Ông Robert Mugabe đã lãnh đạo Zimbabwe gần 4 thập niên liên tục nhưng phải nếm trải cú ngã ngựa của chính mình chỉ trong vòng 10 ngày.
Quân đội Zimbabwe hiện đang quản thúc ông Mugabe tại gia, sau khi chiếm quyền kiểm soát thủ đô Harare cùng nhiều địa điểm then chốt. Thực tế đó khiến nhiều người nghĩ đến một cuộc đảo chính chấm dứt quyền lực của vị Tổng thống cao tuổi dù quân đội phủ nhận điều này.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. (Ảnh: Reuters) |
Theo hãng tin Mỹ CNN, đứng sau cuộc khủng hoảng hiện nay ở Zimbabwe không phải là những người ủng hộ phe đối lập, mà chính là những đồng minh lâu năm của ông Mugabe. Họ và ông Mugabe đã trải qua nhiều năm trời tranh cãi gay gắt về người sẽ là tổng thống kế nhiệm.
Quyết định gây sốc của ông Mugabe
Cách đây 10 ngày, ông Mugabe sa thải Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa đầy quyền lực vốn được cho là sẽ lên thay ông. Quyết định này đã gây bất ngờ cho toàn Zimbabwe về thời điểm, ngay trước thềm cuộc bầu cử năm tới.
Điều đó tiếp sức cho những đồn đoán rằng, ông Mugabe đang cố dọn đường cho vợ mình là bà Grace lên tiếp quản quyền lực trong trong trường hợp ông nghỉ hưu hoặc qua đời.
Điều đó cũng khơi mào cho một loạt sự kiện trong nội bộ đảng của Tổng thống, mà đỉnh điểm là hôm qua (15/11) khi phát ngôn viên quân đội lên truyền hình quốc gia thông báo, lực lượng này đã tiến hành một chiến dịch nhắm tới "những tên tội phạm" cận kề với Tổng thống đã gây ra "sự khốn khổ về xã hội và kinh tế".
Cùng lúc đó, binh lính vũ trang và xe tăng tuần tra khắp các tuyến đường ở thủ đô trong khi quân đội chiếm giữ một số địa điểm then chốt.
Quyết định sa thải Phó tổng thống của ông Mugabe là giọt nước làm tràn ly đối với các nhân vật quyền lực trong đảng ZANU-PF cầm quyền vì nhiều người ủng hộ ông Mnangagwa.
Truyền thông quốc gia đưa tin liên tục về sự mâu thuẫn công khai giữa vị Phó tổng thống và Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. David Coltart, một cựu bộ trưởng Nội các Zimbabwe, cho biết ông Robert Mugabe nổi tiếng chuyên cắt đứt quan hệ với các đồng minh nhưng quyết định của sa thải ông Mnangagwa là cú giáng cuối cùng.
"Ông Mugabe đã chứng tỏ cho sự nhạy bén chính trị trong nhiều năm nhưng đây là một hành động dại dột", ông nói.
"Gucci Grace"
Bà Grace Mugabe. (Ảnh: Reuters) |
Sự chỉ trích nhằm vào bà Grace Mugabe, 52 tuổi, chủ yếu bắt nguồn từ vị trí của bà như một người ngoài cuộc. Bà bị cáo buộc tiêu pha phung phí – những cuộc đi chơi mua sắm phóng tay vốn khiến bà có biệt danh "Gucci Grace" - và thủ đoạn chính trị đã biến bà thành một nhân vật phân cực.
Đệ nhất phu nhân Zimbabwe trở thành lãnh đạo hội phụ nữ trong đảng cầm quyền cách đây ít năm, dẫn tới đồn đoán bà sẽ kế nhiệm chồng mình.
Bà Grace cũng thường xuất hiện trong một số bài báo tiêu cực, trong đó có vụ mà bà được cho là đã tấn công bạo lực một người mẫu Nam Phi ở Johannesburg trong năm nay. Bà phủ nhận các cáo buộc nhưng được miễn trừ ngoại giao trước khi phải ra tòa.
Ông Mnangagwa đi trốn
Khi quân đội giành quyền kiểm soát thủ đô Harare ngày 15/11, Tổng thống Mugabe bị quản thúc tại gia còn nơi ở của Mnangagwa vẫn chưa rõ. Ông đã đi trốn kể từ khi bị sa thải tuần trước, nảy sinh tin đồn ông đang âm mưu lật đổ ông Mugabe.
Bà Grace Mugabe và Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa hồi tháng 2/2016. (Ảnh: Reuters) |
Trong thông cáo mà một phát ngôn của chính phủ đưa ra, ông Mugabe cáo buộc Phó tổng thống "bất trung, bất kính, bất tín và lừa đảo".
Tuy nhiên, ông Mnangagwa không phải là một gương mặt mới. Ông vốn có biệt danh là "Cá sấu" do cũng có một bề dày chính trị lâu năm, từ những tháng ngày đấu tranh giành độc lập cho Zimbabwe. Ông còn là cánh tay phải của ông Mugabe trong nhiều năm, lúc đầu là trợ lý trong cuộc chiến giành độc lập, sau đó là chỉ huy tình báo và bộ trưởng nội các.
Quyền lực của ông Mugabe
Ông Robert Mugabe đã lãnh đạo Zimbabwe 37 năm. Ông tiến đến quyền lực từ vị trí Thủ tướng thứ nhất của đất nước vào năm 1980.
Dưới sự lãnh đạo của ông Mugabe, sự thịnh vượng kinh tế của Zimbabwe bị suy giảm. Một chương trình tịch thu đất từ các nông dân da trắng đã để lại hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội. Siêu lạm phát bùng nổ, và đất nước buộc phải bỏ đồng nội tệ, chuyển sang dùng đôla Mỹ.
Gần đây, chính phủ Zimbabwe không làm được gì để giảm bớt tác động của hạn hán kéo dài, khiến cho hàng triệu người rơi vào cảnh thiếu đói.
Ông Mugabe nắm giữ quyền lực lâu hơn bất kỳ một nhà lãnh đạo nào ở châu Phi. Ông cũng là nguyên thủ cao tuổi nhất thế giới.
Mới đây, ông Mugabe cho biết kế hoạch ra tranh cử năm 2018, thậm chí tuyên bố "chỉ có Chúa" mới có thể phế truất ông.
Cũng giống như người vợ Grace Mugabe, Tổng thống Zimbabwe bị chỉ trích vì lối sống xa hoa. Năm ngoái, ông tổ chức một bữa tiệc sinh nhật hoành tráng ở một vùng đang bị hạn hán và thiếu lương thực nặng nề, chi tới 800.000 USD cho sự kiện này.
Thanh Hảo
Thế giới 24h: Quân đội kiểm soát Zimbabwe, Tổng thống bị 'quản thúc tại gia'
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cho biết, quân đội Zimbabwe hiện đang quản thúc tại gia vợ chồng Tổng thống Robert Mugabe tại thủ đô Harare.
Quân đội Zimbabwe chiếm đài truyền hình, rộ tin đảo chính
Sau khi chiếm quyền kiểm soát hãng truyền thông quốc gia ZBC sáng nay (15/11), quân đội Zimbabwe ra thông cáo khẳng định họ chỉ "hành động nhắm vào tội phạm".
Bí ẩn bên trong ngôi làng cấm cửa đàn ông
Umoja là ngôi làng đặc biệt ở Kenya, với cư dân chỉ toàn là phụ nữ và trẻ em. Ở đây, đàn ông bị cấm cửa.
Chiến lược gia 'hậu trường' giúp Trung Quốc trỗi dậy
Ông Vương Hộ Ninh đã từng bước thăng tiến vững vàng trên chính trường Trung Quốc.
Đâm xe kinh hoàng trên đường cao tốc TQ, hàng chục người thương vong
Trên đường cao tốc G63 thuộc địa phận Phụ Dương, An Huy đã xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc: hơn 30 xe ô tô đâm nhau liên hoàn gây nên nhiều vụ cháy nổ dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản.