Trải qua 105 năm hiện diện ở cõi Sa Bà, với 85 hạ lạp, trên ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã trọn đời hiến dâng cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh. Ngài đã nhiệt tâm góp phần to lớn vào sự nghiệp làm sáng danh đạo Phật và dân tộc Việt Nam, luôn quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo.
Với Ngài, tăng đoàn là mạng mạch Phật pháp, đào tạo nguồn nhân lực là động lực cho sự phát triển.
Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ lo nhất là đào tạo tăng tài cho đất nước. |
Quan tâm đặc biệt tới đào tạo tăng tài
Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Trưởng ban Giáo dục Tăng ni Trung ương GHPGVN; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội – người vinh dự được theo hầu Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ từ bé chia sẻ: “Những năm 1970, tôi là thị giả ở cùng thầy sơ tâm chùa Long Đọi (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Nơi này cách chùa Ráng, của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ hơn 10km. Với tôi, cụ là con người vô cùng đức độ, giản dị mà uyên bác. Những người có tâm tu, có tâm tìm hiểu Phật pháp, cụ không từ chối ai, không bỏ ai. Thời đó, tôi học được cụ nhiều thông qua các buổi giảng, buổi nói chuyện về Phật học.
Tôi kính trọng cụ từ nhỏ. Sau này, khi lớn lên về chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Tây cũ), được thụ giới, các giới đàn đều có cụ tham gia. Tôi còn nhớ mỗi lần gặp, cụ đều hỏi han rất kỹ tình hình học hành thế nào. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà trường Trung cấp Phật học Hà Sơn Bình được mở ra, cụ là người tham gia giảng dạy. Lúc đó, tôi được làm trợ giảng cho cụ. Cụ luôn răn dạy chúng tôi, quá trình dạy học cũng là học hỏi thêm. Vì thế, ta đi dạy cũng chính là ta đi học. Cụ là người có ảnh hưởng rất lớn với công tác giáo dục trong Giáo hội”.
Hoà thượng Thích Thanh Quyết kể, cách đây gần 20 năm, khi khởi công xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ đã phát tâm công đức 5 triệu đồng để xây dựng.
“Thời điểm ấy số tiền 5 triệu rất lớn, mà cụ lại là nông dân thuần túy, ở chùa rất nghèo. Tôi từ chối nhận nhưng cụ bảo "tôi đóng góp phát tâm là vì đào tạo các thế hệ sau, có phải vì các vị đâu nên nhất định phải nhận. Chỉ có các thế hệ sau mới là người giữ Phật pháp cho tôi nên ông không nhận là phá nhân duyên của tôi".
Khi ấy tôi buộc xin lộc của hòa thượng để từ đó làm thật tốt, nhân rộng hơn nữa việc giáo dục, đào tạo. Cụ nói: "Chùa tôi không cần làm to làm đẹp. Tổ để lại như thế nào tôi vẫn ở như vậy, chùa hỏng, chùa dột thì sửa sang chỉnh trang. Tôi lo nhất là đào tạo tăng tài cho đất nước, cho Giáo hội"”.
Viết nhiều sách giáo dục nhân cách, đạo đức
Hoà thượng Thích Thanh Quyết cho biết, Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ từng đảm nhiệm công việc Phó Trưởng ban Giáo dục tăng ni Trung ương GHPGVN nên rất hiểu việc giáo dục tăng tài cho đất nước.
Là bậc cao Tăng thông tuệ am hiểu Tam tạng Thánh giáo, đặc biệt cụ tinh thông kim cổ và là người có những đóng góp không nhỏ trong việc biên soạn, dịch thuật và trước tác các tác phẩm về Phật học ở Việt Nam như: Đại Từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật Tổ tam kinh, Phật học là tuệ học, Kinh Di Đà Viên Trung sao, Bát Nhã Dư Âm, Luật Tỷ Khiêu Ni lược ký...
Là người giữ trọng trách quản lý giáo dục tăng ni của cả nước, Hoà thượng Thích Thanh Quyết luôn xem Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ là tấm gương, để nhắc nhở bản thân trên con đường tu học, giảng dạy. |
Các sách của Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ mang tính giáo dục cao. Đó là, giáo dục nhân cách, đạo đức, cách làm người. Đối với tăng ni, không chỉ là cách làm người mà còn giáo dục trách nhiệm với giáo hội, xã hội và với đất nước. Giáo dục Phật giáo không ở đâu xa, Phật không ở xa mà ở ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Cần phải sống tốt ở trong xã hội này, nhân dân này, chúng sinh này thì mới trở thành chức sắc Phật giáo tốt.
Không những thế, Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ luôn ủng hộ phải xây dựng các trường an cư kết hạ để có một tăng đoàn vững mạnh, tăng chúng phải hoà hợp.
“Nhiều năm liền, cụ làm chủ trường hạ cho Phật giáo Hà Nội, trường hạ của Trung ương GHPGVN và trước nữa cụ làm hạ chủ của các trường hạ ở Hà Nam và một số tỉnh khác.
Tăng ni dựa vào uy đức, danh đức của cụ để xây dựng đạo và đời tốt đẹp. Một người có nhân cách lớn, tâm đạo lớn như cụ thì chính là tâm truyền tâm để các trưởng hạ nhân lên tâm đức của cụ. Trường hạ Viên Minh, nơi cụ trụ trì, vì sự nghiệp đào tạo thế hệ sau, vì sự nghiệp giữ gìn mạng mạch của Phật giáo mà cụ giảng pháp đến năm 2019. Với tuệ học của mình, cụ muốn truyền lại tri thức Phật học cho thế hệ sau kế thừa và phát huy”, Hoà thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ.
Tình Lê
Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch
Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa viên tịch, hưởng thọ 105 tuổi.