Ông Trương Đặng Long (TPHCM) sinh ngày 27/9/1973, đóng BHXH từ tháng 8/1998, đến tháng 7/2014 kết thúc hợp đồng do công ty không sắp xếp được công việc. Ông đóng BHXH tự nguyện từ tháng 7/2015 đến nay. Ông Long hỏi, ông phải đóng BHXH thêm bao nhiêu thời gian nữa thì được hưởng chế độ?
Ông có được đóng BHXH luôn một lần không và thủ tục thế nào? Sau khi ông đóng đủ BHXH thì phải liên hệ cơ quan nào để được hưởng lương hưu?
Về vấn đề này, BHXH TPHCM trả lời như sau:
Luật BHXH quy định người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Như vậy, để được hưởng lương hưu thì ông phải đóng BHXH từ đủ 20 năm và đủ 60 tuổi.
Theo thông tin ông cung cấp, ông có tổng thời gian đóng BHXH là 18 năm 6 tháng (đóng BHXH bắt buộc từ 8/1998 đến tháng 7/2014 là 16 năm và thời gian đóng BHXH tự nguyện từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2017 là 2 năm 6 tháng). Ông cần phải đóng BHXH (theo hình thức tự nguyện hoặc theo hình thức bắt buộc) ít nhất là 1 năm 6 tháng nữa thì đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Việc đóng BHXH tự nguyện có thể chọn theo phương thức đóng hàng tháng, hàng quý, 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần.
Phương thức đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu áp dụng đối với người đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm. Trường hợp của ông chưa đủ điều kiện về tuổi đời (60 tuổi) nên không thuộc đối tượng đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu (tuổi và thời gian đóng BHXH) ông liên hệ cơ quan BHXH nơi cư trú để được hướng dẫn về thủ tục và nộp hồ sơ hưu trí.
(Theo Chinhphu.vn)