Thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/6, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu giải đáp về việc thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa bền vững.
Theo ông, đây là khái niệm có nhiều nội hàm nhưng được thể hiện qua các yếu tố như quy mô xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tính ổn định trong tăng trưởng xuất khẩu và điều quan trọng nhất là xuất khẩu nhưng không đánh đổi những vấn đề quan trọng khác như lao động, môi trường.
Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD. |
Đặc biệt, ông nhấn mạnh xuất khẩu phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại.
Từ đánh giá trên, để xuất khẩu bền vững, theo ông Hải, việc tạo được nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Theo đó, ông Hải cho hay Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược này sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới.
“Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này,” ông Trần Thanh Hải nói
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại.
Đơn cử với ngành dệt may, ông Hải cho hay hiện có tâm lý của một số địa phương là không tiếp nhận đầu tư cho các dự án dệt nhuộm, coi đó là ngành nghề tác động đến môi trường.
“Đây là yếu tố ta cần làm rõ vì hiện nay công nghệ dệt nhuộm đã có nhiều cải thiện. Nếu như nhà đầu tư đáp ứng được các yếu tố về môi trường thì các địa phương có thể xem xét để giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện cho khâu dệt nhuộm vải,” ông Hải dẫn chứng.
Diệu Thúy