Doanh nghiệp cần đổi mới, phát triển bền vững

Tại diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) năm 2023 với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, VCSF được khởi xướng thực hiện ngay trước thời điểm Việt Nam cùng 192 quốc gia trên thế giới cam kết triển khai Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Cũng như cam kết giảm thiểu biến đổi khí hậu tại COP 21 vào năm 2015 tại Paris (Pháp) như một minh chứng rõ ràng cho sự sáng tạo, tính tiên phong và sự cam kết của VCCI nói chung, VBCSD nói riêng trong hành trình bền bỉ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên chặng đường phát triển bền vững.

Theo bà Dung, cùng với những ý tưởng sáng tạo và các kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi tiên phong trong phát triển bền vững, diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam lần thứ 10 là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đặt ra những sáng kiến quan trọng, nhằm định hình một tương lai sáng sủa, thịnh vượng cho doanh nghiệp và đất nước.

“Các doanh nghiệp cần đổi mới, nắm bắt những giải pháp thông minh để sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả hơn, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo đến việc quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, bằng cách tạo ra một hệ thống cung ứng bền vững, chúng ta có thể tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và đồng thời góp phần vào việc duy trì sự phát triển bền vững của cộng đồng và môi trường” bà Dung nhấn mạnh.

ben vung 1.jpg
Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam lần thứ 10.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động theo lộ trình… để thực hiện các chủ trương, chính sách, cam kết của Việt Nam về thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững, đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (cam kết tại COP 26 - năm 2021).

Đứng trước yêu cầu về phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần định nghĩa lại thành công của doanh nghiệp. Thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số tài chính mà còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ.

Theo ông Công, doanh nghiệp cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Khi đã chuyển đổi về tư duy, các doanh nghiệp cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động. Đó là chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải tích cực tham gia, tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.

Chính phủ thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi

Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể của VCSF, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, phát triển bền vững phải gắn với phát triển bao trùm trên cả 3 trụ cột: Phát triển bền vững kinh tế; phát triển bền vững xã hội, văn hoá và con người và phát triển bền vững môi trường.

Tất cả doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong Cuộc đua xanh toàn cầu phát triển bền vững hiện nay. Vì vậy, Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của VBCSD và VCCI đã, đang được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành các giải pháp phát triển bền vững.

Chính phủ cam kết tiếp tục thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên sẽ được tiếp tục lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết của Việt Nam, các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên cần được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch và thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời cần đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và tạo cơ hội mới cho đổi mới và tăng trưởng.

Tuy cam kết thực hiện net zero vào năm 2050 là thách thức rất lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhưng đây là thời điểm, cơ hội để cùng hành động, thực hiện các mục tiêu toàn cầu, là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ; đưa đất nước phát triển theo con đường "xanh" có thu nhập cao vào năm 2045.

Do đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn tiên phong, hội nhập trên hành trình xanh toàn cầu; tiếp tục đóng vai trò hạt nhân thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp, việc thực hiện phát triển bền vững không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm doanh nghiệp xương sống của nền kinh tế, cũng cần phải tích cực và chủ động tham gia vào cuộc đua xanh này.

Trần Chung và nhóm PV, BTV