“Mức nợ đang tăng nhanh hơn nền kinh tế, nhanh hơn cả chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cuối cùng về lâu dài, điều này sẽ tạo ra sự bất ổn”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu hồi tuần trước. Ông này chỉ đề cập tới nền kinh tế Mỹ, nhưng nhận định này còn mang hàm ý rộng hơn.
Báo cáo được công bố hôm 14/11 từ Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc tế cho biết, mức nợ toàn cầu đã tăng thêm 7.500 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm 2019. Và có hơn 60% trong số nợ này tới từ Mỹ và Trung Quốc. Và tính tới tháng 6/2019, tổng số nợ toàn cầu đã lên tới 250.000 tỷ USD, tương đương 320% so với GDP toàn cầu.
Số liệu nợ toàn cầu từ 2008-2018. Ảnh: Bloomberg |
Các khoản nợ thì luôn có, nhưng điều này sẽ khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn khi nền kinh tế không đủ sức phục hồi nhanh chóng. Điều này sẽ khiến lãi suất toàn cầu ở mức thấp. Và khi ở trong bối cảnh lãi suất thấp, các nền kinh tế lớn sẽ đối mặt với nhiều vấn đề.
SCMP trích số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 14/11 cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này chỉ đạt 4,7% trong tháng 10/2019 và thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của Trung Quốc đưa ra. Chỉ số này thấp hơn mức Reuters dự đoán là 5,4% và thấp hơn so với chỉ số tháng 9 là 5,8%.
Thông thường trong trường hợp này, Ngân hàng Trung Quốc sẽ giảm mức lãi suất nhằm kích thích hoạt động về kinh tế. Tuy nhiên, với việc thịt lợn tăng giá cao do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 10 lên 3,8%, mức gần như cao nhất trong 8 năm qua.
Trong khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, cũng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn.
Cụ thể, chỉ số tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý 3/2019 chỉ đạt 0,2%, so với mức dự báo 0,8% trước đó. Những yếu tố bên ngoài đã khiến tăng trưởng kinh tế Nhật giảm mất 0,2%, do ngành xuất khẩu của ‘đất nước mặt trời mọc’ dính đòn từ thương chiến Mỹ-Trung.
Nhật Bản hiện đang có tỷ lệ nợ GDP của chính phủ cao nhất so với bất kỳ đất nước công nghiệp khác, tuy nhiên nước này vẫn sử dụng các biện pháp kích thích tài chính và vay mượn nhiều hơn nữa.
Tại Hàn Quốc, ngành xuất khẩu đã giảm liên tục trong 11 tháng qua. Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm chạp, bất chấp chính phủ nước này đưa ra những chính sách kích thích tài chính và tiền tệ dễ hơn.
Từ mớ lộn xộn rắc rối trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể thấy thương chiến Mỹ-Trung đã xóa bỏ hết những nỗ lực kinh tế của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Với tốc độ tích lũy nợ hiện nay, các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang vận hành, nhưng không đi tới đâu.
Chưa kể, tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ-Trung khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế thế giới đã không còn đủ sức chịu đựng sự tác động từ thương chiến nữa.
Tuấn Trần