Ngay sau khi Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu và thời gian điều chỉnh giá, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã đồng loạt tăng giá bán với mức giá tương đương nhau.


Các chuyên gia kinh tế cho rằng quyết định của Bộ Tài chính sẽ tạo ra lỗ hổng trên thị trường xăng dầu theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, việc cho doanh nghiệp được tự quyết giá là động thái quá khó hiểu khi thị trường xăng dầu vẫn còn độc quyền, hoàn toàn chưa có sự cạnh tranh đúng nghĩa.

Đục nước béo cò!

Bằng chứng là sau khi được quyền tự quyết thời gian điều chỉnh và mức giá bán lẻ, các doanh nghiệp đã đồng loạt tăng 400 đồng/lít, kg đối với ba mặt hàng chính là xăng, dầu DO và dầu FO, thay vì mỗi doanh nghiệp có mức tăng khác nhau căn cứ vào chênh lệch đầu vào và đầu ra của mình. Thời điểm tăng giá bán cũng được các doanh nghiệp áp dụng khá nhịp nhàng, đồng loạt lúc 22g tối 20-7.

Một chuyên gia cho rằng nếu việc cho quyền tự quyết giá bán để tạo ra sự cạnh tranh giá giữa các doanh nghiệp thì sẽ không đạt được mục tiêu. Bởi ngay lần tăng giá đầu tiên, các doanh nghiệp đã “đồng thanh tương ứng” về thời điểm và mức giá tăng. Một số ý kiến cho rằng cách điều hành này sẽ tạo ra “vũng nước đục” và “con cò” ở đây là doanh nghiệp vì người dân không đủ dữ liệu để giám sát việc tăng giá có hợp lý hay không, biện pháp chế tài khi tăng giá không hợp lý cũng không được nhắc tới.

Theo Bộ Tài chính, việc cho các doanh nghiệp tự quyết và đăng ký giá bán trong biên độ cho phép theo quy định của nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là phù hợp. Cụ thể, nghị định 84 cho phép thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn, việc điều chỉnh giá bán lẻ (trong trường hợp tăng giá) được thực hiện theo nguyên tắc giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày. Trường hợp giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng...

Sau khi được tự quyết giá và thời gian điều chỉnh giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã đồng loạt tăng 400 đồng/lít đối với ba mặt hàng xăng, dầu DO và dầu FO

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nghị định 84 có một số quy định bất cập dù đã được đề xuất sửa đổi nhiều lần. Đó là đề xuất thay đổi công thức tính giá cơ sở từ trung bình 30 ngày xuống còn 10 ngày để giá trong nước tiến sát giá thế giới. Việc duy trì công thức tính như trong nghị định 84 khiến giá bán lẻ trong nước không theo được giá thế giới, sự cạnh tranh giá bán giữa các đầu mối xăng dầu cũng khó xảy ra.

Thả nổi giá cho độc quyền

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, khi chưa có cạnh tranh đầy đủ trên thị trường và đặc biệt sự minh bạch về giá bán vẫn là “dấu hỏi lớn” thì không thể cho cơ chế được tự do định giá theo thị trường. Trên thực tế, dù đang có 13 đầu mối nhập khẩu nhưng thị phần lại nằm trong tay 2-3 doanh nghiệp lớn. Chỉ riêng Tập đoàn Xăng dầu VN, Tổng công ty dầu VN và Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec đã chiếm hơn 90% thị phần.

Theo ông Ngô Trí Long, Luật quản lý giá đã quy định những sản phẩm độc quyền nhà nước phải quyết định giá. Thị trường xăng dầu chưa bao giờ có cạnh tranh. Một doanh nghiệp đang chiếm lĩnh thị phần quá lớn, như vậy là độc quyền. “Các nước trên thế giới đều chỉ cho doanh nghiệp được tự quyết giá bán khi thị trường đã thật sự có cạnh tranh. Tự do hóa giá cả không có nghĩa là thả nổi” - ông Long nói.

Vì thế, ông Long cho rằng việc điều hành giá xăng dầu như hiện nay là trái với Luật quản lý giá. “Luật giá không đi vào cuộc sống chính bởi cơ quan nhà nước đã không thực hiện đầy đủ” - ông Long nhấn mạnh. Theo ông Long, đáng ra phải giải quyết cái gốc bất hợp lý trên thị trường xăng dầu hiện nay là tăng tính cạnh tranh thì cơ quan nhà nước lại chỉ làm phần ngọn. Trong khi đó, việc cho doanh nghiệp tự quyết giá nhưng vẫn làm theo giá cơ sở trung bình 30 ngày thì không thể có giá tiến sát theo giá thị trường thế giới. Thay vào đó, Nhà nước vẫn cần phải định giá, nhưng định giá sát với giá thị trường bằng cách rút ngắn thời gian tính giá cơ sở sẽ hợp lý hơn cách điều hành nửa vời hiện nay.

Làm rồi ngưng, rồi lại làm

Thời điểm nghị định 84 mới có hiệu lực thi hành (tháng 12-2009), các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã được tự điều chỉnh tăng/giảm giá bán. Tuy nhiên, chỉ thực hiện được ba tháng, giới kinh doanh xăng dầu đã thừa nhận quy định trên bộc lộ nhiều bất cập, không có cạnh tranh giá bán giữa các doanh nghiệp như mong đợi, hơn nữa lại phải thực hiện bình ổn giá do giá thế giới có nhiều biến động nên Bộ Tài chính đã phải quyết định không cho doanh nghiệp được tự quyết giá bán.

Đến cuối tháng 6-2012, Bộ Tài chính phát đi thông báo doanh nghiệp được đăng ký giá bán. Đầu tháng 7-2012, khi các doanh nghiệp đăng ký, bộ đã tính toán, đưa ra quyết định mức giảm giá và thời điểm giảm cụ thể. Tuy nhiên, lần gần nhất là ngày 20-7, bộ đã cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về quyết định giá và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.Diễn biến trên cho thấy vòng luẩn quẩn trong cách điều hành giá xăng dầu.


(Theo Tuổi trẻ)