1a.png
Chữ ký số mới được sử dụng ở một số ít DN có nghĩa vụ phải khai thuế hoặc kê khai hải quan điện tử. (Ảnh minh họa)

Cần có giá sàn để chống phá giá

Hiện đã có 9 CA được cấp phép hoạt động, gồm 6 CA đã cấp chứng thư số ra thị trường (VNPT-CA, CA2, Bkav-CA, Viettel-CA, FPT-CA, CK-CA) và 3 CA đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng (Newtel CA, Safe-CA, SmartSign). Tuy nhiên, đối tượng khách hàng có nhu cầu sử dụng chữ ký số chỉ dừng ở phạm vi khối DN có nghĩa vụ phải khai thuế điện tử hoặc kê khai hải quan điện tử (ước tính có hơn 100.000 DN đang sử dụng chữ ký số).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh, GĐ Công ty Bkav Telecom, DN cung cấp dịch vụ chữ ký số Bkav-CA phân tích: “Các CA phải đầu tư khá lớn để đảm bảo cung cấp dịch vụ đặc thù chữ ký số đạt chất lượng và đáp ứng tính an ninh. Song chữ ký số chủ yếu mới được ứng dụng trong các dịch vụ hành chính công như thuế, hải quan... nên khó tránh khỏi chuyện cạnh tranh hút khách. Khi đó, CA có thể bỏ qua một số bước quan trọng khiến cho chất lượng dịch vụ không đảm bảo, gây hệ lụy ảnh hưởng tới cả thị trường CA, Root CA quốc gia (CA chứng thực cho các CA công cộng) cũng như Bộ TT&TT”.

Ông Trần Thế Hiển, Giám đốc FPT-CA tỏ rõ sự lo lắng trước hiện trạng cạnh tranh giữa các CA. Giá bán niêm yết công khai của các gói dịch vụ chữ ký số của nhiều CA đều sàn sàn ở mức 990.000 đồng/gói cước 1 năm, 1,7 triệu đồng/gói cước 2 năm và khoảng 2,3 triệu đồng/gói cước 3 năm. Tuy nhiên, các CA cố hút khách bằng các chính sách khuyến mại, hoa hồng khác nhau. "Nếu cạnh tranh theo hình thức này thì các CA sẽ yếu đi và tự chết”, ông Hiển nói.

Để giải quyết bất cập trên, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT dự kiến thời gian tới, Cục Ứng dụng CNTT sẽ đứng ra làm trung gian mời các CA đến ký thỏa thuận chống phá giá, tuân thủ cạnh tranh lành mạnh.

Nhưng việc ký giao ước chỉ là hình thức thỏa thuận giữa các DN, để xử lý các vụ kiện vi phạm cạnh tranh thì phải có những công cụ hành chính khác, thường phải căn cứ vào “giá sàn”. Hầu hết các CA đều đồng tình đề xuất Bộ TT&TT sớm ban hành giá sàn nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng thông báo với các CA rằng Bộ TT&TT sẵn sàng cùng với các CA cân nhắc vấn đề này. Thứ trưởng đã giao Cục Ứng dụng CNTT đề xuất ý kiến cụ thể để lãnh đạo Bộ cân nhắc hướng giải quyết.

Không thể phát triển dịch vụ trong 5 năm

Theo quy định của Bộ TT&TT, giấy phép cung cấp dịch vụ của các CA chỉ có thời hạn 5 năm. Nhìn lại thời điểm được cấp phép của các CA thì thấy phân nửa CA đang ở diện cảnh báo. Bởi vậy, các DN đề nghị Bộ sớm ban hành quyết định mới phù hợp hơn về thời hạn của giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Ông Trần Thế Hiển còn mạnh dạn đề xuất Bộ TT&TT nên xem xét tới chuyện cấp các giấy phép không thời hạn, nếu nhà cung cấp dịch vụ có hành vi vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục Ứng dụng CNTT sẽ nghiên cứu kỹ hơn về đề xuất áp dụng cơ chế cấp lại giấy phép với thời hạn rộng hơn hoặc không cần hết hạn giấy phép cũ cũng có thể xin cấp phép lại nhằm tháo gỡ bất cập cho DN.

Liên quan tới chuyện mở rộng thị trường, các CA đã đề xuất Bộ TT&TT có định hướng để CA công cộng có thể hướng tới đối tượng khách hàng cá nhân (khách hàng của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán - hiện những đối tượng cá nhân này vẫn chỉ áp dụng các công nghệ xác thực bảo mật trước khi có chữ ký số như mật khẩu - password). Khi đó, nhu cầu sử dụng chữ ký số lớn hơn rất nhiều so với chỉ bó hẹp vào đối tượng DN (mỗi DN chỉ cần dùng 1 chữ ký số cho các giao dịch khai thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, đăng ký kinh doanh điện tử…).

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT đã đề xuất Bộ TT&TT cho phép liên hệ với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để hướng tới xây dựng Thông tư liên tịch 3 Bộ, ngành, yêu cầu các dịch vụ ngân hàng, chứng khoán bắt buộc phải sử dụng chữ ký số theo một lộ trình phù hợp, không chấp nhận các hình thức bảo mật khác.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 65 ra ngày 1/6/2012.