Tiến sĩ Ko-Yang Wang, Phó Chủ tịch điều hành Viện nghiên cứu CNTT Đài Loan (III) kiêm Viện trưởng Viện công nghệ phần mềm hệ thống điện toán đám mây (CSSI) cho biết, xu hướng những công nghệ đang nổi như phần mềm điều khiển mọi thứ, phần mềm quản lý cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu... đã tạo nên một làn sóng phát triển mới trong lĩnh vực CNTT-TT. Để khắc phục thách thức của những thay đổi mang tính cách mạng về hạ tầng kiến trúc, các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm của Đài Loan đã cùng nhau phát triển giải pháp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho doanh nghiệp (CAFÉ), thành lập Hiệp hội CAFÉ nhằm hợp tác xây dựng phần cứng và phần mềm tích hợp các dịch vụ điện toán đám mây một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Giải pháp CAFÉ đã được chuyển giao thành công cho các công ty CNTT như Inventec, Gigabyte, ASUS, InWin, HopeBay Tech (thuộc tập đoàn Điện Tử Delta), Promise Technology, SYSCOM, InfinitiesSoft, CloudMaster và  EC-Network… Cho đến nay, CAFÉ đã thâm nhập vào các thị trường toàn cầu như Japan, China, Vietnam, Malaysia, Kuwait… Năm 2013, giải pháp CAFÉ vừa giành huy chương vàng của Giải 100 sản phẩm sáng tạo nhất trong Tháng CNTT Đài Bắc ở thể loại ứng dụng thương mại năm 2013.

Dự kiến trong năm 2014, thông qua Hiệp hội CAFÉ và các nhà cung cấp phần cứng và phần mềm IDC của Đài Loan, Viện III sẽ tiếp tục đưa các giải pháp và dịch vụ điện toán đám mây ra thế giới, trong đó rất mong có nhiều cơ hội hợp tác với các công ty phần mềm, CNTT Việt Nam.

Đánh giá cao hiệu quả của công nghệ điện toán đám mây và bày tỏ sự ấn tượng trước giải pháp CAFÉ của các doanh nghiệp Đài Loan, Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, Uỷ viên Ban Chấp hành VINASA cho biết: Việt Nam đã tiếp cận điện toán đám mây từ năm 2009 với một số trung tâm dữ liệu được xây dựng trên các giải pháp điện toán đám mây của IBM tại tỉnh Bình Dương, Bộ Tài nguyên & Môi trường... Gần đây, thành phố Đà Nẵng cũng đã triển khai trung tâm dữ liệu với các giải pháp dựa trên nền tảng điện toán đám mây được cung cấp bởi VMWare, EMC, Microsoft Windows.

Các doanh nghiệp phần mềm, CNTT Việt Nam cũng nhanh nhạy nắm bắt xu thế và tận dụng cơ hội khai thác thị trường, dịch vụ liên quan tới dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Chẳng hạn, các "đại gia" như VNPT, Viettel, FPT, CMC đều có các giải pháp điện toán đám mây riêng. Nhiều doanh nghiệp như FPT, MISA, HPT... cung cấp các ứng dụng phần mềm như là dịch vụ dựa trên trung tâm dữ liệu điện toán đám mây. Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số đã phát triển xong mã nguồn mở dựa trên nền tảng điện toán đám mây cho cá nhân.