Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh và thông tin về trường hợp anh H.C ở Buôn Ma Thuột "tá hỏa" khi phát hiện thiết bị cảm biến áp suất lốp dùng năng lượng mặt trời để phía trên bệ trung tâm bốc cháy, làm hỏng luôn tấm thảm che táp lô.
"May mình phát hiện kịp. Anh em cẩn thận dùng cảm biến áp suất lốp năng lượng mặt trời phơi xe ngoài nắng nha", anh H.C nhắn nhủ kèm bức ảnh chụp hiện trường.
Hình ảnh cụm đồng hồ cảm biến áp suất lốp cháy xém phần đáy và để lại lớp cháy dở trên mặt thảm táp lô ngay lập tức khiến nhiều người sử dụng ô tô "giật mình" bởi thiết bị này đã quá phổ biến.
Thời điểm hiện tại, nhiệt độ đang tăng cao ở miền Bắc và miền Trung, đi kèm nắng nóng gay gắt. Ngay ở Hà Nội, đỉnh điểm trưa ngày hôm qua (17/5), nhiệt độ ngoài trời vượt qua mốc 40 độ C. Đáng chú ý, đã có hai vụ cháy xe được ghi nhận ở Thủ đô.
Để kiểm chứng mức độ nguy hiểm của các thiết bị chạy pin để trong ô tô như đồng hồ cảm biến áp suất lốp, camera hành trình, phóng viên VietNamNet đã tiến hành thực nghiệm lúc 12 giờ ngày hôm nay (18/5) khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 38 độ C.
Không chỉ dễ dàng cảm nhận sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và bên trong ô tô bằng cảm giác oi bức, thông qua thiết bị đo nhiệt độ cầm tay, phóng viên VietNamNet đo được nhiệt độ trong xe là 55,7 độ C, chênh lệch với ngoài trời hơn 17 độ C.
Đáng chú ý, nhiệt độ bề mặt chi tiết trong ô tô là không đồng nhất, với chỗ nóng nhất rơi vào các vị trí gần cửa kính do chịu tác động từ ánh nắng mặt trời.
Điển hình với bề mặt đồng hồ cảm biến áp suất lốp, mức nhiệt độ đo được lên tới 84 độ C, chỉ cách ngưỡng làm sôi nước là 16 độ C. Ở bề mặt nhựa trên bệ tap lô, nhiệt độ đo được 77,2 độ C. Với camera hành trình được treo gần trần xe, mức nhiệt độ đo là 60,4 độ C.
Bên cạnh nhiệt độ quá cao dễ làm hư hại bề mặt vật liệu thì điều nguy hiểm nằm ở chỗ, các thiết bị như đồng hồ cảm biến áp suất lốp, camera hành trình đều có sẵn cụm pin lithium-ion.
Pin lithium-ion có thể được sạc trong môi trường lên đến 45°C và xả ở nhiệt độ cao tới 60°C. Nhưng như thực nghiệm ở trên, nhiệt độ bề mặt vật liệu bị hun nóng trực tiếp dưới ánh mặt trời qua kính cửa sổ lên tới 84 độ C, lại trong thời gian dài thì khó đảm bảo được an toàn, cũng như độ bền.
Trao đổi với VietNamNet, anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ gara ô tô Trọng Nhân (Vĩnh Tuy, Hà Nội) cho biết với nhiệt độ quá cao như những ngày qua thì các chủ xe không nên đỗ xe quá lâu dưới ánh nắng mà không được che chắn.
"Nhiệt độ cao như lò hun sẽ khiến các vật liệu gốc cao su như đệm cao su gạt mưa, roăng cao su viền cửa, da bọc vô lăng, ghế nhanh lão hoá. Các thiết bị dùng pin lithium có nguy cơ hỏng hoặc cháy nổ bởi nếu pin được xử lý sai hoặc sản xuất không đúng cách, nhiệt độ cao dễ dẫn đến hiện tượng thoát nhiệt của tế bào pin, dẫn đến phản ứng hóa học. Khi phải đỗ xe lâu ngày, có thể tạm tháo các thiết bị này cất đi", anh Nhân nói.
Các chuyên gia ô tô từ lâu đã cảnh báo sự nguy hiểm của việc để ô tô quá lâu dưới ánh mặt trời, nhất là trong mùa hè bởi các vật liệu như kính, kim loại có mức độ hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt lâu.
Người dùng có thể giảm tránh rủi ro hay các tác động tiêu cực đến "xế cưng" của mình chỉ bằng một số biện pháp đơn giản như phủ bạt che nắng, đỗ xe dưới bóng râm (mái che, hoặc trong nhà), mở hé cửa kính để không khí được đối lưu, không để các đồ vật dễ cháy nổ trong xe (bình ga, bật lửa) hay những vật dễ tạo hiện tượng tập trung nhiệt do thấu kính hội tụ (chai nước, kính cận, kính lúp).
Với người dùng cảm biến áp suất lốp lắp thêm, nên lựa chọn loại đồng hồ tích hợp trong màn hình android hoặc chạy nguồn ô tô vì khi đó sẽ không phải để ở vị trí hứng ánh nắng trực tiếp như loại năng lượng mặt trời.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!