Có vẻ dễ nhưng để drone phát hiện ra quả táo, AI của nó cần phải học rất, rất nhiều hình ảnh về quả táo. Táo trong bóng râm, táo dưới ánh nắng mặt trời, táo từ đằng trước, đằng sau, thậm chí là quả táo trong sương mù.
Bởi vì, machine learning là phương pháp tương tự với cách con người học hỏi.
Andy Wong, một trợ lý nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông, cho hay: "Khi một em bé đã biết đây là quả táo, nó có thể nhìn vào nhiều bức ảnh khác nhau mà vẫn nhận ra đó là quả táo."
Nhưng tại sao lại là quả táo mà không phải cái gì đó cao siêu hơn? Táo hay thậm chí sầu riêng không quan trọng, nó chỉ là bước đầu trong việc xây dựng mô hình nhận diện trực quan, có thể được áp dụng theo những cách phức tạp hơn trong tương lai.
Cách đây 9 tháng, tại Hội nghị các nhà phát triển MS Build 2018, Microsoft đã công bố mối quan hệ hợp tác với nhà sản xuất Trung Quốc DJI nhằm tích hợp công nghệ AI của hãng trên các sản phẩm máy bay không người lái (drone) trong tương lai.
Đây là một bước đi không mấy bất ngờ từ phía Microsoft. Trước đó, CEO Satya Nadella cũng đã khẳng định ông muốn tập trung đầu tư cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các sản phẩm công nghệ cao cấp khác. Và có thể nói, drone được coi là một trong những thiết bị tự động hóa tân tiến nhất hiện nay.
Microsoft và DJI cho biết, AI drone có thể được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau: Giám sát con người, kiểm tra kho hàng, thăm dò những khu vực mà con người khó lòng tiếp cận.
Đó là lý do tại sao 2 công ty này hợp tác tổ chức cuộc thi AI x Drones, tập hợp sinh viên từ 2 trường Đại học lớn tại Hồng Kông để tạo ra AI model nhận diện các loại hoa quả.
Sau đó, sinh viên sẽ thả drone của họ vào khu vực được bố trí sẵn hoa quả. Trên màn hình sẽ hiển thị mức độ "khôn ngoan" của AI, xem nó chắc chắn quả chuối là quả chuối không, hay nhầm quả chuối sang quả táo. Đại loại thế.
Các đội đều sử dụng drone DJI Phantom 4 Pro, có khả năng quay chụp 4K Ultra HD - giúp ích rất nhiều cho AI của Microsoft.
Vũ khí bí mật là gì? Edge computing (điện toán cạnh).
Nói một cách đơn giản là phân tích dữ liệu gần với nguồn của nó. Thường thì drone sẽ gửi hình ảnh/đoạn phim lên cloud để phân tích và nhận phản hồi. Dù điện toán đám mây mạnh hơn nhưng chắc chắn, việc truyền dữ liệu sẽ có độ trễ nhất định - điều này được edge computing loại bỏ bằng cách phân tích dữ liệu ngay trên drone.
Trông thế thôi nhưng hãy còn lâu AI drone mới được ứng dụng trong đời thực. Tất cả những gì chúng ta mong muốn đều là ứng dụng dựa trên lý thuyết. Giờ nó mới phát hiện được hoa quả thôi, cái ngày AI cướp hết việc của con người vẫn còn xa nhưng không phải xa lắm.
Kevin On, Giám đốc Truyền thông và Marketing toàn cầu của DJI cho biết, AI drone là gia tố hỗ trợ chứ không nhằm thay thế con người.
"Drone là công cụ đắc lực giúp người lao động tăng năng suất, làm giảm tỷ lệ tai nạn lao động." Kevin nói.
Ngày hôm nay có thể là hoa quả, trong tương lai rất có thể, drone sẽ được dùng để phát hiện và cảnh báo con người về thiên tai, khủng bố, hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân mất tích...
Theo GenK