Việc xử lý hành chính đối với các vi phạm về an toàn giao thông đường bộ đối với các hành vi vi phạm phát hiện thông qua các phương tiện giám sát kỹ thuật (hệ thống camera giám sát, hệ thống giao thông thông minh,…) trong thời gian vừa qua đã phát huy đáng kể hiệu quả trong việc giảm thiểu các hành vi vi phạm, và qua đó, giảm các vụ tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã và đang đặt ra những vấn đề pháp lý cần phải được cân nhắc và có giải pháp phù hợp.
Trước đây, khi các vi phạm được phát hiện bởi cá nhân người thi hành công vụ (cảnh sát, thanh tra giao thông,…) tại chỗ và lập biên bản vi phạm, ghi nhận cá nhân vi phạm (người điều khiển phương tiện) khi quyết định xử phạt hành chính, vì vậy, sẽ được áp dụng với người có hành vi vi phạm.
Nguyên tắc cơ bản của Luật Xử lý vi phạm hành chính được đề cập tại Điều 2 của luật này:
“Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính";
“Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính".
Tại điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định:
“Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính".
Với các quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp lý, việc áp dụng luật để xử lý các vi phạm hành chính về an toàn giao thông qua hệ thống kỹ thuật sẽ gặp trở ngại lớn nhất, là xác định người thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Các phương tiện kỹ thuật và giám sát chỉ có thể phát hiện phương tiện, thời điểm và địa điểm xảy ra hành vi vi phạm, trong khi luật pháp đòi hỏi cơ quan chức năng phải xác định người điều khiển phương tiện tại thời điểm đó, và chứng minh người đó có hành vi vi phạm hành chính.
Hiện nay, trên thực tế, các cơ quan chức năng chỉ xác định được chủ sở hữu phương tiện, và trong hầu hết các trường hợp, ra quyết định xử phạt chủ sở hữu phương tiện và áp dụng các biện pháp đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt hành chính đối với chủ sở hữu phương tiện, trong khi chưa có các quy định liên quan về việc xác định người điều khiển phương tiện, như yêu cầu tại Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật đường bộ cũng như các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ hiện nay.
Việc áp dụng biện pháp hạn chế, ngăn chặn chủ phương tiện thực hiện đăng kiểm phương tiện khi trước đó phát hiện phương tiện được người điều khiển (chưa xác định được danh tính) sử dụng phương tiện đó vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, vì vậy, trên thực tế không phù hợp với các quy định của pháp luật, và cũng xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ phương tiện.
Một số ví dụ về sự bất cập này có thể dễ dàng hình dung, chẳng hạn, khi một người lái xe của doanh nghiệp điều khiển phương tiện nhiều lần vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, sau đó nghỉ việc và chuyển đi nơi khác. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không thể thay người lái xe đó nộp phạt, chưa kể, không có khả năng thực hiện các chế tài khác, ví dụ giao nộp giấy phép lái xe cho cơ quan chức năng.
Hoặc trong trường hợp một người lái xe cho xe cá nhân có hành vi vượt đèn đỏ nhiều lần, sau đó nghỉ việc, nếu chỉ căn cứ vào bằng chứng thu thập từ công nghệ, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính sẽ hướng đến chủ sở hữu phương tiện.
Và trong cả hai trường hợp nói trên, cơ quan chức năng sẽ khó xử lý, nếu tuân thủ đúng nghĩa vụ quy định tại điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính, là chứng minh vi phạm hành chính của một cá nhân cụ thể, bao gồm việc cung cấp bằng chứng về hành vi vi phạm; và chứng minh một cá nhân cụ thể thực hiện hành vi vi phạm đó.
Với thực tiễn như vậy, và với nền tảng hiện tại của mức độ số hoá về quản lý công dân mà ngành công an đã triển khai trong thời gian qua, mức độ phổ cập của ngân hàng số, tôi nghĩ, đã đến lúc cần có các quy định cần thiết, cho phép xác định danh tính cụ thể người đang điều khiển phương tiện tại thời điểm cụ thể.
Trước hết, cần có ngay các quy định để cá thể hoá người sử dụng phương tiện trong từng thời điểm cụ thể thông qua việc đăng ký người điều khiển gắn với phương tiện thông qua các hệ thống kỹ thuật quản lý đăng ký phương tiện, quản lý người lái, kết hợp với một tài khoản ngân hàng của cá nhân.
Chẳng hạn, cần có hệ thống quản lý phương tiện trực tuyến, cho phép chủ phương tiện đăng ký một cá nhân cụ thể là người điều khiển phương tiện đó, gắn với tài khoản định danh công dân và một tài khoản ngân hàng cá nhân. Khi đó, nếu cơ quan chức năng phát hiện (qua hệ thống kỹ thuật) một hành vi vi phạm, thì việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính sẽ hướng đến chính người điều khiển phương tiện đã đăng ký trên hệ thống.
Với mức độ số hoá cao và nhận thức tốt của công chúng hiện nay về ngân hàng số, việc triển khai một hệ thống kỹ thuật như vậy hoàn toàn nằm trong khả năng của các cơ quan chức năng liên quan.
Việc định danh phương tiện và gắn với tài khoản ngân hàng cụ thể cũng sẽ là nền tảng tốt để áp dụng các giải pháp thu phí thông minh sau này, cho phép thu phí giao thông, phí đỗ xe, và các khoản phí liên quan đến phương tiện một cách thuận tiện và hợp lý.
Việc định danh phương tiện gắn với người điều khiển, vì vậy, nên được bổ sung vào Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, làm cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật của các cơ quan chức năng.