43/50 đoàn đại biểu QH có ý kiến cho rằng, mức xử phạt gian lận về đo lường còn quá nhẹ, có ý kiến đề nghị nâng mức phạt lên 20-50 lần số tiền thu lợi bất chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho biết như vậy khi trình bày một số vấn đề lớn về dự án Luật đo lường tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH chiều 4/10.


Góp ý vào dự thảo luật, nhiều đại biểu QH cũng yêu cầu chế tài xử phạt gian lận đo lường phải nghiêm minh, áp dụng xử phạt "kép", ngoài xử phạt còn đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm. Sau khi xử phạt cần công bố công khai trên báo chí để bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn các trường hợp vi phạm…

Tuy nhiên, theo dự thảo Luật mới nhất, mức xử phạt gian lận đo lường tối đa 5 lần số tiền thu lợi bất chính, trong trường hợp đã áp dụng mức phạt tối đa theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính mà vẫn thấp hơn 5 lần số tiền thu lợi bất chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng không giải thích rõ vì sao chọn mức phạt tối đa 5 lần mà chỉ nói là áp dụng tương tự mức xử phạt quy định trong Luật chất lượng, sản phẩm hàng hóa QH khóa XII đã thông qua.

Một phương án khác được đưa ra là không quy định mức phạt trong dự Luật mà thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc để văn bản dưới luật hướng dẫn.

Được biết, mức phạt hiện hành đối với hành vi vi phạm pháp luật về đo lường có khung cao nhất là 30 triệu đồng. Trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền lớn nhất trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang được đề xuất là 100 triệu đồng.

Có ý kiến đại biểu QH cho rằng, hiện nay các tổ chức kinh doanh một số mặt hàng đặc biệt như điện, nước… tự kiểm định phương tiện đo của mình nên có thể thiếu khách quan. Do đó, cần thay kiểm định chéo bằng kiểm định đối chứng đối với các phương tiện đo với một tỷ lệ phù hợp bằng tổ chức kiểm định được chỉ định khác...

Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật quy định kiểm định đối chứng khi kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng phương tiện đo. Việc kiểm định đối chứng không quy định tỷ lệ cụ thể mà để văn bản hướng dẫn quy định cho phù hợp với từng thời kỳ. Đồng thời quy định các điều kiện của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải độc lập khách quan…

Dự luật cũng cho phép sử dụng đơn vị đo cổ truyền trong dân gian khi có sự thỏa thuận giữa các bên và quy định việc quy đổi sang đơn vị đo lường pháp định khi quyết tranh chấp có liên quan đến sử dụng các đơn vị đo lường khác…

Luật Đo lường dự kiến sẽ được QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 tới đây.

(Theo Khoa học& Đời sống)