Clip: Toàn bộ cuộc trò chuyện với GS Thuyết
Nhà báo Hà Sơn: Thưa GS, chắc thầy phải có một tuổi thơ khá êm đềm?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi có một tuổi thơ hạnh phúc vì có đầy đủ bố mẹ, anh chị em khá đông mọi người rất thương yêu nhau. Tuy nhiên, tuổi thơ tôi cũng gian khổ vì lúc ấy cả nước nghèo. Bản thân tôi cũng phải lao động từ bé, 7-8 tuổi đã phải đi bán báo, bán lạc luộc trên tàu điện; lên lớp 8 đi cạo sắt cầu; lớp 9 cắt cỏ ở nông trường Ba Vì, thậm chí đi làm khuân vác.
Có lẽ vì khuân vác nặng nên tôi không được cao như bố mẹ. Cho đến khi tôi vào đại học thì chiến tranh xảy ra nên phải đi sơ tán; gánh gạo, vác củi luồn rừng là chuyện hằng ngày. Có thể nói tuổi thơ tôi không bằng phẳng nhưng lúc ấy cả nước như vậy nên chuyện của tôi cũng hết sức bình thường.
Nhà báo Hà Sơn: Từ thời tiểu học cho đến THCS, THPT, lực học của thầy ra sao?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đánh giá khách quan thì tôi không phải học sinh giỏi, chỉ khá thôi, dù cuối cấp THCS và cuối cấp THPT tôi luôn tham gia cả đội tuyển học sinh giỏi Văn lẫn đội tuyển học sinh giỏi Toán. Về Văn, tôi được giải khuyến khích toàn miền Bắc còn về Toán tôi chỉ vào được kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Lúc đó có ba hạng học sinh tiên tiến. A1 cực kỳ hiếm, A2 lớp tôi trong rất nhiều năm chỉ có 2 người, tôi thường chỉ xếp loại A3 thôi, thỉnh thoảng mới được A2.
Nhà báo Hà Sơn: Là thầy giáo, thầy có nhiều học trò và những người thầy đã dạy mình. Vậy người thầy nào ảnh hưởng đến thầy trong cuộc sống và học trò nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho thầy?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Người thầy đầu tiên ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi chính là bố tôi. Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều ở cụ ở tính nghiêm túc, tình yêu lao động và lòng nhân hậu. Cơ quan bố tôi làm việc 7h30 nhưng bao giờ cụ cũng đánh thức chúng tôi dậy từ 4h30', phân công mỗi người một việc, người quét nhà, người rửa chén, người nấu cơm, người đi chợ. Ăn uống xong xuôi mới hơn 6 h cụ đã dắt xe đi làm. Nhiều khi tôi hỏi: “Sao 7h30 mới làm mà bố đi sớm thế?” Bố tôi nói: "Nghề của bố mà chỉ đi đúng giờ thì làm sao được việc!". Vì bố tôi lúc ấy là phó trưởng phòng hành chính - quản trị - tài vụ ở Tòa án nhân dân tối cao. Cụ phải đến cơ quan sớm để cắt đặt xe cộ, công việc.
Tôi nhớ lúc ấy nhà tôi nghèo, nhưng chia ra 30 ngày trong tháng đều có khách ăn cơm.Họ hàng về Hà Nội học hành, chữa bệnh, làm việc á túc ở nhà tôi đã đành. Bạn bè tôi, ba bốn người còn ở nhà cả nửa năm làm luận văn tốt nghiệp. Thời gian gia đình tôi sơ tán trong Hà Tây, mỗi lần bố tôi đi về đều có quà cho tất cả trẻ con trong xóm, đôi khi chỉ là cái kẹo vừng nhỏ...
Ở mỗi cấp học, đều có một người thầy ảnh hưởng đến tôi. Hồi học tiểu học, hình ảnh tận tình của thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Đăng Hịch đến giờ tôi vẫn không quên được. Hồi ấy, tôi bị ốm một tháng, phải nằm bệnh viện. Khi tôi ra viện, thầy bảo: “Con chịu khó lên nhà thầy dạy cho.” Hằng ngày, tôi đi bộ từ nhà ở phố Hàng Lược đến phố Nguyễn Biểu để thầy dạy cho. Sự giúp đỡ của thầy rất vô tư, chứ không phải dạy thêm như bây giờ.
Ở cấp 2 và cấp 3, người ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi là cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Yến. Do một sự may mắn nào đó, chúng tôi được học cô từ lớp 6 đến lớp 10. Chúng tôi yêu quý cô và coi như người mẹ. Bây giờ cô mất rồi, nhưng khi còn cô, hằng năm cứ dịp 20/11, lớp chúng tôi lại kéo đến nhà để chúc mừng và nói chuyện với cô. Cô là một người trong sạch, công bằng và nâng đỡ chúng tôi.
Ở đại học và sau đại học, tôi may mắn được học GS Nguyễn Tài Cẩn và GS Panfilov. Hai thầy là những người ảnh hưởng lớn nhất đến tư duy khoa học và sự nghiệp của tôi.
Còn về các học trò cũ, tôi vẫn luôn tự hào về các bạn ấy. Trong nhiều người thành đạt có GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, hiện là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, và PGS.TS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP thuộc ĐH Thái Nguyên.
Có phải vì nhận được rất nhiều tình yêu của những người thầy cũ nên ông quyết tâm trở thành thầy giáo?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đến với nghề thầy giáo khá ngẫu nhiên, chứ khi còn trẻ không thích làm thầy giáo. Chị ruột tôi học trung cấp sư phạm ra dạy học khiến tôi tò mò hỏi rất nhiều vì sao lại thích dạy học. Sau này, đến lúc tôi vào trường đại học, thấy thầy giáo đại học rất hay. Sau khi tốt nghiệp, thanh niên ngày đó đều làm đơn xung phong đi bất kỳ nơi đâu tổ quốc cần đến.
Tôi được tổ chức phân công lên dạy ở Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc, bây giờ là Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên . Như vậy, có thể nói tôi bước vào nghề thầy giáo không phải do mong muốn mà do tổ chức phân công. Nhưng tôi nghĩ nếu có kiếp sau phải chọn lại nghề tôi vẫn chọn làm thầy giáo.
Nhà báo Hà Sơn: Những năm tháng đi dạy học, điều gì thấm thía nhất với ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Người ta thường nói nhận cái gì lại trả cái đấy. Có lẽ những điều tốt tôi học được ở trong quá trình đi học, rồi những ân đức của các thầy cô đã ngấm vào máu thành ra một cách ứng xử rất tự nhiên. Tôi nghĩ đấy là điều may mắn và thấm thía nhất trong quãng đời dạy học. Mình thương học trò bằng cách tận tình giúp đỡ các em. Chấm bài, tôi chấm kỹ lắm; từng ý một đều có nhận xét đàng hoàng, chứ không bao giờ chỉ cho điểm là xong đâu.
Nhiều học trò bây giờ vẫn giữ ấn tượng vì năm thứ nhất học môn Tiếng Việt thực hành với tôi. Là môn thực hành nên tôi dạy kỹ đến nỗi học trò bảo: "Bây giờ em viết được là nhờ có thầy”. Tôi rất vui mừng là mình đã hoàn thành nhiệm vụ của người thầy giáo ngay từ những ngày đầu bước chân lên bục giảng, được sinh viên yêu mến, đánh giá cao về cách ứng xử cũng như về chuyên môn.
Thưa GS, người ta biết đến ông qua hai vai trò, thứ nhất là một nhà khoa học, thứ hai là một người viết sách giáo khoa, là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông. Nếu nhìn nhận ở vai trò thứ hai tức là trong vai trò viết sách và làm chương trình, GS thấy hài lòng đã làm được những gì?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã có cơ hội dạy ở cả ĐH Sư phạm lẫn ĐH Tổng hợp, dạy ở cả miền núi lẫn thủ đô, dạy cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài. Trong thời gian ở Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, hằng ngày, tôi phải đi dự giờ ở trường phổ thông để hướng dẫn cho giáo viên. Tôi cũng là người viết đủ loại sách, từ tiểu học cho đến lớp 12, giáo trình đại học, sách cho nghiên cứu sinh,...
Nhưng trong các loại sách, viết sách giáo khoa phổ thông là khó nhất, vì phải dạy cho học sinh những kiến thức chính xác nhưng giản dị để làm sao những kiến thức ấy không bị quá tải và có ích với học sinh. Thứ hai là sách đại học giỏi lắm vài trăm người đọc. Sinh viên của mình đọc, đồng nghiệp của mình đọc. Họ cũng là người trong ngành nên hiểu hết, kể cả những điều mình nói chưa đầy đủ người ta cũng hiểu đủ. Còn viết sách giáo khoa phổ thông là cực khó bởi vì có 90 triệu con mắt soi vào.
Tuy nhiên, tôi may mắn làm việc với những đồng nghiệp ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - những người rất chuyên nghiệp. Họ đọc và tranh luận với tôi rất nhiều. Tôi nghĩ đây là bộ sách được đánh giá tốt và cũng là điều mình tự hào vì hoàn thành được việc của mình.
Nhà báo Hà Sơn: Nhiều năm qua giáo dục luôn là vấn đề nóng, đảm nhận công việc làm sách giáo khoa chắc chắn GS không tránh khỏi những áp lực?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Vâng, áp lực lớn nhất là làm sao cho công việc có chất lượng. Trong thời gian tôi làm sách giáo khoa đã phải vắt kiệt sức, trong thời gian làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, tôi còn phải nỗ lực hơn nhiều vì phải bao quát toàn bộ chương trình của các môn học ở các cấp học. Tôi đã phải đọc từng chữ trong chương trình của từng môn học, kể cả các môn không phải chuyên môn của mình để góp ý với tác giả. Vì áp lực công việc nên có thời gian nhiều đêm gần như không ngủ.
Áp lực thứ hai là từ dư luận. Từ mong muốn, chỉ trích của những người chưa hiểu, thậm chí của những người không có thiện chí. Tôi cho rằng áp lực này nhẹ hơn. Nhưng trước ý kiến chưa đồng tình, mình phải bình tĩnh phân tích xem có sai không, nếu sai thì ở đâu, mức độ thế nào, phương hướng sửa chữa ra sao. Tôi đã nhiều lần giải thích với anh em biên soạn sách và chương trình: Mình làm giáo dục giống như làm gia sư, chủ nhà người ta bảo phải là phải, trái là trái. Mình không chịu được thì đi chỗ khác, chứ không thể nổi nóng cãi lại. Giả sử người ta có nói quá lời, đấy là do xót con người ta”.
Giáo sư có thể chia sẻ nguyên do mình được bầu làm đại biểu Quốc hội? Cảm xúc của ông khi lần đầu ngồi trong Hội trường Ba Đình trực tiếp tham gia quyết định nhiều công việc hệ trọng của đất nước?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Có thể nói cả hai việc tôi làm mà mọi người cho là thành công đều đến rất ngẫu nhiên. Chuyện làm đại biểu Quốc hội đầu đuôi thế này: Một lần tôi đang ngồi làm việc ở trường thì anh Võ Đăng Thiên, thư ký của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự, gọi điện nói: "Anh Cự duyệt danh sách giới thiệu tham gia Thường trực Ủy ban khóa 11 thấy toàn dân khoa học kỹ thuật, không thấy dân khoa học xã hội nhân văn. Anh Cự yêu cầu chúng tôi phải tìm một người cấp bậc từ hiệu phó, viện phó, vụ phó trở lên bên khoa học xã hội nhân văn. Sẽ có công văn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi về trường để lấy anh đấy.” Chắc cả Hà Nội có mỗi trường tôi tên là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nên bộ phận tổ chức của Quốc hội chấm luôn? Mới đầu tôi cũng sợ lắm.
Thú thật là tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm một nhà chính trị. Thứ hai, tôi lo công việc của Quốc hội to lớn, làm sao mình làm nổi. Tôi nói với anh Thiên: Chắc tôi không làm được đâu. Anh nói cái này Ủy ban Thường vụ thông qua rồi, không chối được đâu.
Khi bước chân vào Hội trường Ba Đình để họp Quốc hội, cảm giác của tôi vừa vinh dự, vừa choáng ngợp. Vì mình là 1 trong 500 người đại diện cho dân để quyết định những vấn đề to lớn nhất của đất nước thì quá vinh dự, không phải ai cũng được lọt vào danh sách ấy. Nhưng ngoài thời gian họp, về đến phòng làm việc, thấy nó khác hẳn không khí sôi nổi ở trường. Tôi tự nhủ: “Không được để phí thời gian.”
Không ít ý kiến thẳng thắn đề cập đến cả trách nhiệm của Chính phủ, thậm chí là Thủ tướng Chính phủ đã được GS nêu khi còn làm đại biểu Quốc hội. Điều lớn lao nhất thúc giục ông phải lên tiếng một cách không ngại đụng chạm đó là gì?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tất cả là xuất phát từ trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm với cử tri của mình. Tôi nhớ lần đi vận động bầu cử ở Lạng Sơn, có một bác phát biểu: "Cả khóa 10 tôi theo dõi tivi không thấy đoàn đại biểu của mình ai phát biểu, không thấy đoàn mình ngồi đâu trong khi các đoàn khác đại biểu xuất hiện rất nhiều. Tôi rất mừng lần này có đồng chí Thuyết là giáo sư ứng cử. Đề nghị đồng chí nếu trúng cử thì làm thế nào để như GS Nguyễn Lân Dũng ấy, tức là tham gia tích cực vào các công việc của Quốc hội.
Tôi có trả lời bác rằng vì không có vinh dự làm đại biểu khóa 10 nên không biết hoạt động đoàn mình cụ thể ra sao, nhưng tôi được biết ý kiến phát biểu bằng văn bản hay bằng miệng, ý kiến phát biểu ở họp tổ hay ở hội trường đều được đánh giá như nhau. Báo chí người ta có thể phản ánh ý kiến đại biểu nhưng không hết được, vì vậy việc đoàn đại biểu khóa 10 hoạt động thế nào để các vị hiểu biết hơn giải trình. Còn tôi xin cam kết với các cử tri nếu được bầu vào Quốc hội sẽ tích cực tham gia mọi hoạt động của Quốc hội, tăng cường tiếp xúc để lấy ý kiến báo cáo với Quốc hội và sẽ không ngần ngại gánh vác những trách nhiệm chung.
Nhà báo Hà Sơn: Kỷ niệm đáng nhớ và day dứt nhất đối với GS trong 10 năm làm đại biểu Quốc hội?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Kỷ niệm thì nhiều lắm, có kỷ niệm ở nghị trường, có kỷ niệm khi tiếp xúc cử tri. Có lẽ tôi xin kể một kỷ niệm với các nhà báo. Đó là vào giữa khóa 11, Quốc hội có chất vấn Bộ trưởng Công an, tôi đứng lên chất vấn Bộ trưởng về một doanh nghiệp trong ngành. Khi tôi chất vấn đến lần thứ 2, Bộ trưởng thừa nhận doanh nghiệp đó có vi phạm và sẽ xử lý. Khi tôi ra nghỉ giải lao, các nhà báo xúm lại hỏi đang chất vấn hay như thế sao tôi không truy vấn tiếp? Tôi giải thích một cách mộc mạc: "Cũng giống như mình đi chấm luận án tiến sĩ, hỏi đủ để chấm điểm thì thôi chứ” Sau đó, có tờ báo giật tít: "Là nhà giáo, tôi chỉ hỏi đủ để chấm điểm".
Tôi không biết do phản ứng từ cấp nào nhưng đến cuối buổi chất vấn, lúc đó vẫn đang truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ngồi trên Đoàn chủ tịch giơ tờ báo lên và nói: "Hôm nay báo có đăng ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Là nhà giáo, tôi chỉ hỏi đủ để chấm điểm''. Không biết tại sao đại biểu nói như vậy? Chất vấn là để xây dựng, để thúc đẩy công việc, tại sao lại nói là để chấm điểm.” Quả thực, lúc đó ở ta chưa ai dám dùng từ “chấm điểm” với Bộ trưởng. Tôi ngồi trong hội trường đưa biển số và được mời phát biểu. Tôi nói: "Thưa Chủ tịch và Quốc hội, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an 2 lần, nội dung chất vấn như thế nào Quốc hội cũng đã biết. Trong giờ giải lao, anh em báo chí hỏi và tôi có nói vậy. Tôi nhất trí với Chủ tịch mục đích chất vấn là để thúc đẩy, phát triển công việc nhưng tôi hiểu chất vấn đồng thời cũng là dịp để người dân chấm điểm Bộ trưởng của mình".
Ngay khi tôi về đến nhà, nhà báo có bài viết gọi điện nói: "Anh ơi, hôm nay cả tòa soạn của em từ Tổng biên tập trở đi đều nín thở nghe anh trả lời. Anh mà phủ nhận thì chết bọn em”. Tôi cười, bảo: “Sao phủ nhận được? Tôi có nói như thế mà”.
Còn điều day dứt trong thời gian làm đại biểu thì đáng day dứt nhất là mình chưa làm được nhiều việc đặc biệt chưa đáp ứng được nhiều nguyện vọng cử tri gửi gắm. Trong 9 năm làm đại biểu Quốc hội, tôi chỉ giúp giải quyết được 2-3 trường hợp khiếu nại của cử tri. Thế nhưng, không ngờ sau khi thôi làm đại biểu Quốc hội, tôi lại có cơ duyên giúp được một người dân.
Tôi kể bạn nghe: Một lần, đang chờ xe đi công việc, trời hơi mưa, tôi thấy một người đội mũ lá, đi xe đạp, trùm tấm vải mưa kín người, kín cả cái giỏ xe. Tấm vải mưa trong nên tôi nhìn thấy giỏ xe anh ấy xếp đầy báo. Anh ấy tiến đến gần tôi, nói giọng Nghệ: "Bác ơi, bác có phải đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không?”. Tôi bảo: "Tôi là Nguyễn Minh Thuyết nhưng không phải đại biểu nữa”. Người đàn ông bảo có việc muốn nhờ dù biết tôi không là đại biểu nữa. Anh ấy kể mình quê Nghệ An, bị bệnh gan nên phải ra Hà Nội bán báo vừa kiếm sống vừa chữa bệnh.
Với số tiền dành dụm có mua được một căn hộ người ta bán lại. Sau này, bỗng có một người phụ nữ từ nước ngoài về, đưa quyết định phân nhà của cơ quan để đòi nhà. Tòa án sơ thẩm buộc người bán báo phải trả lại nhà cho chị ấy. Nhưng thực ra, trước đó hàng chục năm, tòa án đã chia căn hộ này cho chồng của chị phụ nữ khi hai người ly hôn. Tôi bảo người bán báo viết đơn gửi cho bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, tôi sẽ gửi giúp. Hôm sau, anh đến nhà đưa đơn. Tôi đã chuyển đơn cho chị Ngọc.
Một lần, khi tôi đã quên bẵng chuyện này thì bất ngờ gặp lại người đàn ông nhờ mình lần trước. Anh ấy hồ hởi khoe: "Bác ơi, cháu phải cảm ơn bác, việc của cháu xong rồi, chứ trước đây không đêm nào cháu ngủ được, lúc nào cũng giật mình thon thót sợ người ta tống mình ra đường. Bây giờ thì tốt rồi. Cháu biết ơn bác nhiều lắm". Rồi anh ấy rút ra hai tờ báo biếu tôi. Tôi bảo: "Cảm ơn anh. Nhưng nhà tôi ngày nào cũng có mấy tờ báo, anh cứ để bán đi, anh biếu tôi làm gì”. Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ. Nhưng là điều tôi luôn tâm niệm: nếu giúp được dân nghèo thì dù ở vị trí nào mình cũng nên giúp nhiệt tình hết sức.
Phần 2: Cựu ĐBQH, GS Nguyễn Minh Thuyết tiết lộ về bà xã
Sơn Hà - Huy Phúc - Xuân Quý - Nguyễn Đức
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Đỗ Diễm Anh