Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 3,2 tỉ người có định danh và sử dụng chúng trong môi trường số. Định danh điện tử hứa hẹn tạo ra giá trị kinh tế bằng cách thúc đẩy tăng cường hòa nhập, mang lại khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn; giúp giảm gian lận danh tính, duy trì quyền hạn, tăng tính minh bạch và thúc đẩy số hóa... Còn theo báo cáo của McKinsey, các quốc gia có thể đạt được giá trị kinh tế tương đương 3% - 13% GDP vào năm 2030 từ việc triển khai các chương trình định danh và xác thực điện tử.
Danh tính số của một người có thể bao gồm nhiều thuộc tính: dữ liệu tiểu sử (tên, tuổi, giới tính, địa chỉ,…), dữ liệu sinh trắc học (vân tay, mống mắt… (Ảnh minh họa: Internet) |
Danh tính số của một người có thể bao gồm nhiều thuộc tính: dữ liệu tiểu sử (tên, tuổi, giới tính, địa chỉ,…), dữ liệu sinh trắc học (vân tay, mống mắt,…) cũng như các thuộc tính mở rộng khác.
Định danh (Identification) là quá trình thiết lập, xác định hoặc công nhận danh tính của một đối tượng.
Định danh điện tử (Electronic Identification) là quá trình thiết lập, xác định hoặc công nhận danh tính số của một đối tượng.
Xác thực điện tử (Authentication) là quá trình xác minh điện tử đối với danh tính một thực thể.
Tại Việt Nam, Quyết định 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm: 1- Số định danh cá nhân; số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài); 2- Họ, tên đệm và tên; 3- Ngày, tháng, năm sinh; 4- Giới tính; 5- Quốc tịch (đối với người nước ngoài); 6- Số điện thoại, email.
Danh tính số, định danh và xác thực điện tử có vai trò hết sức quan trọng cuộc sống và là nền tảng của chuyển đổi số. Đối với cơ quan Chính phủ: Danh tính số là một yếu tố quyết định cho việc chuyển đổi số các dịch vụ của Chính phủ, đảm bảo tính sẵn sàng của các dịch vụ công trực tuyến; Giảm thiểu những sai sót, gian lận của con người trong quá trình thực hiện xác thực danh tính; Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ công của nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều nhóm đối tượng người dùng khác nhau, đặc biệt là người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc những người khuyết tật; việc duy trì hệ thống quản lý nhận dạng và xác thực điện tử giúp giải phóng nhân lực; giảm chi phí vận hành; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan Chính phủ…
Đối với các doanh nghiệp, việc định danh và xác thực điện tử giúp cải thiện chất lượng dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm; Đảm bảo an toàn cho các giao dịch số, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp từ các vụ gian lận, trộm cắp danh tính; mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; cắt giảm chi phí và thời gian vận hành …
Danh tính số cũng hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới, tăng khả năng bảo vệ dữ liệu trong các giao dịch thương mại quốc tế và tạo môi trường cho các doanh nhân thiết lập đề xuất kinh doanh sáng tạo nhằm thúc đẩy mở rộng nền kinh tế số.
Linh Đan