Theo Thông tư quy định mức giá cước tối đa của dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí vừa được Bộ TT&TT ban hành, mức cước phát hành báo chí công ích sẽ có sự điều chỉnh cho sát với thực tế từ ngày 1/4/2016.

Điều chỉnh cước phát hành báo chí công ích: Không thể lùi hơn nữa

Thông tư này quy định cụ thể mức giá cước tối đa của dịch vụ công ích trong phát hành báo chí trong 2 giai đoạn: 2016-2017 và 2018-2019; thay thế Quyết định số 619 được ban hành cách đây hơn 50 năm (5/9/1966) về chế độ phát hành phí đối với báo chí xuất bản trong nước do ngành Bưu điện phát hành.

{keywords}

Việc điều chỉnh giá cước chia theo 2 giai đoạn được cho là lộ trình hợp lý để các cơ quan báo chí có thể thích ứng. Tuy vậy, kể cả sau khi điều chỉnh thì mức cước mới cũng chỉ bằng 50% so với giá thành thực tế. Dự kiến phải đến năm 2020, giá cước mới tiệm cận được với thực tế.

Các cơ quan báo chí chịu sự điều chỉnh của Thông tư mới là báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và các báo của Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ TT&TT cũng yêu cầu Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) quyết định giá cước phát hành báo chí công ích theo thẩm quyền, bảo đảm không cao hơn mức giá cước tối đa do Bộ quy định.

Trước đó, tại Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư vào đầu tháng 12/2015, bản thân các cơ quan báo chí, cơ quan trung ương và địa phương đều nhất trí rằng, việc ban hành mức giá cước phát hành báo chí công ích mới là hoàn toàn hợp lý, đúng đắn và không thể không tiến hành.

Quy định số 619, sau 50 năm, đến nay đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế khi xây dựng trên nguyên tắc lấy gần bù xa, ra đời khi sản lượng 100% các báo đều phát hành qua bưu điện, số lượng đầu báo ít, ít báo hàng ngày và rất ít phụ trương; trọng lượng nhẹ, ít trang, chưa quảng cáo...Trong khi đó, thành phần tham gia phát hành hiện nay đa dạng hơn rất nhiều: ngoài hệ thống bưu điện còn có kênh phát hành của chính các tòa soạn báo, chưa kể nhiều tổ chức, doanh nghiệp phát hành....

T.C