Trống đồng Sao Vàng được phát hiện trong lòng đất khu vực sân bay Sao Vàng, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Mặt trống được đúc liền, gắn 4 tượng cóc 4 phía. Chính giữa là ngôi sao 12 cánh đúc nổi, xen kẽ giữa các cánh là những họa tiết hình lông công, bao quanh ngôi sao là 11 vành hoa văn.
Hoa văn trang trí trên trống rất phong phú, có nhiều nét tương đồng với các trống Ngọc Lũ, Hữu Chung và Hy Cương, đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bên cạnh đó, trống còn có những hoạ tiết như băng hình người hoá trang lông chim, hình nhà sàn mái khum, vành chim mỏ ngắn ít hoặc chưa gặp trên những trống Đông Sơn ở Việt Nam nhưng thường gặp trên trống khác trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn, trống đồng Sao Vàng là đại diện của sự chuyển tiếp giữa phong cách A của trống Đông Sơn giai đoạn sớm và C của Đông Sơn giai đoạn muộn (theo phân loại của Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên và Trịnh Sinh). Đó là mô hình phát triển nghệ thuật Ðông Sơn từ xu hướng tả thực ở giai đoạn sớm, chuyển sang khuynh hướng cách điệu biến hình phức tạp, bí ẩn ở giai đoạn muộn mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện và công bố, góp phần làm phong phú hơn nội hàm văn hóa Đông Sơn với tính thống nhất, đa dạng vô cùng đặc sắc.
Nghệ thuật đồ họa trên trống Sao Vàng phong phú và sống động thể hiện trên hai mảng hoa văn tả thực và hoa văn hình học. Bằng những băng hoặc dải hoa văn vận hành nhịp điệu xung quanh trống, tạo nên những vòng tròn đồng tâm khép kín.
Đặc biệt trên mặt trống, các băng hoa văn rộng hẹp khác nhau, xoay quanh ngôi sao chính giữa, chiều ngược với chiều chuyển động của kim đồng hồ tựa như vòng quay của mặt trời, thể hiện quan niệm về vũ trụ của cư dân nông nghiệp trồng lúa, đến nay vẫn còn đọng lại khá đậm nét trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Nghệ thuật tả thực với nhiều đề tài: muông thú, chim cá, đời sống của cư dân... nổi bật nhất là liên quan đến nông nghiệp, lễ hội đông đúc với những chiếc thuyền chở đầy người hóa trang... Hình ảnh ngôi nhà sàn mái cong, mái tròn với những người hóa trang nhảy múa, hành lễ, giã gạo... vẫn tồn tại trong nghi lễ thu hoạch mùa của một số đồng bào ít người vùng Tây Bắc, Việt Nam.
Với kích thước lớn, hình dáng hài hòa, cân đối, hoa văn tinh xảo, phong phú, trống đồng Sao Vàng là hiện vật đặc sắc, quý hiếm, có giá trị trên nhiều phương diện về lịch sử, văn hóa Việt Nam, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật luyện kim, đúc đồng của cư dân Đông Sơn. Các đề tài trang trí trên trống đã hội tụ đầy đủ tri thức và quan niệm nhân sinh sâu sắc; cũng như tài năng, nghệ thuật và tâm hồn của người Việt cổ, cùng với trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ… trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam.
“Hiện nay, văn hóa Đông Sơn đã phát triển và lan tỏa khắp Hoa Nam và Đông Nam Á. Di sản 2.000 năm của người Việt Nam để lại cho tới nay được các nhà khoa học trong và ngoài nước công nhận là trống đồng Đông Sơn. Đây là một trong những báu vật quý nhất mà lịch sử còn để lại cho hậu thế”, ông Đoàn khẳng định.
Chính vì vậy, trống đồng Sao Vàng đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu, công bố trên các ấn phẩm và trưng bày giới thiệu rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước. Tháng 1/2024, trống đồng Sao Vàng được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Cùng với các bảo vật khác, trống đồng Sao Vàng đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các bảo tàng nước ngoài như: Trưng bày Buổi đầu của nền văn hóa cổ ở Việt Nam tại Bảo tàng Quốc gia Jeju Hàn quốc (2007); trưng bày Việt Nam câu chuyện vĩ đại tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu, Nhật Bản (2013); trưng bày Văn hóa Đông Sơn tại Malaysia (2014); trưng bày Báu vật khảo cổ học Việt Nam tại một số bảo tàng Đức (2016-2018); trưng bày Báu vật sông Hồng tại Bảo tàng Quốc gia Hermitage, Nga (2019).
Trống đồng Sao Vàng khi trưng bày chuyên đề tại nước ngoài đã được định giá và mua bảo hiểm lên tới 1 triệu USD.
(Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)