Kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tăng thêm 2.000 sinh viên mới cho các trường y từ năm 2025 dường như đã gây ra chia rẽ giữa các bác sĩ. Trong khi thông báo này nhận phản ứng lạnh lùng từ nhóm bác sĩ lớn nhất đất nước thì các giáo sư y khoa lại sẵn sàng nói chuyện với chính phủ.
Theo Korea Herald, Ủy ban khẩn cấp của các giáo sư từ 20 trường y cho biết họ sẽ xem xét lại việc gửi đơn từ chức nếu chính phủ tạo không gian cho các cuộc đàm phán và rút lại việc đình chỉ giấy phép của những bác sĩ thực tập đã rời bỏ nơi làm việc của họ.
Các giáo sư y khoa tại Đại học Quốc gia Seoul và Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul bày tỏ hy vọng có thể đàm phán với chính phủ, đồng thời cho biết vẫn còn cách để giải quyết vấn đề.
Ủy ban khẩn cấp của các giáo sư y khoa tại Đại học Yonsei ngày 22/3 cảnh báo các giáo sư không có lý do gì để ở lại vị trí của mình khi không có sinh viên và bác sĩ cấp dưới. “Nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn, người dân sẽ gặp khó khăn hơn nhiều khi muốn gặp bác sĩ trong các lĩnh vực thiết yếu”, thông báo nêu rõ.
Thứ trưởng Y tế Park Min-soo hoan nghênh kế hoạch của các giáo sư y khoa trong cuộc họp báo ngày 22/3, nói rằng chính phủ luôn sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi, bất kể ngày hoặc địa điểm để nói chuyện với họ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho đã gặp hiệu trưởng của 40 trường y, kêu gọi sinh viên quay trở lại lớp học và các giáo sư hạn chế nộp đơn từ chức hàng loạt.
Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) - liên minh các nhóm bác sĩ lớn nhất đất nước với khoảng 140.000 thành viên - đã đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ chiến đấu đến cùng: “Công chúng biết rằng các bác sĩ đang phản kháng để cứu hệ thống chăm sóc sức khỏe chứ không phải vì những bất bình của họ”.
Ngày 21/3, Kim Sung-geun, Phó phát ngôn viên của Ủy ban khẩn cấp KMA, cho biết KMA sẽ làm mọi cách để bảo vệ hệ thống y tế của đất nước. Ông cũng ám chỉ rằng các bác sĩ, bao gồm cả lực lượng tư nhân, có thể đình công toàn diện. Ông Kim là bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa tại Bệnh viện Yeouido St. Mary, giáo sư y khoa tại Đại học Công giáo Hàn Quốc.
“Cuộc bầu cử Chủ tịch KMA kết thúc vào ngày 22/3, vì vậy mọi việc sẽ được ổn định. Các bệnh viện đa khoa và đại học đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất (do các bác sĩ cấp dưới đình công). Nhưng nếu các bác sĩ tư nhân cũng tham gia, điều đó có nghĩa hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước sẽ sụp đổ”, ông Kim nói với các phóng viên.