|
Dữ liệu số đang bùng nổ |
Theo Hãng nghiên cứu thị trường IDC, các thiết bị di động, mạng xã hội và Internet đang làm gia tăng lượng dữ liệu khổng lồ trên toàn cầu. Dự kiến, đến 2020 lượng dữ liệu sẽ tăng gấp 50 lần so với hiện nay.
Tuy nhiên, một thực tế đáng ngại là hệ thống CNTT của các doanh nghiệp chưa được trang bị đầy đủ những công nghệ tiên tiến để thích ứng, quản lý và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ.
Chuyên gia Baruch Rubin - Giám đốc bộ phận Công nghệ và Hệ thống IBM Việt Nam cho rằng, trước thực tế trên, các doanh nghiệp cần được trang bị, ứng dụng hệ thống CNTT với công nghệ điện toán "thông minh" hơn để đáp ứng linh hoạt, hiệu quả các thách thức, giúp khai thác dữ liệu hiệu quả, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên những phân tích có chất lượng thay vì dựa trên trực giác hay kinh nghiệm trong quá khứ.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp để thay đổi mô hình điện toán hiện tại sang công nghệ "thông minh" hơn. Tức là, từ mô hình những máy tính chỉ có khả năng tính toán sang mô hình những máy tính có khả năng thích ứng với những khối lượng dữ liệu đa thể loại (từ có cấu trúc như email, bài thuyết trình… đến phi cấu trúc như các đoạn video...).
Đáng chú ý, năm 2011, hệ thống máy tính hỏi đáp thông minh với hiệu năng cao "Watson" của IBM đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng điều này hoàn toàn có thể thực hiện được: Hệ thống đã xử lý và phân tích hiệu quả lượng dữ liệu khổng lồ, nhờ đó lần đầu tiên một hệ thống máy tính Watson đã đánh bại con người trong trò chơi game show truyền hình nổi tiếng của Mỹ có tên "Jeopardy!".
Từ đó, máy tính Watson đã được IBM cùng các đối tác triển khai trong rất nhiều lĩnh vực đa dạng như y tế, ngân hàng… Watson đã cho thấy một mốc phát triển mới trong lĩnh vực điện toán có tầm ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề cũng như tới người dùng cá nhân trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, đó mới là sự khởi đầu. Bởi lẽ, thế hệ tương lai của các hệ thống được tối ưu hóa như máy tính Watson sẽ mang tới rất nhiều lợi ích cho đối tượng doanh nghiệp, giúp quyết được nhiều vấn đề từ đơn giản đến phức tạp liên quan tới các trung tâm dữ liệu.
Ngoài ra, khi những nhu cầu về công việc tăng đột biến, hệ thống sẽ phản ứng lại ngay lập tức. Khi cần nâng cấp hay cài đặt ứng dụng mới sẽ tự triển khai những việc đó một cách hiệu quả nhất theo mô hình định trước.
Để đối phó với sự bùng nổ dữ liệu, những hệ thống lưu trữ dữ liệu đó cần phải trở nên thực sự hiệu quả và thông minh hơn bằng cách tích hợp những tính năng tiên tiến như ảo hóa lưu trữ toàn diện, nén dữ liệu, chống trùng lắp dữ liệu và tự động phân loại dữ liệu nhằm giúp cân đối tốt nhất giữa chi phí lưu trữ dữ liệu, tốc độ và các phương thức truy xuất dữ liệu.
Hơn nữa, công nghệ tích hợp thế hệ mới này còn cho phép các hệ thống lưu trữ tích hợp, hệ thống mạng và máy chủ dễ dàng triển khai hiệu quả những công năng nói trên.