Với sự góp mặt của 8 nghệ nhân tài hoa từ Hội An, tác phẩm Hồn thiêng đất Việt từng giành kỷ lục cụm đèn lồng lớn nhất Việt Nam, mang trọn vẹn tinh thần dân tộc và niềm tự hào đất Việt.
Niềm tự hào đất Việt
Anh Võ Hoàng (sinh năm 1984), thành viên đội Hội An Craft chia sẻ tác phẩm Hồn thiêng đất Việt được thi công suốt 3 tháng. Đèn lồng thông thường được làm từ nhiều chất liệu: vải, giấy bóng, mica, giấy Hàn, giấy Nhật... nhưng đội Hội An mang đến chất liệu mới, là giấy làm từ chất liệu địa phương - cây dừa nước Cẩm Thanh (Hội An).
Theo anh Võ Hoàng, Hội An Craft có 2 đơn vị, gồm các nghệ nhân chuyên làm đèn lồng và nhóm chuyên làm giấy (4 người), ê-kíp phải mất 5 năm nghiên cứu mới ra được loại giấy thân thiện với môi trường này thay vì làm đèn lồng từ vải.
"Quan trọng hơn cả, nó tận dụng được tài nguyên từ địa phương. Đèn lồng của Hội An Craft được làm thủ công 100%, từ vật liệu đến quá trình chế tác đèn", anh Hoàng nhấn mạnh.
Anh Võ Hoàng chia sẻ, sản xuất giấy từ vỏ dừa nước cũng giống như nhiều nghề thủ công khác, công đoạn nào cũng làm bằng tay, máy móc chỉ là một phần vô cùng nhỏ. Mỗi tờ giấy được làm thủ công đều giống như một bức tranh.
Nếu tranh bình thường dùng sơn hay chì để thể hiện các màu sáng tối thì giấy dừa nước dùng áp lực nước để tạo sáng tối, rất công phu. Hiện nay, duy nhất đội Hội An Craft tạo ra loại giấy này, sản lượng tạo ra không nhiều. Nếu giấy bình thường, một thợ có thể sản xuất 40 tờ/ngày thì giấy dừa nước, thợ tay nghề cao mỗi ngày cũng chỉ tạo được 5 bức tranh (mỗi tờ giấy là một bức tranh) khổ 1,5m2. Tác phẩm Hồn thiêng đất Việt dùng giấy khổ 1,2mx0,9m, với 10 bức tranh.
Ngọc Anh sinh năm 2005, đến từ Hà Nội, có cả ngày trải nghiệm tại con đường đèn lồng dài hơn 2km tại Lễ hội đèn lồng quốc tế Ocean, bày tỏ: "Tác phẩm Hồn thiêng đất Việt mang vẻ đẹp rất riêng, không chỉ buổi tối lên đèn mới làm mê đắm người xem mà ban ngày cũng rất cuốn hút sự tò mò khám phá nét đẹp truyền thống Việt, nhất là giới trẻ.
Khi không có ánh sáng sẽ thấy rõ bức tranh trên chất liệu giấy, thấy vẻ đẹp mỹ thuật mà thợ thủ công tạo ra. Khi lên đèn sẽ thấy độ nét cao hơn. Tôi ngạc nhiên trước sự sáng tạo của người Việt Nam, vượt trội với các đội bạn khi mà kỹ thuật và truyền thống làm đèn lồng của họ có từ rất lâu đời. Tôi rất kỳ vọng tác phẩm này sẽ được giới thiệu tới công chúng quốc tế để họ hiểu được về nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam".
Nỗ lực gìn giữ sự lấp lánh của ánh sáng đèn lồng
Anh Võ Hoàng từng tốt nghiệp ngành Công nghệ Điện lạnh, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Vì đam mê những chiếc đèn lồng và mong muốn bảo tồn nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại nên anh đã theo đuổi công việc này từ nhiều năm nay.
"Tôi tự hào có thể làm đèn từ vật liệu mới mang đến giá trị mới cho đèn truyền thống để du khách cảm nhận được vẻ đẹp hoàn mỹ và nghệ thuật ánh sáng lung linh huyền bí. Tôi kỳ vọng nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tiếp tục phát triển, trường tồn, chứng minh tay nghề của nghệ nhân không thua kém các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam", anh Hoàng bày tỏ.
Ông Young Soo, Seo - Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật Jinju Hàn Quốc đánh giá rất cao tay nghề của các nghệ nhân Việt Nam: "Thông qua những tác phẩm, tôi hiểu thêm về văn hóa và truyền thống của Việt Nam. Tôi tin rằng, tương lai văn hóa đèn lồng của Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa.
Một đơn vị tư nhân tổ chức cuộc thi đèn lồng qua đó có thể thấy rằng, mỗi người dân trên dải đất hình chữ S đều đang tích cực trong việc truyền bá văn hóa của mình tới khách du lịch".
Tác phẩm Hồn thiêng đất Việt đang được trưng bày để du khách trải nghiệm tại Lễ hội đèn lồng quốc tế Ocean (Ocean International Lantern Festival) kéo dài tới 6/3 tại Ocean City.
Ảnh: NVCC