- ĐB Hoàng Văn Cường nêu thực tế, dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay đi tù về chuyện quản lý yếu kém.

Sáng nay, Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016.

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị cần rà soát xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư thua lỗ kéo dài, lỗ vốn.

“Tôi đi tiếp xúc cử tri tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), cử tri rất bức xúc, 50ha bờ xôi ruộng mật phải nhường chỗ cho nhà máy Ethanol Phú Thọ. Chi hàng nghìn tỷ đồng nhưng dừng triển khai 5, 6 năm nay, các thiết bị máy móc đắp chiếu. Rất xót xa…", ông Hàm nói.

Đồng quan điểm, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhắc lại những nguyên nhân dẫn đến hạn chế yếu kém ở khối DNNN trong báo cáo giám sát và cho rằng, rõ ràng nhiều bộ ngành không muốn rời xa DN vốn được coi là sân sau của mình. 

{keywords}
ĐB Leo Thị Lịch

“Phải chăng đây là biểu hiện lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn đến nhóm lợi ích khi mà một số cơ quan quản lý nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi, không khách quan trong xây dựng chính sách”, bà Lịch nói.

Theo bà Lịch, điều này làm giảm hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, tạo ra sự ỷ lại, không chịu vươn lên của DNNN, vừa làm méo mó môi trường cạnh tranh, vừa dẫn tới tham nhũng lãng phí.

Về việc bảo toàn vốn DNNN, nữ ĐB tỉnh Bắc Giang cho hay, đến nay các DN chỉ bảo toàn vốn về giá trị tài sản trên sổ sách. Trên thực tế, không tính toán đến yếu tố trượt giá, hao mòn tài sản vô hình cần bù đắp.

Vì vậy, sau 1 thời gian hàng chục năm hoạt động thì vốn của DN bị thu hẹp theo cách giá trị con số ghi trên tài sản không thay đổi nhưng giá trị thực tế của tài sản hiện vật của vốn đó giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết.

Bà Lịch cho rằng, chính sách khấu hao, bảo toàn vốn cần xem xét lại để làm sao “vốn lúc này là một chiếc ô tô thì 10 hay 20 năm sau, vốn đó phải đủ giá trị mua một chiếc xe có tính năng tương đương. Có như vậy mới bảo toàn về mặt hiện vật của vốn, tài sản trong DNNN”.

Về cổ phần hóa DNNN, ĐB Lịch chỉ ra những hạn chế là nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước do việc định giá DN thấp hơn giá trị thực tế, nhiều giá trị tài sản vô hình như thương hiệu, lợi thế DN độc quyền, giá trị đất đai đắc địa… không được đánh giá đúng. Một số DNNN bị bán với giá bèo bọt.

Có DN lúc báo lãi, lúc báo lỗ

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng nêu các lý do dẫn đến kinh doanh lỗ, làm thất thoát vốn DN. Theo đó, vì động cơ cá nhân nên những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm chỉ để thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp nhưng lại được hưởng lợi từ đó.

{keywords}
ĐB Hoàng Văn Cường

“Đó là những hoạt động cố tình dùng thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ DNNN”, ông Cường nói.

Ngoài ra, dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay đi tù về chuyện quản lý yếu kém, có chăng chỉ vì có sai phạm.

“Cũng không có DN nào báo cáo đầy đủ lúc nào lỗ, lúc nào lãi. Thậm chí có DN khi cần báo cáo để thăng chức, để tăng quỹ lương hoặc xin vốn thì lập tức báo cáo lãi, nhưng khi báo cáo cơ quan tài chính thì lại báo cáo lỗ.

Người ta nói báo cáo tài chính của các DN giống như ông thần có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi”, ĐB Cường nêu quan điểm.

Ông Cường cho hay, những vấn đề xảy ra về thất thoát vốn, lỗ của DNNN thì ai cũng biết nhưng bộ máy thanh, kiểm tra, kiểm soát DN lại không phát hiện ra vấn đề này.

Vị ĐB cũng nêu vấn đề là ta có tổ chức định giá độc lập, có tổ chức đấu giá độc lập nhằm làm minh bạch hóa việc mua bán tài sản nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng mua đắt bán rẻ.

Ông bày tỏ bức xúc khi những tổ chức làm trách nhiệm định giá, đấu giá khi lập các dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai, đấu thầu xảy ra tình trạng như trên thì chưa có tổ chức nào bị xử lý.

{keywords}
ĐB Phạm Quang Dũng

Tranh luận với ý kiến của một số ĐB đăng đàn trước mình, Chủ tịch công ty cổ phần Tasco Phạm Quang Dũng cho rằng, việc định giá DNNN không thể "chính xác 100%, chỉ có thể tương đối và sát với thị trường". 

"Đây là vấn đề trừu tượng và khó, ngay cả thuê tư vấn nước ngoài cũng không thể đưa ra được dữ liệu sát thực thị trường nhất", ông nói và nhấn mạnh, giá xác định đem ra đấu giá chỉ nên để tham khảo, là giá sàn khi đấu giá. 

Theo ông Dũng, mất vốn nhà nước nằm ở khâu tổ chức đấu giá chứ không phải xác định giá trị DN. Ông đề nghị phải xây dựng lại quy trình đấu giá cổ phần DN khi đưa lên sàn. 

Giải trình về quản lý nhà nước và sở hữu nhà nước với DN, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, nguyên nhân tồn tại trước tiên là sự chồng chéo giữa quản lý nhà nước của các bộ, ngành với vai trò quản trị của các DNNN, dẫn tới hoạt động của DN thiếu tự chủ vì chịu sự can thiệp của cơ quan hành chính.

Mặt khác, lãnh đạo các DN này cũng né tránh trách nhiệm đùn đẩy lên cho cơ quan quản lý hành chính.

Ngoài ra, với cơ chế quản lý chồng lấn nên có tình trạng cố tình làm sai, vi phạm, điển hình là 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả.

Với các sai phạm tại số dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành công thương, Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định, không chỉ lãnh đạo các DN này, mà cán bộ quản lý của bộ, ngành cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả hình sự, nếu bị phát hiện sai phạm.

Sẽ cắt vốn nếu công trình tiếp tục chậm tiến độ

Sẽ cắt vốn nếu công trình tiếp tục chậm tiến độ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ truy trách nhiệm về việc các dự án dừng thi công do giải ngân chậm.

Thêm một dự án đội vốn hơn 7.000 tỷ tại Ninh Bình

Thêm một dự án đội vốn hơn 7.000 tỷ tại Ninh Bình

Không chỉ có dự án đội vốn từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng, Ninh Bình còn có một dự án khác đội vốn từ 2.078 tỷ “đội” lên 9.720 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng chưa yên tâm với ‘sức khoẻ’ DNNN

Phó Thủ tướng chưa yên tâm với ‘sức khoẻ’ DNNN

Phó Thủ tướng lo lắng khi 85% DNNN làm ăn có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn và trên doanh thu còn thấp.

Kiên quyết chống nhóm lợi ích, sân sau của DNNN

Kiên quyết chống nhóm lợi ích, sân sau của DNNN

Trung ương nhấn mạnh kiên quyết đấu tranh việc hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau” thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng.

Công khai thu nhập sếp DNNN

Công khai thu nhập sếp DNNN

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ, tỉnh thành trực thuộc TƯ tăng cường giám sát, công khai tiền lương, thu nhập của viên chức quản lý DNNN. 

Hương Quỳnh