Điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày/lần, quản chặt quỹ bình ổn
Ngày 17/11, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Nghị định cũng bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. (Xem thêm)
Đề xuất thu phí 1.900 đồng mỗi km vành đai 4 Hà Nội
UBND TP.Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thống nhất mức giá và lộ trình tăng phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc cho dự án thành phần 3 theo phương thức đối tác công tư. Theo đề xuất của TP.Hà Nội, nhóm 1 (gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có mức phí thấp nhất mỗi km là 1.900 đồng, cao nhất là nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên, container 40 ft) 7.220 đồng.
Như vậy, xe con lưu thông trên toàn bộ vành đai 4 dài 113km, mức phí dự kiến khoảng 214.000 đồng, xe nhóm 5 khoảng 815.000 đồng. Mức phí các loại phương tiện được tăng 3 năm một lần cho đến thời điểm dự án hoàn vốn.
Quy định hóa đơn, chứng từ khiến doanh nghiệp đội thêm chi phí
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng thay vì vào cuối ngày khiến doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ đội nhiều chi phí. Đây là nội dung đáng chú ý trong văn bản mà VCCI vừa gửi Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Nghị định liên quan đến quy định về hóa đơn, chứng từ.
Tại văn bản góp ý này, VCCI cũng chỉ ra nhiều điểm gây bất lợi cho doanh nghiệp. (Xem thêm)
Đề xuất bảo vệ nhà đầu tư mua vốn cổ phần hóa
VCCI vừa gửi góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Trong đó, VCCI cho biết, nhà đầu tư phản ánh rất ngần ngại khi mua phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá do rủi ro pháp lý quá lớn.
Vì vậy, VCCI đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước họp với các ngân hàng về cho vay bất động sản
Sáng 13/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị với các ngân hàng cho vay bất động sản trên 20.000 tỷ đồng. NHNN cho biết dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tính tới 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực bất động sản; phát triển thị trường vốn trung - dài hạn... (Xem thêm)
Kiến nghị mở rộng đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản Thủ tướng Chính phủ, NHNN, nêu 8 vướng mắc lớn của thị trường bất động sản, đồng thời đề xuất một số giải pháp về tín dụng.
HoREA kiến nghị NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; đồng thời, xem xét mở rộng hơn các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên. (Xem thêm)
Thủ tướng yêu cầu tìm lời giải cho bài toán của du lịch Việt
Sáng 15/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.
Năm 2023, du lịch Việt Nam ghi nhận tăng trưởng nhưng vẫn hồi phục chậm so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần có các giải pháp quyết liệt giải bài toán ngắn hạn, dài hạn để phát triển du lịch nhanh, bền vững. (Xem thêm)
Ngân hàng dành nghìn tỷ kích cầu mùa Tết với lãi suất cho vay chỉ từ 4%
"Với hoạt động cho vay bình ổn thị trường, chúng tôi đang tham gia giải ngân với các lãi suất rất thấp chỉ khoảng 4-6%/năm", Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết trong hội thảo Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng ngày 17/11.
Tổng mức giải ngân hoạt động bình ổn thị trường này khoảng 9.000 tỷ đồng, cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hàng Tết, cũng như các doanh nghiệp tham gia vào kênh phân phối hàng hóa cho người dân. (Xem thêm)
Dẹp góc khuất bán lẻ xăng dầu: Gắn trách nhiệm lãnh đạo cục thuế
Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các cục thuế khẩn trương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu.
Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng lãnh đạo cục thuế quyết liệt thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Đây là một phần trong việc dẹp góc khuất xăng dầu. (Xem thêm)
Xuất khẩu sản phẩm tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức chấp thuận cho một doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường này. Theo Cục Thú y, đến ngày 8/11/2023, có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc tại Nghị định thư; trong đó, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu và nộp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét.
Chiều 16/11, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo nghị định thư đã ký.