Australia muốn thay thế các tàu ngầm tấn công lớp Collins của nước này. Kế hoạch ban đầu là mua 12 tàu ngầm diesel-điện lớp Barracuda của Pháp. Tuy nhiên, Canberra sau đó đã từ bỏ kế hoạch này, chuyển sang hợp tác với Mỹ và Anh để mua công nghệ tàu ngầm hạt nhân thông qua thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên, gọi tắt là AUKUS.
Hiện vẫn chưa rõ Australia sẽ theo đuổi công nghệ tàu ngầm của Anh hay Mỹ hoặc cả hai. Dưới đây là so sánh công nghệ tàu ngầm của Mỹ, Anh và Pháp trên tờ Insider.
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia (Mỹ)
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia là một trong những loại tàu ngầm tấn công đời mới nhất của Hải quân Mỹ. Chúng vận hành bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, ngư lôi MK-48 và tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon được chế tạo cho các nhiệm vụ dưới lòng đại dương và ven biển.
Các mẫu Block V đời mới hơn của tàu ngầm lớp Virginia sẽ dài hơn 137 mét và có lượng choán nước hơn 10.000 tấn. Không chỉ lớn hơn những mẫu tàu ngầm tiền nhiệm, mà hỏa lực của chúng cũng được tăng lên đáng kể với khoảng 65 vũ khí cỡ ngư lôi.
Các tàu ngầm lớp Virginia có tầm hoạt động không giới hạn, và các lò phản ứng lõi của chúng đều vận hành bằng uranium làm giàu cao, mà không cần tiếp nhiên liệu trong cả vòng đời của con tàu, ước tính kéo dài tới hơn 3 thập kỷ.
Tàu ngầm lớp Virginia nằm trong số những tàu biển chạy êm nhất và được trang bị các cảm biến cao cấp, mang lại cho Hải quân Mỹ độ cảm âm vượt trội trong các trận địa dưới biển.
Tàu ngầm tấn công lớp Astute (Anh)
Tàu ngầm tấn công lớp Astute. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh |
Tàu ngầm lớp Astute là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể mang tới 38 vũ khí cỡ ngư lôi, trong đó có cả tên lửa hành trình Tomahawk và ngư lôi hạng nặng Spearfish. Theo nhà sản xuất BAE Systems, những tàu ngầm lớp Astute có chiều dài trung bình khoảng 97 mét, với lượng choán nước hơn 7.000 tấn.
Loại tàu ngầm này có tốc độ nhanh hơn một chút so với các tàu ngầm lớp Virginia và cũng có tầm hoạt động không giới hạn. Giống như loại tàu ngầm của Mỹ, các lò phản ứng của chúng được thiết kế để không cần tiếp nhiên liệu trong cả vòng đời của con tàu, khoảng 25 năm.
Tàu ngầm lớp Astute là loại tàu chiến đắt đỏ nhất từng được hạ thủy, với tổng chi phí khoảng 2,2 tỷ USD mỗi chiếc. Chúng còn được trang bị Sonar 2076 - hệ thống sonar tốt nhất thế giới, với khả năng phát hiện tàu nổi và tàu ngầm của đối phương trong khoảng cách lên tới 5.555km.
Tính năng đáng chú ý nhất của tàu ngầm lớp Astute là sự yên tĩnh của chúng, với độ ồn thấp chưa từng có đối với loại tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân do phương Tây chế tạo. Giới chuyên gia cho rằng, về nhiều mặt, tàu ngầm lớp Astute của Anh có thể sánh ngang với tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.
Tàu ngầm tấn công lớp Barracuda (Pháp)
Tàu ngầm tấn công lớp Barracuda (Suffren). Ảnh: Reuters |
Tàu ngầm Barracuda – hay tàu lớp Suffren – là loại tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân do tập đoàn đóng tàu Naval Group của Pháp thiết kế và chế tạo. Tàu trang bị 4 ống phóng ngư lôi và 20 giá treo vũ khí có thể mang ngư lôi hạng nặng, tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình và thủy lôi.
Barracuda là những tàu ngầm hoạt động ở đại dương mở truyền thống. Chúng dài 99,4 mét, và có lượng choán nước khoảng 5.200 tấn. Dù có tầm hoạt động không giới hạn, song các lò phản ứng của chúng cứ sau khoảng 10 năm phải được tiếp nhiên liệu 1 lần.
Chuyên gia quốc phòng Bryan Clark, cựu sĩ quan tàu ngầm Hải quân Mỹ, nói với Insider: “Về hiệu suất, tàu lớp Virginia có hiệu suất tổng thể tốt nhất. Astute có lẽ đứng ngay sau, và Barracuda sẽ đứng thứ ba trong số 3 lớp tàu này."
Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Pháp và Australia lại không nhắm tới tàu ngầm lớp Barracuda chạy bằng năng lượng hạt nhân mà là một biến thể diesel-điện thông thường.
Biến thể này sẽ có tốc độ di chuyển dưới nước tối đa chỉ bằng một nửa so với tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân, kém linh hoạt hơn trên chiến trường, tầm hoạt động giảm và cần phải nổi thường xuyên hơn. Chúng thích hợp cho việc phòng thủ ven bờ biển hơn các hoạt động xa bờ.
Tàu ngầm hạt nhân vẫn vượt trội hơn cả
Theo Clark, việc Hải quân Australia chuyển sang theo đuổi tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thay vì tàu ngầm thông thường để thay thế các tàu ngầm lớp Collins của họ là điều hợp lý.
“Một tàu ngầm điện-diesel sẽ không thật sự hiệu quả vì nó sẽ dễ bị phát hiện và theo dõi khi hoạt động trên biển, đặc biệt là ở những vùng biển nhạy cảm về thương mại và quân sự. Nó có thể bị đối phương chờ sẵn khi đến bất cứ nơi nào để hoạt động".
Thomas Shugart, một cựu sĩ quan tác chiến tàu ngầm của Hải quân Mỹ và hiện là trợ lý cấp cao trong chương trình quốc phòng của nhóm chuyên gia Center for New American Security, cũng cho rằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu an ninh của Australia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Tôi cho rằng điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh tình trạng cân bằng quân sự trong khu vực đang xấu đi”, ông Shugart nhận định. "Và cũng không có gì phải nghi ngờ về việc người Australia không hài lòng với tiến độ từ chương trình tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp”.
Việt Anh
Tập đoàn đóng tàu ngầm Pháp yêu cầu Australia bồi thường
Tập đoàn đóng tàu ngầm Pháp Naval Group hôm 22/9 cho biết, họ sẽ gửi bản đề xuất bồi thường tới Australia trong vài tuần tới.
Điểm danh những tàu ngầm hạt nhân Australia có thể nhận từ thỏa thuận AUKUS
Thỏa thuận an ninh-quốc phòng ba bên AUKUS sẽ có thể giúp Australia nhận được công nghệ tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia hoặc lớp Astute.