TS. Đinh Đức Sinh 

Việt Nam đang trong cao trào đô thị hóa (ĐTH). Trước đổi mới, cả nước chỉ có 3 thành phố trực thuộc  trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, năm 1997 có thêm Đà Nẵng, năm 2004 có thêm Cần Thơ. 

Tới năm 2015, đô thị trực thuộc cấp tỉnh (thành phố, thị xã) đã đạt 110 đơn vị; đô thị cấp huyện đạt 613 đơn vị. Tới nay, cả nước hiện có tổng cộng 819 đô thị, tăng gần 200 đơn vị so với đầu thế kỷ XX. Xét theo dân số, thì tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 24% năm 2000 lên 40% năm 2019. Trong những năm tới, tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng bình quân 1%/năm, đạt 50% vào năm 2030. 

Càng vui mừng bao nhiêu với đà tăng trưởng của đô thị hóa thì càng lo ngại bấy nhiêu với tình trạng tràn ngập rác thải tại tất cả các loại đô thị lâu nay và hiện nay. 

Với người dân, tình trạng này cách đây 20 năm còn chịu đựng được, cách đây 10 năm thì đã chịu không nổi, còn cách đây vài ba năm thì đã trở thành nỗi phẫn nộ. Ngay cả ở những đô thị cao cấp như Phú Mỹ Hưng đã có những hộ tính tới việc bán nhà để đến ở tại những nơi sạch sẽ hơn. 

Tại nhiều bãi rác thị trấn, bãi rác thị xã, bãi rác thành phố, bãi rác siêu đô thị, người dân đã lập rào chắn để cấm xe vận chuyển rác tiếp tục đổ vào bãi rác đã quá tải, cao như núi, xú uế bốc lên nồng nặc, ruồi bọ lúc nhúc, nước ngầm ô nhiễm. 

{keywords}
Đô thị hóa: đừng để bị ‘rác cuốn đi’

Rác đô thị đã tràn ra khắp đồng quê, làm tắc nghẽn nhiều dòng sông, bao phủ nhiều bãi biển, lắng sâu xuống tận đáy đại dương. Việt Nam đã được thế giới biết đến với biết bao danh hiệu cao đẹp, nhưng gần đây đã và đang nổi danh với một quốc gia nhiều rác thải. Tình trạng này nếu kéo dài thì thành tựu về đô thị hóa sẽ bị rác thải vùi dập, cuốn đi không thương tiếc. 

Khỏi phải nói thêm về thực trạng đã ở mức độ quá nghiêm trọng này. Vấn đề là do đâu mà tình trạng đó lại phát sinh, bành trướng, kéo dài, chưa đến điểm dừng, và chấm dứt? 

Tại qui hoạch? Vâng, không chối vào đâu được. 

Tại dân? Vâng, phần lớn rác thải đô thị đều xuất phát từ các khu dân cư xả ra. 

Tại vốn? Vâng, nhà nước luôn thiếu vốn, còn tư nhân thì nhỏ yéu, vốn chưa nhiều. 

Tại công nghệ? Vâng, công nghệ hiện đại xử lý rác thì Việt Nam chưa có, phải nhập.

Vâng, vô vàn lý do… Nhưng con người ở đâu, cán bộ ở đâu trong thực trạng này? Cán bộ mới là tố quyết định mọi thành bại của chính sách, từ cách mạng, đổi mới đến phát triển, môi trường. 

Đô thị hóa là một quá trình phát triển có hệ thống. Ở mức lý tưởng, hệ thống đó sẽ phải dựa vào những thành tựu mới về thành phố thông minh. Nhưng cách đây vài ba thập kỷ, qui hoạch phát triển đô thị đã phải đưa ra những quyết định khi thành tựu về thành phố thông minh chưa kịp ra đời. Khiếm khuyết của qui hoạch phát triển đô thị những thập kỷ qua là không tính tới yếu tố rác thải đô thị, hoặc chưa lường hết được yếu tố giao thông đô thị, cấp thoát nước đô thị, quảng trường và tượng đài đô thị… 

Nhưng con người, cán bộ không bó tay, đã kịp xoay xỏa để khắc phục nhiều khiếm khuyết đó. Tuy thiếu vốn, nhưng phần nhiều thành phố lớn nhỏ đều đã kịp làm được quảng trường và tượng đài hoành tráng, nhưng rác thải thì ngay hai siêu đô thị đến nay vẫn sử dụng biện pháp chôn lấp đã được khai sinh từ ba chục năm trước, không có gì mới mặc dù đô thị hóa tại hai đô thị này đã có những bước tiến khổng lồ. 

Nếu phải đầu tư để rác đô thị được chế biến bằng công nghệ hiện đại với giá vài triệu, vài chục triệu, vài trăm triệu USD thì cũng không thấm vào đâu so với những khoản tăng vốn vô tội vạ đối với nhiều dự án giao thông, cấp thoát nước…Nói như thế để thấy rằng tình trạng rác thải tràn ngập tại các đô thị lâu nay, truy tới cùng, nguyên nhân chỉ còn là ở yếu tố  con người - cán bộ, nhất là người đứng đầu. 

Mặc dù đã muộn, nhưng thành tựu đô thị hóa ở Việt Nam trong 3 thập kỷ đổi mới vừa qua không thể để “rác cuốn đi”, nếu cán bộ, nhất là ngươi đứng đầu các cấp, các ngành sớm đưa ra các quyết định cấp thiết ở tầm quốc gia về một kế hoạch khẩn cấp xử lý rác thải đô thị trong phạm vi cả nước. 

Về mục tiêu, kế hoạch này loại bỏ tất cả các biện pháp chôn lấp rác đô thị đang áp dụng hiện nay. Biện pháp này trên thực tiễn đã chứng tỏ rằng về mặt công nghệ là một phản khoa học, về mặt xã hội là một giải pháp gây mầm bất ổn, về mặt kinh tế là một lựa chọn không coi rác là một loại tài nguyên, về mặt phát triển bền vững là một thất bại không thể cứu vãn. 

Thay thế biện pháp chôn lấp rác phải là biện pháp xử lý rác bằng công nghiệp hiện đại, với qui mô lớn nhỏ thích hợp với từng loại đô thị. Bài học thành công trên thế giới về công nghiệp chế biến rác thải đô thị cho thấy một liên hoàn sau đây: Phân loại rác từ nơi phát sinh, thu gom và tập kết rác về nhà máy, rác hữu cơ được chế biến thành phân bón, rác vô cơ một phần được tái chế, phần còn lại đưa vào lò đốt, nhiệt lượng được thu lại để phát điện thương phẩm, tro xỉ được sử dụng vào sản xuất vật liệu xây dựng. Vấn đề còn lại là tiếp tục xử lý khí thải từ lò đốt rác. Nếu buộc phải chấp thuận, thì loại ô nhiễm này cũng là tối thiểu so với biện pháp chôn lấp rác hiện nay. 

Kế hoạch này đặt mức phấn đấu trong một ngắn hạn (3 năm kể từ khi khởi công đến khi đưa vào sử dụng), tất cả 819 đô thị các loại hiện nay đều bắt tay vào chuẩn bị để có thể khởi công sớm nhất có thể để xây dựng nhà máy chế biến rác đô thị của mình. 

Trong đó, hơn 160 đơn vị thuộc loại từ siêu đô thị đến đô thị loại IV cần đi đầu làm trước; hơn 660 đơn vị đô thị loại V sẽ làm vào giai đoạn sau. 

Về đầu tư, thực sự khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác đô thị, trong đó: nhà nước cho thuê đất lâu dài với giá bằng không để xây dựng nhà máy; ngân hàng thương mại nhà nước cho vay ưu đãi; miễn thuế khi nhà máy chưa có lãi. 

Nếu doanh nghiệp bị lỗ, nhà nước thực hiện bù lỗ tương đương như đã làm với các doanh nghiệp xe buýt. Kinh phí bù lỗ này có thể chia xẻ với cộng đồng dân cư đô thị dưới hình thức “thu phí xử lý rác” theo hộ gia đình. Nếu tại đô thị nào không có doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đầu tư, thì một tổng công ty nhà nước đang hoạt động có hiệu quả sẽ được chính  quyền đô thị chỉ định đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy xử lý rác đô thị bằng vốn ngân sách nhà nước với các ưu đãi, thực hiện nguyên tắc vì mục tiêu phát triển bền vững, việc gì doanh nghiệp tư nhân chưa làm thì doanh nghiệp nhà nước đứng ra đảm nhiệm.   

Nhìn lại: Khu xử lý rác Nam Sơn của thành phố Hà Nội có qui mô 157 ha đất tại huyện Sóc Sơn, xây dựng từ năm 1989, dân đã dựng lều bạt để canh giữ, không cho xe đến chôn lấp tại đây. Thành phố đang chủ trương chi 3.400 tỷ đồng để bồi thường di rời  các hộ dân gần bãi rác. Thật là một lần không muốn tốn, bốn lần vẫn chưa xong. 

Lại nữa, bãi rác Khánh Sơn của Đà Nẵng đã vận hành 30 năm, nhân dân cũng đã chặn đường, phản đối xe chở rác đến chôn lấp. Thành phố đã hứa sẽ di dời bãi bác vào năm 2020, chậm nhất là năm 2022. Tuy nhiên, thành phố đang chuyển hướng, sẽ xây dựng nhà máy chế biến rác ngay tại khu vực bãi rác này. Hy vọng, Đà Nẵng sẽ là thành phố đầu tiên trong cả nước có nhà máy chế biến rác theo công nghệ đi thẳng vào hiện đại, để chỉ một lần là xong, không cần phải bốn lần vẫn dang dở. 

Còn bãi rác phía nam và bãi rác Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh, hy vọng sẽ sớm có nhà máy chế biến rác hiện đại nhất Việt Nam để cư dân của thành phố mang tên Bác tại các quận, huyện này không phải bán nhà, chuyển đi nơi khác an cư lạc nghiệp như đang xốn xang trong thời gian vừa qua chỉ vì bãi chôn rác trên địa bàn của mình.  

Hy vọng cả nước sẽ vào cuộc, xóa bỏ bãi chôn lấp rác, hình thành ngành công nghiệp chế biến rác, góp một thành tựu mới trong tiến trình đô thị hóa của đất Việt.