Trong tham luận gửi tới hội thảo với chủ đề “Ngành khai thác thủy sản trong những năm qua và định hướng đối với khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản Việt Nam trong thời gian tới”, đại diện Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021), những năm qua, ngành khai thác thủy sản được định hướng phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí. Bên cạnh đó là tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản…
Định hướng trên nhằm giúp cho ngành khai thác thủy sản Việt Nam phát triển một cách bền vững trên cơ sở thay đổi cơ cấu khai thác thủy sản, tái tạo nguồn lợi và quan trọng hơn là ngành khai thác phải được triển khai theo quy tắc ứng xử của nghề cá có trách nhiệm.
Nhìn chung, ngành khai thác thủy sản qua những năm triển khai Chiến lược phát triển thủy sản đã có những được chuyển biến theo định hướng phát triển, tuy nhiên đại diện Cục Thủy sản cũng cho biết, nghề cá Việt Nam là nghề cá đa loài, đa ngư cụ, quy mô nhỏ, phát triển tự phát, không theo quy hoạch, chưa kiểm soát được cường lực khai thác theo nghề, vùng biển dẫn đến cường lực khai thác chưa phù hợp với trữ lượng, khả năng cho phép khai thác tối đa nguồn lợi thủy sản. Tình trạng khai thác quá mức cho phép đã diễn ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, dẫn đến nguồn lợi hải sản có nguy cơ bị suy kiệt, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Hiệu quả khai thác hải sản trên biển còn thấp. Bên cạnh đó, công tác bảo quản sản phẩm chưa cải thiện, hiệu quả của hoạt động khai thác còn thấp; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa được nhiều để góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm khai thác; liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa được chặt chẽ. Đặc biệt, số lượng tàu cá mặc dù đã giảm nhưng tốc độ giảm sản lượng khai thác chưa đạt yêu cầu, mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản đề ra…
Nhằm tiến tới một ngành khai thác thủy sản đáp ứng được các yêu cầu đối với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi, thích ứng với các quy định về sản phẩm nhập khẩu của các thị trường, đại diện Cục Thủy sản cho biết, ngành khai thác thủy sản cần tập trung điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống các loài thủy sản, nguồn lợi hải sản để bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi; tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa. Bên cạnh đó là phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí; tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản…