Trong bối cảnh thế giới và trong nước có những thách thức cũng như thời cơ mới, nông nghiệp Việt Nam cần có định hướng mới để phát triển trong thời gian tới.

Nhìn lại sự phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá: Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển dựa trên đơn ngành chứ chưa dựa trên đa ngành. Bây giờ tư duy mới là tích hợp đa giá trị. Trước đây là phát triển theo ngành hàng như: lúa gạo, thủy sản... nhưng với mô hình lúa-cá, lúa-tôm... thì trồng trọt với chăn nuôi hay trồng trọt với thủy sản là sự tích hợp giá trị. Sự cộng hưởng này thành giá trị cao hơn là giá trị đơn lẻ, đơn ngành.

Việt Nam có nền nông nghiệp chi phí đầu vào nhiều hơn là những yếu tố khoa học công nghệ hay mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Với những mô hình nông nghiệp mới, có thể là chi phí đầu vào không tăng nhưng đầu ra sẽ tăng vì nó tạo ra nông sản tốt hơn.

{keywords}
Việt Nam có nền nông nghiệp chi phí đầu vào nhiều hơn là những yếu tố khoa học công nghệ hay mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Trên thế giới hiện nay có khái niệm rất hay là “ít hơn để được nhiều hơn” (Less is more). Tức là chi phí thấp hơn để đạt kết quả cao hơn. Trong nhiều năm qua, chúng ta thấy chi phí nhiều hơn, thâm dụng về đất đai, hệ sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học... nhiều hơn. Chúng ta biến yếu tố đó tạo thành giá trị nhưng giá trị đó lấy ở thời điểm này thì thế hệ mai sau sẽ bị tác động, ảnh hưởng. Đó là phát triển không bền vững.

Chiến lược ngành thời gian tới sẽ cần tiếp tục thúc đẩy những thành tựu của ngành đã đạt được; đồng thời phải giải quyết những vấn đề nội tại ngành còn gặp phải.

Trò chuyện với báo giới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, để phát triển bền vững cần thay đổi về quan niệm, cấu trúc của ngành nông nghiệp phát huy giá trị khác ngoài giá trị thường đeo đuổi là sản lượng. Sản lượng nhiều nhất không đồng nghĩa với tăng trưởng cao nhất.

GDP ngành tăng nhưng chi phí cũng tăng thì giá trị gia tăng sẽ giảm, thu nhập trực tiếp của người nông dân sẽ không đồng hành với sự tăng trưởng của ngành, đó là cái cần lưu ý.

Do đó, cần tiệm cận sự phát triển của ngành với thu nhập của người sản xuất, giá trị tăng thêm. Chính giá trị tăng thêm mới là câu chuyện chúng ta cần đeo đuổi. Có thể sản lượng ít đi nhưng giá trị gia tăng vẫn cao hơn.

Thực tế cho thấy, có những lúc sản phẩm “được mùa nhưng mất giá,” có lúc “mất mùa được giá,” cân đối tăng trưởng về sản lượng và tăng trưởng về giá trị. Biến tư duy sản xuất lấy sản lượng làm mục tiêu sang lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Chính giá trị gia tăng mới là thu nhập bền vững.

Chiến lược cần tính đến nền nông nghiệp không đánh đổi những chi phí mà không tính vào giá thành sản xuất trong thời gian vừa qua như: lạm dụng, hủy hoại môi trường, tài nguyên đất đai... Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với thế giới rằng, Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ngành nông nghiệp đang đóng góp 20% phát thải sẽ phải nỗ lực cùng thực hiện cam kết trên.

Bên cạnh đó, xu thế tiêu dùng ngày nay đã thay đổi. Đầu ra của nông sản không phải mua trên giá cả mà mua trên giá trị. Giá trị bao gồm những vấn đề vô hình đó. Sản phẩm phải được sản xuất với quy trình mà không tác động tới biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe của chính nông dân.

Chiến lược không phải là để tăng ngành này hay giảm ngành kia mà định vị lại những giá trị cốt lõi, tiếp cận những xu thế mới, dù đó là trồng trọt, chăn nuôi hay thủy sản... thì đều theo tư duy phát triển bền vững. Chiến lược cần hướng tới sự tăng trưởng bao trùm, đó là tạo ra việc làm, tạo ra sự thụ hưởng trong cả chuỗi sản xuất.

Nếu tăng trưởng nông nghiệp song hành với thu nhập người nông dân trong những năm vừa qua thì chắc sẽ không có cảnh cả dòng người phải lên đô thị, thành phố tìm kiếm việc làm. Do đó, việc làm, kinh tế ở nông thôn là vấn đề cần được đề cập trong chiến lược.

Việc làm có thể được tạo ra từ các hợp tác xã ở việc sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản; du lịch nông thôn... Nhìn nông nghiệp ở cấu trúc kinh tế-xã hội chứ không nhìn nông nghiệp với sự tăng trưởng sản lượng. Nông nghiệp vừa mang tính chất kinh tế vừa mang tính chất xã hội. Vấn đề nông dân phải tiến về thành phố tìm kiếm việc làm là vấn đề xã hội, nhưng xuất phát từ vấn đề kinh tế, thu nhập.

Chiến lược sẽ phải đặt ra những vấn đề phải thay đổi, tiếp cận với tuy duy mới, chứ không phải tư duy sản lượng đứng nhất, đứng nhì thế giới. Giải bài toán nền nông nghiệp quá thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, vật tư đầu vào và gây ra hiệu ứng phát thải, có thể mất đi hệ sinh thái...

Chi phí sản xuất bây giờ gồm chí phí thật và chi phí ảo. Chi phí ảo chính là môi trường, sinh thái - mà đây là yếu tố thế giới đang quan tâm.

Cách tiếp cận chiến lược là tìm ra những giá trị mới, tính giá trị nền nông nghiệp trên đơn vị diện tích và tích hợp các giá trị trên đơn vị diện tích đó, chứ không phải trên diện tích đó trồng gì. Nhiều mô hình đa canh, xen canh đã mang lại giá trị cao hơn là trồng đơn cây, nuôi đơn con.

Về nguồn lực, khi đưa ra chiến lực thì đây là vấn đề. Khi nhu cầu là vô hạn còn ngân sách hữu hạn cần có cách nhìn với chiến lược đó.  Không nên nghĩ chiến lược là nhà nước làm hoàn toàn. Từ chiến lược đó có thể tạo ra sự kích thích xã hội đầu tư vào đó. Nếu chúng ta tiếp cận đúng thì đây mới là mục tiêu của Đảng, Chính phủ.  Làm sao mà một đồng đầu tư công có thể dẫn dắt các đồng đầu tư tư.

Khi chúng ta nhìn đơn giá trị, đơn chức năng sẽ rất khó. Chẳng hạn việc đầu tư một cảng cá trong Chiến lược phát triển thủy sản, nếu nghĩ cảng cá đơn thuần sẽ chỉ là nơi neo đậu tàu thuyền khi đi về. Nhưng nếu cho đó là nơi phức hợp gồm: chế biến thủy sản, huấn luyện nghề cho ngư dân, du lịch... giá trị sẽ được tạo thêm từ cảng cá này.

Hay với hồ thủy hiện, đơn thuần chỉ là hồ trữ nước cho ngành điện. Nhưng nó có thể phát triển thêm du lịch. Tức là từ một công trình sẽ không chỉ tạo ra một giá trị, một chức năng bình thường. Nông sản ngoài cung cấp thực phẩm thì có thể tiếp cận ở góc độ dược phẩm, mỹ phẩm. Nông sản Việt vẫn hưởng ở tầng nấc thấp nhất là bán thô. Chế biến đa dạng hóa sản phẩm thì có thể biến sản phẩm có thể thành mỹ phẩm, dược phẩm. Khi tạo ra giá trị đa mục tiêu sẽ tạo ra nhiều việc làm. Nhiều yếu tố dường như không có đóng góp gì thì có thể tổng hợp lại để nâng giá trị nông sản.

Bảo Hân