Tổ chức này tiến hành một khảo sát với doanh nghiệp và cho biết, nếu so sánh với khảo sát tháng 4 năm 2023 và tháng 12 năm 2023 thì các chỉ báo của kỳ này đều tích cực hơn.
Đó là, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô “rất tích cực” so với cùng kỳ năm trước đó, cao gấp gần 5 lần so với khảo sát tháng 4/2023 (3.3% so với 0.7%); tỷ lệ đánh giá “tích cực” gấp hơn 7 lần (12.8% so với 1.8%). Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “rất tiêu cực” chỉ bằng gần ½ (19.4% so với 44%).
Điều đó cho thấy sau dịch Covid-19 và các khó khăn từ bối cảnh kinh tế năm 2022, niềm tin của các doanh nghiệp đã dần trở lại và tốt lên qua từng kỳ khảo sát.
Xu hướng này khá tương đồng với số liệu từ các báo cáo vĩ mô khác. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và quy trở lại thị trường, cao hơn con số cả năm của giai đoạn 2018-2021. Bình quân mỗi tháng, số doanh nghiệp này trên 20,3 nghìn, vượt bậc so với các năm trước đó.
Số doanh nghiệp gia nhập hoặc tái gia nhập thị trường trung bình mỗi tháng từ năm 2022 đã vươn lên mạnh mẽ hơn các năm trước và tiếp tục tăng. Điều này đã thể hiện sự an tâm hơn của khu vực tư nhân về môi trường kinh doanh dần ổn định hơn. Tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường khởi sắc cho thấy tín hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi trong nền kinh tế.
Số liệu thống kê doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường cho thấy sự trỗi dậy của khu vực tư nhân sau năm 2021 suy thoái vì dịch bệnh Covid-19.
Điều đó đã thể hiện rõ qua kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam Quý III/2024 đồng loạt tăng cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ và 10,6% so với Qúy II. Nhập khẩu đạt 99,74 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ và 6,1% so với quý trước, đưa cán cân thương mại trong quý nghiêng về phía xuất siêu 8,8 tỷ USD.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.
Đó là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ và khả năng cạnh tranh ngày càng cải thiện của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cụ thể, các lô hàng điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử ngày càng đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Trong quý III, có 3 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD vẫn thuộc hai nhóm điện tử bao gồm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 19 tỷ USD, tăng 19.2% so với cùng kỳ; điện thoại và linh kiện đạt 14,7 tỷ USD, tăng 14.7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 14,6 tỷ USD, tăng tới 14.7 % so với cùng kì năm trước.
Điểm sáng đáng chú ý trong tăng trưởng ngành điện tử không chỉ phản ánh sự ưa chuộng của người tiêu dùng toàn cầu với các sản phẩm công nghệ cao, mà còn khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với đà tăng trưởng này, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong những năm tới.
Động lực cải cách suy yếu
Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao và liên tục tăng từ 2020 cho đến nay. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã tiệm cận mức của cả năm 2023 và vượt qua tất cả các năm khác, tính từ 2018, với con số 163,76 nghìn.
Bình quân mỗi tháng, có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. So sánh với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 3 quý đầu năm 2024 đã tăng đến 21,2%. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 86,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,6% so với cùng kỳ, xấp xỉ con số 89 nghìn - kỷ lục của giai đoạn vào năm 2023.
Mặt khác, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 3 quý đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% năm 2023.
Xu hướng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ngày càng tăng cao, cho thấy sự cầm cự của các doanh nghiệp, họ lựa chọn đứng ngoài thị trường để xem xét tình hình, chờ đợi thời cơ, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh thích hợp. Các doanh nghiệp này chủ yếu thuộc nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô dưới 10 tỷ đồng và mới thành lập chưa lâu, dưới 5 năm.
Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng nhanh trong thời gian qua đã phản ánh các thách thức chung mà các doanh nghiệp phải đối mặt, trong môi trường kinh doanh sau đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - chính trị thế giới bất ổn, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những khó khăn đó đã gây áp lực quá lớn cho doanh nghiệp, khiến họ trở nên nhạy cảm hơn trước các biến động và dần suy giảm khả năng tự cường và phục hồi.
Môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không những chưa giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dường như rất ít nỗ lực hay sáng kiến cải cách từ địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Thực trạng này cũng phần nào đã được phản ánh qua cảm nhận của doanh nghiệp theo khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI.
Do vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp cả về quy định pháp lý và thực thi, trong đó có những vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật và thủ tục thực thi để khẩn trương sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đồng thời hướng dẫn và giám sát hoạt động thực thi.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý.