Chỉ vì không để ý hạn thanh toán
Chị Mai Anh (35 tuổi, ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội) cuối năm vừa rồi đã mua hụt một căn hộ chung cư do không vay được tiền của ngân hàng theo lãi suất mong muốn.
Chị cho biết, chị thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng và trong ví lúc nào cũng có khoảng 3 thẻ tín dụng của 3 ngân hàng khác nhau, mỗi thẻ hạn mức 15 triệu đồng. Chị thường quẹt thẻ mua đồ và cũng không để ý hạn thanh toán nên hay bị trễ hạn.
Vừa qua, chị có ý định mua một căn hộ chung cư có giá 3 tỷ đồng. Do còn thiếu khoảng 1 tỷ đồng nên chị phải vay ngân hàng. Chị đinh ninh mình sẽ vay được ngân hàng vì thu nhập cao, ổn định, khoản vay ngân hàng tương đương 1/3 giá trị căn nhà. Thế nhưng, sau khi kiểm tra, ngân hàng thông báo chị không đủ điều kiện vay.
Lý do là trong vòng 12 tháng qua chị đã bị quá hạn thanh toán thẻ tín dụng 4 lần. Lịch sử tín dụng của chị bị xếp vào nhóm 2 (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước có 5 nhóm nợ). Vì thế, muốn vay tiền từ ngân hàng để mua nhà, chị phải chờ sau 12 tháng kể từ ngày thanh toán đủ các khoản nợ thẻ tín dụng bị quá hạn.
Anh Trần Trọng An (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười" với thẻ tín dụng. Anh An cho biết, anh đang vay nửa tỉ đồng mua xe ô tô với lãi suất 6%/năm ở một ngân hàng. Thời gian vừa qua, do dịch Covid-19 nên công việc của anh bị ảnh hưởng, anh thường xuyên phải sử dụng thẻ tín dụng.
"Do không để ý đến hạn thanh toán nên tôi bị quá hạn trả thẻ tín dụng vài lần. Sau đó, nhân viên ngân hàng nơi tôi vay mua xe ô tô gọi điện thông báo cho tôi biết rằng, lịch sử tín dụng của tôi không tốt, đã bị sang nhóm 2 vì nợ thẻ tín dụng. Vì vậy, tôi bị mất quyền lợi hưởng lãi suất khuyến mãi 6%/năm vay mua ô tô, phải áp dụng lãi suất bình thường hiện tại của ngân hàng là 7,5%/năm", anh Trọng An chia sẻ.
Theo quy định, người tiêu dùng phải thanh toán số tiền tối thiểu trong thẻ tín dụng khi đến hạn thanh toán. Thông thường, người tiêu dùng sẽ có thời hạn tối đa 45 ngày miễn lãi. Đến ngày cuối cùng miễn lãi, khách hàng phải thanh toán cho ngân hàng số tiền đã chi tiêu.
Nếu khách hàng không đủ khả năng thanh toán toàn bộ số tiền đã chi tiêu thì có thể thanh toán số tiền tối thiểu để không chịu phí phạt. Tùy theo quy định của từng ngân hàng mà số tiền thanh toán tối thiểu từ 2% đến 5% tổng dư nợ trong kỳ.
Kiểm tra lại, anh An mới phát hiện ra mình đã bị quá hạn thanh toán khoản thanh toán tối thiểu 50.000 đồng thẻ tín dụng. Xem kỹ lại hợp đồng tín dụng với ngân hàng khi mua ô tô, điều kiện để anh được hưởng lãi suất khuyến mãi được ghi rõ là chỉ cần bị xếp vào nhóm 2 là anh sẽ bị mất khoản lãi suất ưu đãi này.
Những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng
Ưu điểm của thẻ tín dụng là người dùng có thể mua trước, trả sau nên chủ sở hữu có thể dễ dàng quẹt thẻ hoặc mua hàng trực tuyến khi không có tiền mặt. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người dùng bị quên hạn thanh toán dư nợ thẻ. Chuyên gia tài chính Nguyễn Thuý Anh cho rằng, nguyên tắc "vàng" khi sử dụng thẻ tín dụng là thanh toán đủ dư nợ thẻ đúng hoặc trước thời hạn.
Khi sở hữu thẻ ngân hàng, bạn sẽ được ngân hàng cho chi tiêu một số tiền tối đa, hay còn được gọi là hạn mức thẻ tín dụng, cần lưu ý bạn chỉ được chi tiêu trong hạn mức. Ngay tại thời điểm thanh toán bằng thẻ tín dụng là bạn đã chính thức "vay ngân hàng", nơi phát hành thẻ cho bạn. Và khoản vay này sẽ không bị tính lãi, phụ thu, lãi phạt hoặc nhiều khoản phí khác tùy thuộc vào ngân hàng nếu bạn trả đúng hạn (thông thường từ 40 đến 60 ngày).
Nếu qua thời gian quy định mà bạn không trả hết số tiền đã "vay" thì bạn sẽ bị tính lãi phạt trên tổng số tiền bạn đã chi tiêu của kỳ đó. Vì vậy, bạn cần cân đối giữa nhu cầu chi tiêu và khả năng chi trả của mình để không bị rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán và phải chịu mức lãi phạt cao.
Chưa kể, hiện nay, việc sử dụng và thanh toán thẻ tín dụng của khách hàng đã được thu thập và xếp hạng tín dụng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam. Theo đó, 5 loại nợ tín dụng như sau: Nhóm 1: Dư nợ đủ chuẩn; nhóm 2: Dư nợ cần chú ý; nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn; nhóm 4: Nợ nghi ngờ mất vốn; nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn (Nợ xấu).
Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức tín nhiệm của khách hàng có thể vay tiền ngân hàng. Vì vậy, sẽ không tốt nếu bạn có lịch sử mở quá nhiều thẻ tín dụng và thường xuyên chậm thanh toán cho các khoản chi tiêu của thẻ.
Một khách hàng có thể mở nhiều thẻ tín dụng tại nhiều ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, bạn không nên mở quá nhiều thẻ tín dụng để tránh việc thiếu kiểm soát trong chi tiêu và mắc vào nợ nần, khó thanh toán. Bạn chỉ nên mở một thẻ hoặc tối đa 2 thẻ tín dụng với hạn mức vừa đủ cho nhu cầu thanh toán tiêu dùng của mình.
Theo Phụ nữ Việt Nam