Cha của ông Kim Jong Un - cố Chủ tịch Kim Jong Il đã công du Moscow vào năm 2001, đúng vào thời điểm chương trình tên lửa của Triều Tiên chỉ mới bắt đầu tăng tốc. Gần 2 thập niên sau, vào năm 2019, chương trình hạt nhân phát triển nhanh chóng của Triều Tiên đã dẫn tới các hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong Un với tổng thống Mỹ. Nga hiện đang tìm cách tham gia với tư cách trung gian hòa giải.

{keywords}
Ông Kim Jong Un được chào đón trọng thị khi tới thành phố Vladivostok của Nga chiều 24/4. Ảnh: Reuters

Ông Kim đã tới thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga hôm 24/4 và dự kiến sẽ họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (FEFU) trên đảo Russky, nơi quốc kỳ Triều Tiên đã được treo lên ở nhiều nơi và một đoàn xe limousine tháp tùng màu đen đã tới đây từ ngày 23/4.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc hành trình dài 675km trên tàu bọc thép để đến Vladivostok, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên tuyên bố, ông tới Nga với "tình cảm nồng ấm" của người dân Triều Tiên. Ông cũng bày tỏ hy vọng, các cuộc thảo luận với ông Putin sẽ giúp giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Nga nhiều khả năng sẽ cố gắng phá vỡ thế bế tắc khi đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đình trệ tiếp sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở Hà Nội hồi cuối tháng 2 vừa qua. Các sinh viên FEFU hiện chỉ cầu mong nhà trường sẽ cho nghỉ học trong dịp thượng đỉnh Nga - Triều.

Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Kim Jong Un tới Nga, nhưng nó là động thái tiếp bước cha và ông nội của ông. Cả hai cố lãnh đạo Triều Tiên đều từng tới thăm Nga khi còn sống. Chuyến công du Nga năm 2001 của ông Kim Jong Il kéo dài tới 9 ngày và ông đã di chuyển trên tuyến đường sắt xuyên Siberia. Chuyến đi tiếp sau việc Tổng thống Putin đến Bình Nhưỡng một năm trước đó.

{keywords}
Tổng thống Nga Putin gặp cha của ông Kim Jong Un - cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il ở Bình Nhưỡng vào năm 2000. Ảnh: Facebook/RusEmbaDPRK

Tuy nhiên, ông Kim Jong Il không phải là "người lạ" với Nga. Ông sinh ra ở Liên Xô và được nuôi dưỡng ở đây thời thơ ấu. Trong chuyến công du Nga năm 2001, ông đã đi thăm một nhà máy sản xuất xe tăng và một nhà máy chế biến thịt ở thành phố Omsk thuộc vùng Siberia trước khi tiếp tục hành trình tới Moscow.

Trong chuyến công du bằng tàu hỏa sau đó đến thủ đô Nga vào năm 2011, ông Kim Jong Il đã dừng chân chớp nhoáng ở Hồ Baikal, gợi nhắc lại việc cha mình - cố Chủ tịch Kim Nhật Thành từng thăm nơi này vào năm 1961.

{keywords}
Ông nội của ông Kim Jong Un - cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành gặp các lãnh đạo Liên Xô vào năm 1957. Ảnh: Facebook/RusEmbaDPRK

Con trai của ông - nhà lãnh đạo đương nhiệm của Triều Tiên đã không phải đi xa đến như vậy, nhưng quá trình chuẩn bị và các biện pháp an ninh được triển khai không kém phần công phu. Một quan chức cấp cao của Triều Tiên đã tới thăm ga tàu hỏa của Vladivostok để đánh giá độ an toàn vào ngày 18/4. Theo hãng thông tấn Interfax, toàn bộ vùng nước xung quanh đảo sẽ tạm thời bị phong tỏa, cấm tàu thuyền qua lại trong khoảng thời gian từ 24 - 26/4.

Hiện lịch trình làm việc của ông Kim tại Nga chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, truyền thông Nga đưa tin, nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên nhiều khả năng sẽ xem múa ballet Hồ Thiên Nga và đi thăm một số địa điểm cha ông từng đến trong chuyến công du Vladivostok năm 2002. Ông Kim cũng có thể đến thăm một nhà máy sản xuất sôcôla và trụ sở, bảo tàng lịch sử của Hạm đội Thái Bình Dương Nga.

{keywords}
Cây cầu nối liền đảo Russky với khu vực đất liền ở Vladivostok. Ảnh: Reuters

Phía Triều Tiên được cho đã rất vui khi chọn đảo Russky làm địa điểm họp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Kim với Tổng thống Putin, với lí do nơi này nằm tách biệt với vùng nội địa Nga.

Các nhà báo vẫn đang đồn đoán về nơi ông Kim trú chân khi công du Nga. Phóng viên Sarah Rainsford của BBC đã cho đăng tải những hình ảnh về một tòa nhà trông đã cũ, nơi cha ông Kim từng lưu trú trong chuyến công du năm 2002 và nhận định đây khó là nơi ông Kim sẽ ở lần này. Một đoàn đại biểu Triều Tiên đã làm thủ tục lưu trú tại một khách sạn ở FEFU từ hôm 23/4 và an ninh hiện đang được thắt chặt tại đây.

{keywords}
 
{keywords}
Những bức ảnh chụp tòa nhà ông Kim Jong Il từng lưu trú khi đến thăm Vladivostok năm 2002. Ảnh: BBC

Hội nghị thượng đỉnh Putin - Kim chắc chắn thu hút sự quan tâm của đông đảo truyền thông thế giới. Tiếp sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên ở Singapore mùa hè năm ngoái, một số hãng thông tấn Mỹ đồn đoán, Tổng thống Nga có thể đang tìm cách làm trung gian hòa giải trong các cuộc thương lượng giải trừ hạt nhân Bình Nhưỡng và thậm chí còn tìm cách "giật dây", là người hưởng lợi nhiều nhất từ những cuộc đàm phán như vậy.

Song, một số nhà phân tích địa chính trị lại bênh vực rằng, thiện chí dành cho Bình Nhưỡng tạo cho Moscow lợi thế khi thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp với tổng thống Nga cũng được tin là lời cảnh cáo của ông Kim đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Trump nếu không thay đổi thái độ đàm phán với Triều Tiên.

Tuấn Anh