Cổ phiếu nóng giảm sàn, bất động sản trầm lắng
Thị trường chứng khoán ghi nhận thêm một cú giảm mạnh trong phiên đầu tuần. Chỉ số VN-Index giảm sâu hơn 20 điểm sau khi đã có 3 phiên giảm ở ngưỡng này trong tuần qua. Thanh khoản cũng suy giảm khá nhiều về ngưỡng 1 tỷ USD/phiên.
Thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến áp lực bán ra tăng lên, trong khi sức cầu khá khiêm tốn. Sự thận trọng bao trùm khiến giá nhiều cổ phiếu chưa thoát khỏi xu hướng đi xuống. Nhóm cổ phiếu bất động sản trầm lắng, trong khi nhóm cổ phiếu nóng tiếp tục giảm sàn, bốc hơi hàng chục phần trăm.
Chốt phiên sáng 18/4, chỉ số VN-Index giảm 22,94 điểm xuống 1.435,62 điểm với 40 mã giảm sàn, trong tổng cộng 370 mã giảm giá. Trên sàn HOSE chỉ có 98 mã tăng giá trong phiên giao dịch buổi sáng. Thậm chí đến đầu phiên chiều, chỉ số chứng khoán VN-Index đã giảm sâu tới hơn 32 điểm, gây ra nỗi lo sợ lớn cho giới đầu tư.
Trong phiên giao dịch đầu tuần 18/4, nhóm cổ phiếu “họ FLC” tiếp tục giảm sàn với các mã giảm hết biên độ cho phép và có dư mua bằng 0 như: FLC, ROS, AMD, HAI…
Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC giảm sàn xuống 7.680 đồng/cp với dư bán lên tới 10 triệu đơn vị. Tình từ đầu năm tới nay, cổ phiếu FLC đã giảm khoảng 3 lần, từ mức gần 23.000 đồng/cp xuống dưới 8.000 đồng như hiện tại.
ROS cũng giảm hơn 3 lần từ mức trên 15.0000 đồng/cp xuống dưới 5.000 đồng/cp như hiện tại.
Nhóm cổ phiếu “họ APEC”, "họ DNP" cũng như nhiều cổ phiếu trong ngành bất động sản… tiếp tục giảm giá, với nhiều mã mất hàng chục phần trăm so với đỉnh thiết lập hồi tuần đầu tháng 1/2022.
Nhóm DNP đột ngột giảm mạnh 30-50% so với đỉnh hồi cuối tháng 3 như: DNP, NVT, HUT, JVC, VC9…
Sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất khu Thủ Thiêm, phần lớn các cổ phiếu bất động sản tăng trần ấn tượng trước đó đã quay đầu giảm sàn với nhiều mã bốc hơi tới 40-50% như DIG, CII, QCG, NBB, SCR, CEO…
Sự kiện lô trái phiếu 10 nghìn tỷ của Tân Hoàng Minh bị hủy gần đây cũng tác động mạnh tới tâm lý của các nhà đầu tư chứng khoán. Hoạt động bán tháo các cổ phiếu bất động sản có thể đến từ lo ngại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết van tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều thách thức mới nhưng triển vọng dài hạn tốt
Như vậy, trái với thời điểm huy hoàng cuối 2021 và đầu 2022, thị trường chứng khoán đang ở một giai đoạn mong manh đuối sức và đứng trước nhiều thách thức. Những biến cố từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, các vụ khởi tố lãnh đạo doanh nghiệp liên quan tới “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo”… đã khiến giới đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư F0 thận trọng sau khi thua lỗ nặng.
Trước đó, giới đầu tư ghi nhận nhiều dự báo tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán. Hầu hết các báo cáo cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 dựa trên định giá còn hấp dẫn và tốc độ tăng trưởng nhanh của các doanh nghiệp Việt.
Dragon Capital thậm chí cho rằng, nhóm ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhưng dòng tiền lại bỏ quên gần đây. Dragon Capital đưa ra dự báo top 80 cổ phiếu danh mục quỹ lựa chọn sẽ tăng trưởng 23%, dựa trên sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế nội địa và sự miễn nhiễm với xung đột Nga-Ukraine. Giá cổ phiếu cũng sẽ dần phản ánh tăng trưởng lợi nhuận khi định giá P/E chỉ ở mức 11-12x.
Dù vậy, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng vào giai đoạn cuối tháng 3 khi hai lãnh đạo của công ty bất động sản bị khởi tố.
Dragon Capital đánh giá các sự kiện này có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong một vài tuần, đặc biệt là đối với các cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, Dragon Capital không cho rằng các sự kiện này sẽ gây ra tác động lâu dài. Theo đó, việc bắt giữ những cá nhân này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi cổ đông và thúc đẩy nhà đầu tư hướng về nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
Gần đây, thị trường cũng đối mặt với nỗi lo về khả năng dòng vốn bị rút khỏi Việt Nam nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất.
Tin đồn nhắm vào các doanh nghiệp BĐS khác sau sự kiện Tân Hoàng Minh và FLC cũng khiến áp lực bán tăng vọt ở nhiều mã bất động và cổ phiếu nóng, qua đó ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường. Đại diện Ủy ban Chứng khoán gần đây cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn và phát tán tin giả. Và yếu tố nội tại của chứng khoán vẫn tốt.
Triển vọng TTCK Việt Nam nhìn chung vẫn khá tốt nhờ triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam, cũng như tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng mạnh và đã đạt ngưỡng 5 triệu tài khoản, sớm hơn 3 năm so với mục tiêu 5% dân số.
Dù vậy, gần đây, nhiều đánh giá cho rằng, khó đưa ra dự báo biến động chỉ số VN-Index trong quý II cũng như nửa cuối năm 2022 khi mà có nhiều thông tin trái chiều từ bên trong và bên ngoài.
Nhiều CTCK đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng. KBSV chỉnh giảm kỳ vọng chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2022 từ 1.760 điểm đưa ra trong báo cáo chiến lược 2022 xuống 1.680 điểm. CTCK này cũng hạ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX xuống 15,1% từ mức 15,7%.
KIM Việt Nam cũng cho rằng chứng khoán trong 3 quý còn lại của năm 2022 sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, KIM ước tính, lợi nhuận của 100 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn hàng đầu thị trường trong danh sách theo dõi của quỹ đầu tư này sẽ tăng khoảng 15-20% trong năm nay. Các ngành bán lẻ, ngân hàng, công nghệ tích cực nhờ sức tiêu thụ nội địa hồi phục. Trong khi đó, thủy sản, dệt may, logistics hưởng lợi từ xuất khẩu tăng.
M. Hà