Trong những ngày đầu của kỷ nguyên điện thoại di động, Nokia có mặt ở khắp mọi nơi và dường như là thứ không thể thay thế được. Hãng tạo ra phiên bản Nokia 1100, chiếc điện thoại bán chạy nhất hành tinh với hệ thống bàn phím trông như những giọt nước; hay phiên bản 3310 xám xanh huyền thoại; bản cải tiến 8810 với lớp vỏ trượt mang phong cách tương lai. Hầu như ai cũng có một chiếc điện thoại Nokia đầu tiên đáng nhớ của mình, được cài sẵn game Snake hấp dẫn cùng tiếng nhạc chuông kinh điển. Năm 2009, ở thời kỳ đỉnh cao nhất, Nokia là công ty lớn thứ 85 trên toàn thế giới.
Ngày nay, công ty này vẫn đang hoạt động tốt, nhưng không còn là công ty điện thoại trứ danh như trước kia. Gã khổng lồ công nghệ Phần Lan hiện có được phần lớn thu nhập từ các yếu tố vô hình của nền tảng Internet di động, từ việc kinh doanh bộ định tuyến, bộ xử lý mạng, thiết bị truy cập vô tuyến của trạm gốc và các linh kiện khác. Năm 2018, với doanh thu 23 tỷ euro, Nokia đã tụt xuống vị trí thứ 466 toàn cầu.
Sự chuyển đổi từ ông trùm điện thoại sang công ty công nghệ Internet không phải là có đớn đau. Trong hơn 9 năm thu hẹp và thay đổi, công ty đã mất đi mảng kinh doanh điện thoại; loại bỏ hàng nghìn việc làm; và thảy hàng triệu USD xuống cống.
Thị trấn Oulu của Phần Lan, với dân số khoảng 200.000 người. Nơi đây cũng có thể được gọi là thành phố, bởi nó đã nhận được điều lệ thành phố vào năm 1610. Trước đây, nó chỉ là một thị trấn nhỏ yên tĩnh, nhưng cùng với sự trỗi dậy của Nokia, nơi đây trở thành một trung tâm công nghệ trong khu vực. Đến năm 2000, cái gọi là "phép lạ Oulu" đã thật sự tạo ra một bước tiến đáng kể, với hơn 15.000 việc làm trong lĩnh vực CNTT cho thành phố. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến 2011, công ty đã cắt giảm hơn 1.000 công việc tại Oulu liên quan tới lĩnh vực kinh doanh điện thoại. 5 năm sau là 1.000 vị trí nữa.
Nhưng trái với sự lo sợ của người dân địa phương cùng các phương tiện truyền thông Phần Lan, sự sụp đổ của Nokia đã không kéo theo sự sụp đổ của thị trấn này. "Mặc dù được ví von như một thảm kịch quốc gia, quá trình sụp đổ của đế chế Nokia không phải là thảm họa đối với Oulu giống như nhiều người đã lo sợ",Juha Ala-Mursula - cựu giám đốc chi nhánh Nokia ở Oulu và hiện là người đứng đầu chương trình phát triển kinh tế của thành phố ngày nay - chia sẻ.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Nokia như một vòng xoáy hút lấy các nhân sự tài năng của các thành phố về một chỗ. Và giờ đây, các tài năng này lại có một cơ hội phát triển mới, nhờ sự hỗ trợ và can thiệp một cách có cấu trúc từ chính quyền địa phương, các doanh nhân và cả chính Nokia. Chính điều đó đã giúp cho Nokia vẫn là công ty lớn nhất ở thị trấn này, cũng như thành công trong việc đưa thị trấn này trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng của thế giới về công nghệ 5G.
"Tôi muốn nói rằng việc sa thải hàng loạt của Nokia là điều tốt nhất đã xảy ra với Oulu trong nhiều năm qua", Ala-Mursula nói.
Cuộc sống của cư dân Oulu hiện nay có nhiều điểm chung dễ nhận biết, bởi chúng có cùng một điểm xuất phát chung là 5G. Đó là nhắn tin, trò chuyện trực tuyến, thanh toán di động, ứng dụng thể dục...
Tất cả mọi sáng chế, ý tưởng công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất thế giới giờ đang được xây dựng ý tưởng và thử nghiệm ở nơi đây, tại thị trấn Bắc u chỉ cách khoảng 120 dặm về phía nam của vòng Bắc Cực (Arctic Circle). Cho đến ngày hôm nay, thị trấn vẫn là nhà của các kỹ sư tài năng nhất thế giới, những người đang cần mẫn làm việc để tạo ra những thứ khác mà một ngày nào đó có thể cải thiện cuộc sống của chính bạn. Ví dụ như một chiếc nhẫn thông minh theo dõi giấc ngủ và sự vận động của cơ thể, hoặc loa định hướng chỉ phát ra âm thanh khi yêu cầu. Từ ngày xửa ngày xưa, những kỹ sư này có thể đã từng được Nokia tuyển dụng. Còn ngày nảy ngày nay, họ đã tự xây dựng ra các công ty công nghệ hay công ty khởi nghiệp của riêng mình. Đó có thể là một công ty công nghệ về lĩnh vực protein côn trùng, công nghệ phục hồi đột quỵ bằng VR...
Oulu nằm ở rìa của vịnh Bothnian, một mê cung của các dòng sông và các nhánh sông ven biển, bị giới hạn bởi các hòn đảo nhỏ xung quanh. Có gần 400 dặm đường mòn dành riêng cho xe đạp chồng chéo đan xen khắp nơi này, khiến cho ngay cả trong mùa đông, xe đạp vẫn là phương tiện di chuyển được ưa thích và đáng tin cậy nhất.
Thành phố này có hai trường đại học, một trong số đó là Đại học Oulu, ngôi trường luôn nằm trong top các đại học hàng đầu thế giới về học thuật. Nó cũng có một phòng tắm hơi công cộng khá bình dân, với các nhân viên hoàn toàn là tình nguyện viên; một dàn nhạc giao hưởng; cùng vô số các sự kiện văn hóa và thể thao thường niên. Nếu bạn muốn tham gia Giải vô địch thế giới Air Guitar, cuộc đua marathon trượt tuyết xuyên quốc gia dài 70 km hoặc Festival nhạc rock theo trường phái cổ điển thì thành phố Oulu nên có tên trong danh sách đó.
Nhưng nếu muốn sống ở đây, bạn sẽ phải làm quen với nhịp độ sống và thời gian có phần chậm rãi, với đôi chút ru ngủ của nó. Không giống như mùa hè với thời tiết ấm áp và những cuộc vui bất tận, những quán bar mở cửa xuyên đêm, mùa đông ở thị trấn này, như mọi nơi khác tại Phần Lan lại vô cùng lạnh lẽo và buồn bã.
Vào mùa đông, ngày sẽ ít hơn và đêm dài hơn. Thậm chí sẽ có những thời điểm mặt trời không mọc kéo dài đến hàng chục ngày. Nhiều khu vực có nhiệt độ hạ thấp xuống tới -45 độ C. Khi đó, mọi hoạt động và sinh hoạt của con người trở nên chậm rãi, không còn bất kỳ ai vội vã. Tuy nhiên, ít nhất vẫn có một điểm cộng là tại đây, giá nhà thuê rất rẻ và bạn sẽ dễ dàng có cơ hội sở hữu một không gian riêng rộng rãi.
Trên thực tế, một khi đã điều chỉnh được thói quen sinh hoạt theo nhịp điệu có phần cực đoan của ánh sáng và bóng tối ở nơi đây, bạn sẽ rất khó để rời đi.
Các trường đại học kỹ thuật của thành phố Oulu, được xây dựng vào những năm 19770, có trách nhiệm một phần cho nguồn gốc khởi nghiệp của Nokia. Được thành lập vào những năm 1860, công ty đã trải qua nhiều lần cải tổ, kinh doanh qua các lĩnh vực như gỗ, ủng cao su và lốp xe, thậm chí cả thủy điện. Nhưng chính dây cáp điện báo đã mang công ty này đến mở chi nhánh ở Oulu, sau đó phát triển để trở thành một tập đoàn được biết đến trên toàn cầu.
"Đây là một sự tiến hóa", Erja Sankari, người từng đứng đầu chi nhánh Oulu của Nokia cho biết. "Chúng tôi đã có một số chuyên gia bậc thầy, những người có ý tưởng về việc sản xuất cáp sẽ phát triển như thế nào, tương lai sẽ ra sao và nơi hữu dụng của các dây cáp trong tương lai."
Thời điểm đó, các nhà nghiên cứu đã làm việc với Nokia để giúp phát triển thiết bị quân sự sử dụng mạng không dây. Theo thời gian, điện thoại vô tuyến dành cho xe hơi và mạng điện thoại dần theo bước, với sự hỗ trợ của các trường địa học và hệ thống bưu chính Phần Lan. "Chúng tôi tình cờ có những bộ não hàng đầu ở đây, những người có tầm nhìn", cô nói.
Trong một vài thập kỷ sau đó, sự chú ý của cả thế giới đã chuyển sang điện thoại di động. Nokia, với nền tảng về thiết bị không dây, nhanh chóng chiếm ưu thế. Năm 1991, hệ thống mạng ở Oulu là nơi thực hiện cuộc gọi điện thoại không dây qua GSM đầu tiên. Hai năm sau, công ty ra mắt chiếc điện thoại di động đầu tiên có thể gửi tin nhắn. Đến năm 2008, công ty đã bán được 40% điện thoại di động của toàn thế giới.
"Khi Nokia còn nhỏ bé, chúng tôi đã muốn nó dẫn đầu thế giới", Mikko Lietsalmi, cựu CEO của công ty chia sẻ. Nokia khi đó đã tiên phong trong nhắn tin văn bản, điện thoại camera và chơi game di động. Trong suốt quá trình này, nó đã biến điện thoại di động từ một thứ xa xỉ mới lạ thành một điều cần thiết tuyệt đối.
Nhưng đó không phải là tất cả những gì mà công ty này đã làm được. Thành công của Nokia đã nâng cao vị thế của Phần Lan, thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia này tăng tới 25% trong suốt một thập kỷ. Oulu nở rộ từ một thị trấn hẻo lánh thành một điểm nóng công nghệ. Đầu những năm 2000, Nokia đã thuê gần 5.000 nhân viên ở Oulu, tương đương khoảng 4% lực lượng lao động toàn cầu, với hơn 2.000 nhà thầu phụ địa phương.
Tuy nhiên đường đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Những rắc rối bắt đầu xuất hiện. Trong khoảng một thập kỷ, bắt đầu từ năm 2005, Nokia đã phải hứng chịu liên tiếp các thất bại. Lietsalmi mô tả sự sụt giảm này giống như việc công ty đã đi quá xa, từ đổi mới tích cực đến một cái gì đó tiếp cận sự tự mãn. Ở vị thế là công ty hàng đầu thế giới về điện thoại di động, nhưng Nokia đã bắt đầu áp dụng các chiến lược bảo thủ.
"Ban lãnh đạo, bao gồm cả bản thân tôi, bắt đầu nghĩ rằng thành công không phải là phát minh ra những thứ mới quá nhiều, mà là về việc quản lý sự tăng trưởng", Lietsalmi nói. "Trong khi đó, các đối thủ ở nước ngoài đang đổi mới với tốc độ điên cuồng."
"Nếu bạn giữ suy nghĩ đó, thì...", ông nói một cách đăm chiêu. "Khi đó, sự tăng trưởng kết thúc, một người khác sẽ đến và phá vỡ thị trường."
Theo ông, Nokia đã phát triển một cách tự mãn, với quan niệm rằng mình đang làm rất tốt ở vị trí dẫn đầu. Nhưng khi đó, các sản phẩm đến từ Trung Quốc rẻ hơn đã đe dọa các sản phẩm cơ bản, chủ chốt. Mặc dù công ty đã cố gắng tạo ra sự đột phá trên điện thoại thông minh với các thiết bị có màn hình cảm ứng như model 7710 ra mắt năm 2004, nhưng những nỗ lực của Nokia đã không thể chiếm được lòng công chúng. Vào năm 2007, khi Apple giới thiệu iPhone, Nokia chỉ đơn giản là hoàn toàn hụt hơi, không thể theo kịp. Ban đầu, mẫu N97 vẫn đủ sức cạnh tranh với iPhone về cả phần cứng lẫn phần mềm, nhưng sau đó hoàn toàn là sự tụt dốc không phanh. Người dùng nhanh chóng thất vọng vì các sản phẩm của hãng công nghệ Phần Lan. Chỉ trong 4 năm, công ty đã mất 75% giá trị thị trường.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 sau đó đã giáng thêm một cú nữa vào Nokia, khiến công ty phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí. Đến cuối năm 2010, công ty tuyên bố họ đã loại bỏ hơn 7.000 trong tổng số 132.000 việc làm trên toàn thế giới, để cắt giảm 1 tỷ euro ngân sách, chỉ trong hai năm.
Lúc này, Microsoft bắt đầu đánh hơi thấy cơ hội xung quanh gã khổng lồ hụt hơi này. Năm 2010, hai công ty đã tuyên bố hợp tác, theo đó, công ty Phần Lan sẽ không còn sử dụng nền tảng Symbian đang gặp khó khăn của riêng mình và thay vào đó nắm lấy phần mềm Windows cho dòng smartphone. Khi đó Symbian và hệ điều hành thế hệ tiếp theo, MeeGo, được cho là không thể cạnh tranh với sự tăng trưởng chóng mặt của Android hoặc iOS. Ba năm sau, Microsoft đã trả 7 tỷ USD tiền mặt để tiếp quản việc kinh doanh dịch vụ và thiết bị của công ty. Quyết định này hóa ra lại là một thảm họa, bởi sau đó Microsoft cuối cùng cũng phải ngừng hoàn toàn việc kinh doanh thiết bị cầm tay của mình.
Đến thời điểm này, Oulu đã trở thành một cứ điểm quan trọng của Nokia, trong nhiều thập kỷ. Các cư dân lâu năm ở đây đã có trình độ nói tiếng Anh vượt xa cả tiêu chuẩn chung của cả Phần Lan (vốn đã rất cao). Nhưng mối quan hệ cộng sinh này dường như đã khiến thành phố dễ bị tổn thương, khi việc kinh doanh điện thoại của Nokia sụp đổ. Năm 2016, với gần 2.000 việc làm bị mất từ Nokia, tỷ lệ thất nghiệp của Oulu đã nhanh chóng tăng lên hơn 16%, gấp đôi mức trung bình cả nước. Hầu như tất cả mọi người đều có anh em họ, vợ chồng hoặc anh chị em đã bị thôi việc tại Nokia, nếu người đó phải là một trong số họ.
Đối với gia đình của Mia Kemppaala, việc sa thải dường như không thể tránh khỏi. Chồng cô, người đã làm việc cho Nokia hơn một thập kỷ, đã sống sót sau 9 vòng sa thải, nhưng đến cuối cùng đành phải từ bỏ vai trò là nhà thiết kế UX cho các thiết bị cầm tay vào tháng 12/2014. 5 tháng trước đó, Nokia đã tuyên bố đóng cửa phòng nghiên cứu và phát triển ở Oulu.
"Bạn chỉ đang chờ đợi nó", cô nói. "Nếu điều này xảy ra thì đó sẽ là bạn."
Ở các thành phố khác, khi mà công ty chủ chốt nhất của nó sụp đổ, cả thị trấn sẽ sụp đổ.
Nhưng Oulu thì khác. Không giống Flint, Michigan hay thành phố anh em Rust Belt. Thay vào đó, như cựu CEO Ala-Mursula, việc sa thải hàng loạt của Nokia giống như hành động thổi lông bồ công anh của một đứa trẻ, đã giải phóng và lan tỏa hai tài nguyên quan trọng nhất của công ty là nhân tài và sở hữu trí tuệ ra khắp các khu vực xung quanh Oulu.
Hệ quả của nó, theo chính quyền thành phố, là chỉ riêng trong năm 2017, Oulu đã trở thành mái nhà mới của 1.175 công ty khởi nghiệp. Rất nhiều trong số đó được thành lập bởi, hoặc sử dụng các kỹ sư tài năng trước đây đã từng nắm quyền trong các bộ phận của Nokia.
Bản thân Nokia, cũng có tác động ngược lại hỗ trợ những nỗ lực này. Sau khi Microsoft tiếp quản mảng kinh doanh thiết bị di động, công ty đã lập ra một chương trình kết nối để giúp các công nhân cũ tìm được việc làm trong các công ty khác. Ý tưởng của nó là cung cấp các hỗ trợ xã hội cho những người đã nghỉ việc từ Nokia, giúp đỡ họ trong quá trình tuyển dụng để tìm được một công việc mới phù hợp và nhanh nhất có thể.
Trong số hàng ngàn người đã tham gia chương trình cầu nối của Nokia, hơn 80% đã tìm được con đường mới, theo Sankari. Một số nhận được sự huấn luyện; những người khác được trao quyền sở hữu trí tuệ của Nokia, để có thể bắt đầu một cái gì đó mới mẻ.
"Đây là truyền thống trách nhiệm quen thuộc của các công ty Bắc u, dù các nỗ lực của Nokia là đặc biệt sâu sắc", Sankari nói thêm. "Thông thường, chương trình cầu nối được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông để mọi người đều có thể biết và tiếp cận. Đây là một hệ thống và di sản của vùng Scandinavia, là việc bạn cần chăm sóc nhân viên của mình để họ có một cuộc sống tốt, ngay cả khi bạn không thể mang nó đến cho họ."
Giống như nhiều nước láng giềng trong khu vực, Phần Lan yêu cầu mức thuế tương đối cao từ các cá nhân và tập đoàn. Để từ đó, chính phủ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho tất cả mọi người, cùng một trong những hệ thống giáo dục công tốt nhất thế giới. Trợ cấp thất nghiệp cũng rất đáng kể. Ví dụ, một gia đình bốn người đủ điều kiện sẽ nhận hỗ trợ nhà ở và có thể nhận được khoản lợi ích lên tới 73% số tiền lương trước đây mà họ được nhận. Do đó, nhiều người Phần Lan thường không ngạc nhiên trước sự hỗ trợ từ chính phủ và các doanh nghiệp.
Tại Oulu, chính quyền địa phương đã hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để thành lập cái gọi là Liên minh Đổi mới Oulu. Qua đó, các thành phố lân cận, các trường đại học và bệnh viện địa phương cùng các nhóm khác trong khu vực sẽ hợp tác với nhau để tạo ra các cơ hội công việc và cải thiện đời sống.
OuluHealth là một trong những dự án được khởi xướng từ liên minh này. Chương trình này nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về sức khỏe trong lĩnh vực kỹ thuật số, dựa trên việc kết hợp các di sản kỹ thuật tín hiệu vô tuyến của thành phố với các nghiên cứu chăm sóc sức khỏe tiên tiến của Đại học Oulu, Bệnh viện Đại học Oulu và các trung tâm nghiên cứu của địa phương khác. Khoảng 50 công ty khởi nghiệp đang tham gia, thực hiện các công trình như cấy ghép xương Implant, hay phát triển công nghệ dùng ánh sáng trong chữa bệnh.
Mới đây, một quỹ khởi nghiệp trị giá 35 triệu euro đã được thành lập bởi thành phố Oulu và quản lý bởi công ty Butterfly Ventures, nhằm khích lệ các công ty khởi nghiệp. Ngoài yếu tố kinh tế, các công ty mới sẽ nhận được ưu đãi giảm thuế cùng nhiều hỗ trợ khác.
Kielo Growth là công ty khởi nghiệp, có trụ sở tại một ngôi nhà gỗ đầy nắng gần "làng công nghệ" phía sau trường đại học Oulu. Đây là một trong những vườn ươm giúp các công ty khởi nghiệp nhỏ phát triển mạnh, thông qua sự kết hợp giữa đầu tư tư nhân và hỗ trợ công cộng. Ở đây, bạn có thể thấy các sản phẩm dành cho tương lai đang được phát triển và thử nghiệm, như mô-đun phòng họp di động, máy làm mì ống điện tử, công nghệ chống trộm nhiên liệu... Nhiều dự án được điều hành hoặc thuê các cựu nhân viên hay nhà thầu phụ trước đây của Nokia.
Và còn một lý do khác khiến Oulu vẫn ở trên đỉnh cao. Đó đơn giản là vì đây vẫn là một nơi tuyệt vời để sống. Thành phố này đạt điểm cao nhất thế giới về chất lượng cuộc sống, với một hệ thống giáo dục tuyệt vời trong mắt các vị phụ huynh, cùng mức độ an toàn an ninh số một. Những người lớn lên từ đây thường chỉ rời đi nếu họ không thể tìm được việc làm theo sở thích nghề nghiệp đã chọn. Trong khi đó, hỗ trợ từ chính quyền và tư nhân giúp bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bắt đầu kinh doanh. Đồng thời, các trường đại học kỹ thuật hàng đầu thế giới ở Oulu vẫn tiếp tục đào tạo ra những người trẻ tài năng với những ý tưởng lớn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Còn với Mia Kemppaala, trong quãng thời gian khó khăn nhất, cô được thuê bởi một công ty từ vườn ươm khởi nghiệp. Và 6 năm đã trôi qua, Kemppaala thừa nhận rằng thật không thể tin được là mọi thứ vẫn tồn tại.
Gần 5 năm kể từ khi những rắc rối tồi tệ nhất xảy ra, giờ đây Nokia có lý do riêng để tôn vinh sự đặc biệt của Oulu.
"Bây giờ, chúng ta lại một lần nữa trong tình huống thực sự cần nhiều tài nguyên hơn", theo Sank Sankari. "Cần thêm nhiều kỹ sư, nhà thiết kế phần mềm, nhà thiết kế phần cứng, nhà thiết kế hệ thống trên chip hơn nữa. Nếu Oulu muốn thành công, nó cần phải phát triển".
Nhưng với tỷ lệ sinh thấp ở Phần Lan, các nhà tuyển dụng như Nokia đang ngày càng phải bươn chải ra nước ngoài để tìm kiếm các nhân sự cần thiết. Sankari hy vọng là những người nhập cư này sau đó có thể bị quyến rũ bởi sự ổn định của thành phố, không khí trong lành, môi trường sạch sẽ, an toàn và sẽ ở lại đây.
Có thể, sức hấp dẫn của Oulu không cao. Nhưng với một hệ thống hỗ trợ cho sự đổi mới "không có đối thủ", nơi đây đã biến thành ngôi nhà hoàn hảo cho các "công nhân công nghệ", những người không bao giờ sợ hãi việc đương đầu với sự mạo hiểm.