.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, điều kiện công nghệ để Việt Nam có thể phát triển các ĐTTM đang trở nên rất “sẵn” khi hiện nay nhiều tập đoàn, doanh nghiệp như Cisco, IBM, Ericsson, Intel, Bkav Smarthome… cùng nhiều hãng khác đang tung ra giải pháp.

Ví dụ, IBM Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp CNTT để quản lý nguồn cung nước sạch, thực phẩm, giao thông…; hãng Ericsson (Thụy Điển) đang cung cấp giải pháp hệ thống kết nối thông tin trong ngành y tế nhằm hướng tới mô hình y tế điện tử ở Việt Nam; Bkav SmartHome tung ra giải pháp hướng tới hộ gia đình cá nhân, cho phép người dùng có thể thông qua điện thoại di động hoặc máy tính kết nối mạng Internet có thể điều khiển điện, nước, điều hòa nhiệt độ, ánh sáng… tại nhà dù đang ở bất cứ nơi đâu.

“Khu kinh tế tự do Songdo, Incheon của Hàn Quốc, Thượng Hải (Trung Quốc) hay Shah Alam (Malaysia)… đang là những ví dụ điển hình cho một thành phố thông minh với khả năng áp dụng CNTT hiệu quả để quản lý hạ tầng, giải quyết những bức xúc đô thị, là những kinh nghiệm để Việt Nam có thể tham khảo trong phát triển ĐTTM”, bà Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) bày tỏ.

Phát triển manh mún

Theo ông Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) thì tại Việt Nam ngay từ năm 2008, vấn đề hiện thực hóa các khu ĐTTM đã được hình thành với một số dự án được bắt tay vào khởi công.

Ví dụ như năm 2008, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đã lập dự án xây dựng khu công nghệ thông minh bằng nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản.

Cũng từ năm 2008 đến nay Thành phố Đà Nẵng đã bắt tay với Cisco, IBM, Intel… để xây dựng ĐTTM với chính quyền điện tử, phủ sóng Wi-Fi công cộng, tung ứng dụng điện tử cho phép người dân qua Internet có thể đăng ký kinh doanh, đăng ký phương tiện giao thông, khám chữa bệnh… Tháng 3/2012 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên bắt tay với một doanh nghiệp Hàn Quốc để thí điểm áp dụng xây dựng ĐTTM tại dự án Khu đô thị Yên Bình rộng 1.035ha (thuộc hai huyện Phổ Yên và Phú Bình) với nguồn vốn ODA 3,5 triệu USD của Hàn Quốc.

Ngoài ra, đó còn là hàng nghìn dự án cao ốc khác được xây dựng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… trong thời gian qua cũng đã ứng dụng các tiến bộ CNTT để quản lý hạ tầng, dịch vụ cho tòa nhà.

Tuy nhiên, đánh giá của đại diện các chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN, Tập đoàn Cisco… cho thấy, đến nay vấn đề phát triển ĐTTM tại Việt Nam vẫn chỉ là sự manh mún, phổ biến tình trạng mạnh ai nấy làm của các chủ đầu tư, các địa phương.

“Dù trong những năm gần đây có nhiều cao ốc, khu đô thị mới liên tiếp mọc lên nhưng hầu hết vẫn chưa phải là những khu đô thị “thông minh”, các đô thị vẫn phải đối mặt với nhiều bất cập trong công tác quản lý hạ tầng, thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch, ứng dụng hạ tầng CNTT, viễn thông”, ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng bày tỏ.

Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thẳng thắn cho rằng đến nay Việt Nam cũng chỉ mới ở trong giai đoạn đầu tiên tiếp cận với xu hướng phát triển ĐTTM.

Lý giải nguyên nhân, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng bên cạnh yếu tố thiếu kinh phí thì vấn đề mấu chốt còn nằm ở nhận thức đầu tư cho một tòa nhà, khu đô thị thông minh của các chủ đầu tư còn hạn chế.

Cùng đó, một vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay còn là để đẩy mạnh khuyến khích phát triển ĐTTM, Nhà nước cần có nhiều hỗ trợ cho phát triển ĐTTM, cơ quan như Bộ Xây dựng cần điều chỉnh, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về quy hoạch, để dần đưa các tiêu chuẩn xây dựng theo hướng “thông minh” theo từng mức độ khác nhau vào trong các tòa nhà, khu đô thị mới.