Bánh cuốn, bánh mỳ hay món Huế là những món ăn vỉa hè đang được nhiều doanh nghiệp nâng tầm lên thành một chuỗi nhà hàng, ngang ngửa với KFC hay Lotteria,... tuy nhiên, hành trình đưa món ăn Việt thành thương hiệu không hề dễ dàng.
Đồ ăn “Made in Vietnam”
Từ cửa hàng đầu tiên tại phố Trần Huy Liệu khai trương vào tháng 10/2008, sau 9 năm thâm nhập thị trường Hà Nội, Bánh cuốn Gia An trở thành một trong những chuỗi cửa hàng chuyên về bánh cuốn với hệ thống 13 cửa hàng. So với các thương hiệu nước ngoài thì con số cửa hàng của Gia An còn khá khiêm tốn, nhưng xét về tính địa phương, đây lại là một trong số ít sản phẩm thuần Việt.
Rầm rộ hơn Gia An, Món Huế có sự đầu tư khá bài bản từ thiết kế cửa hàng đến thực đơn. Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu này đã mở hệ thống khắp Hà Nội và TP.HCM. Đứng sau chuỗi cửa hàng này là Huy Việt Nam, thành lập từ năm 2007. Ngoài Món Huế, Huy Việt Nam còn sở hữu chuỗi nhà hàng chuyên các món ăn đặc trưng phở ông Hùng và Cơm Express.
Bánh mỳ 30 nghìn cạnh tranh với vỉa hè |
Trong lĩnh vực ăn nhanh, Hoàng Minh Nhật đã dùng toàn bộ tiền thưởng làm vốn, quán quân Master Chef 2014 quyết gây dựng thương hiệu bánh mì riêng, chinh phục được thực khách trong nước và quốc tế. Với mức giá 32.000 một ổ bánh, thương hiệu "Bánh mì" của nữ đầu bếp nhận được một số phản hồi là khá đắt, cao hơn nhiều những sản phẩm cùng loại ở Hà Nội.
Ngoài ra còn kể tới các tên tuổi như Quán Ăn Ngon, Quán Ngon đã có hệ thống cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí, doanh nghiệp còn mở nhà hàng nhượng quyền thương hiệu tại Lào và Campuchia để đưa món ăn Việt sang phục vụ Việt kiều.
So với các thương hiệu quốc tế, những chuỗi cửa hàng Việt khá khiêm tốn về số lượng nhưng vẫn được đánh giá khá tiềm năng. Tháng 4/2015, Huy Việt Nam đã gọi vốn thành công serie C với số tiền lên tới 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng). Đối tượng khách hàng mà chuỗi nhà hàng của Huy Nhật hướng tới đó là những người trung lưu trẻ tuổi, đang dần thích nghi với thói quen ra ngoài ăn uống.
Theo nữ đầu bếp trẻ, bánh mì Việt Nam từ lâu đã được thế giới ưa chuộng bởi dễ ăn, vỏ bánh giòn rụm và có thể tìm thấy bất cứ đâu trên đường phố. Mục tiêu dài hạn là chinh phục những thực khách ở nước ngoài, đưa bánh mì ra ngoài thế giới, nâng tầm món ăn đường phố của Việt Nam.
Không dễ thành công
Thực tế, để xây dựng được chuỗi cửa hàng ẩm thực thương hiệu Việt không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ một chuỗi cửa hàng ăn tại Hà Nội, đã đóng cửa một quán sau khi vận hành tại một địa điểm trung tâm. Chi phí thuê nhà cao cộng với vận hành đã khiến ông không đủ sức để tiếp tục duy trì.
Mặc dù ngay ở trung tâm, gần các toà nhà văn phòng nhưng khách hàng chính tại đây vẫn chủ yếu là người nước ngoài, người đi làm và thiếu đối tượng tiêu dùng trẻ như học sinh, sinh viên. Dù là món ăn thuần Việt nhưng do mức giá khá cao so với vỉa hè nên thực sự không thu hút được đại bộ phận khách hàng.
Nhiều thương hiệu chỉ tồn tại một thời gian ngắn |
Trước đó, thương hiệu Phở 24 sau một thời gian phát triển nay đã không còn đứng vững và phải bán lại cho chủ nước ngoài. Từng có hệ thống cửa hàng rộng khắp không chỉ trong nước, mà còn đẩy mạnh phát triển sang nước ngoài, Phở 24 đã dần lui khỏi thị trường.
“Mỗi lần thuê một địa điểm mới là mỗi lần hồi hộp không khác gì một trận chung kết bóng đá, chừng nào hết 90 phút và trái bóng ngừng lăn mới biết mình thắng hay thua. Nhà hàng cũng vậy, chừng nào đông khách rồi thì mới chắc là mình thành công”, ông chủ một chuỗi nhàng hàng tiết lộ.
Xu thế tăng giá mặt bằng không hẳn lúc nào cũng liên quan đến tình hình hoạt động của cửa hàng mà con chịu ảnh hưởng của cung cầu khắc nghiệt. Chừng nào còn có người sẵn sàng trả giá cao hơn thì mặt bằng cho thuê còn tiếp tục tăng giá.
Lý do các thương hiệu này thành công ở Việt Nam có rất nhiều, nhưng sự vượt trội khiến họ chiến thắng thương hiệu Việt chủ yếu chính là ở tiềm lực tài chính, ở hệ thống quản trị và ở các chiến lược marketing bài bản. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại khá yếu ở mảng này.
Bên cạnh đó, việc đưa món Việt thành ăn nhanh và không có sự quản lý sẽ dễ dẫn tới đưa thương hiệu vào ngõ cụt. Một thương hiệu ẩm thực mà không có khách hàng trung thành sẽ rất khó có thể tồn tại và cạnh tranh.
“Đối với các cửa tiệm kinh doanh kém hiệu quả thì khỏi phải nói, thật là nhẹ nhõm khi đóng cửa! Nói vậy chứ không dễ dàng chút nào, nhất là lần đầu tiên quyết định đóng cửa để cắt lỗ”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Nam Hải
Lỗ tiền tỷ, thời tàn của lẩu băng chuyền, mỳ cay 7 cấp độ
Bỏ gần 2 tỷ đồng đầu tư một quán lẩu băng chuyền, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, ông Tình đã phải đóng cửa. Lẩu băng chuyền từng rộ lên như một mốt nhưng sau đó nhanh chóng hết thời.
Vỡ mộng ăn nhanh: Lỗ triệu USD, đại gia fast food đóng cửa
Thị trường đồ ăn nhanh từng được dự đoán “hái ra tiền” khi lấy được lòng giới trẻ thì nay ngậm ngùi “sống chậm”.
Hẩm hiu cà phê sang chảnh: Đại gia lỗ nặng, phá sản cả dây
Cũng chung số phận với chuỗi ăn nhanh, nhiều chuỗi cà phê có thương hiệu quốc tế tới Việt Nam âm thầm đóng cửa rời bỏ thị trường. Những cốc cà phê một thời được cho là sang đã hết chảnh.
Thời tàn 'mua chung', ngán ngẩm voucher giảm giá ăn uống
Cũng từng như một trào lưu của giới trẻ, groupon hay còn gọi là mua chung tại Việt Nam gần như đã hết thời. Những công ty còn hoạt động cho tới nay đã phải liên tục thay đổi mô hình kinh doanh.