Nằm giữa một khu vực rộng lớn, bốn bề là ruộng lúa và nhà của những người nông dân, 4 ngôi nhà bề thế, giàu có đã làm cho người Pháp kinh ngạc và gọi đây là xóm Nhà Giàu.

Đi dọc theo con đường từ thị trấn Tầm Vu đến xã Thanh Phú Long (huyện Châu Thành, Long An), chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ. Đường bê tông, rộng và thoáng. Hai bên đường, những ngôi nhà đơn sơ ẩn hiện giữa những vườn thanh long đang trĩu quả. Tôi hỏi một ông cụ đang ngồi hóng gió: "Bác ơi xóm Nhà Giàu ở đâu hả bác?". Ông mỉm cười: "Ở đây nè... ".

Bất ngờ ở xóm Nhà Giàu

Thật bất ngờ, đây là xóm Nhà Giàu sao? Nhìn quang cảnh, cũng vườn tược, cũng nhà cửa bình thường như bao nhiêu vùng quê khác. Vậy mà nơi đây lại mang danh là xóm Nhà Giàu...

Dường như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, ông cụ mời vào nhà để bắt đầu câu chuyện...

{keywords}
Ông Tư Xuân, chủ nhân 1 trong 4 ngôi nhà cổ

Xóm này - ngày xưa, xưa lắm - lúc Nam kỳ lục tỉnh là thuộc địa của Pháp thì vùng này cũng nghèo như bao vùng khác. Nhưng trong xóm nghèo đó lại nổi lên 4 ngôi nhà đồ sộ của 4 đại điền chủ. Họ có ruộng cò bay thẳng cánh. Họ có tá điền canh tác trên những thửa ruộng ấy. Lúa thóc của họ đầy kho. Tiền bạc của họ đầy ắp.

Cả 4 ngôi nhà ấy xây dựng trên một thửa đất khá rộng, phải mất vài hecta. Rồi từ đó, với 4 ngôi nhà nguy nga ấy người Pháp mới đặt cho khu vực này một cái tên: "Quartier de riche" có nghĩa là xóm Nhà Giàu. Tiếng tăm về xóm Nhà Giàu vang dội. Một đồn trăm, trăm đồn ngàn, xóm Nhà Giàu nổi lên như một hiện tượng khiến ai cũng phải ngỡ ngàng.

Cái thời vinh quang của xóm Nhà Giàu có từ cuối thế kỷ 19 kéo dài khá lâu cho đến hết Pháp thuộc. Chủ nhân của 4 ngôi nhà truyền hết đời này sang đời khác.

Trải qua bao thăng trầm hưng phế, bao đổi thay của dâu bể, ngày nay tuy không còn vẻ hào nhoáng của một thời nhưng 4 ngôi nhà ấy là  chứng tích để giải thích cho địa danh "xóm Nhà Giàu".

Nguyễn Hữu Hiệp - ông cố của ông Tư Xuân là người xây dựng ngôi nhà.

Chủ những ngôi nhà ấy ngày nay thuộc hàng cháu cố. Mặc dù họ vẫn ra sức tôn tạo nhưng cũng không tìm lại được nguyên vẹn dáng dấp của một thời. Có người không đủ khả năng đành chấp nhận giao cho ngành văn hóa quản lý như một di tích để có khả năng tôn tạo.

Ông cụ nói: "Lâu nay dường như mọi người đã quên cái xóm Nhà Giàu này rồi. Ông hướng dẫn, đi thẳng đến ngã 3 đầu tiên chú rẽ trái.

Đi hết con đường này, chú sẽ thấy 4 ngôi nhà cổ xưa nằm trong vườn thanh long. 3 ngôi nhà đầu chắc là không còn ai ở đó. Chú nên đến ngôi nhà cuối cùng gặp ông Tư Xuân sẽ có nhiều chuyện hay để viết...".

Chúng tôi cám ơn ông và tiếp tục hành trình.

Một dòng họ 4 ngôi nhà

{keywords}
Ngôi nhà của ông Tư Xuân nằm giữa vườn thanh long.

Theo lời ông cụ, chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ. Cuối đường, bên trái, 3 ngôi nhà cổ sừng sững với nắng mưa. Đóng kín cửa. 2 ngôi nhà đầu rêu phong, mục nát.

Ngôi nhà thứ 3 được sơn phết lại như mới nhưng cũng còn một vài chỗ loang lổ với thời gian... Cả 3 ngôi nhà này đều nằm trong vườn thanh long.

Tôi muốn được vào trong để nhìn tận mắt nhưng cổng ngoài khóa chặt, không một bóng người.

{keywords}
Một phần ngôi nhà ông Tư Xuân đang sửa chữa.

Ngôi nhà cuối cùng, cũng trồng thanh long nhưng thoáng hơn. Nơi đây có vẻ bề bộn hơn vì đang sửa chữa. Chúng tôi bước vào. Một người đàn ông đứng tuổi đón chúng tôi vào bên trong...

Ông tự giới thiệu, ông là Nguyễn Hữu Xuân cháu gọi người chủ đầu tiên xây dựng ngôi nhà này bằng ông cố. Ông cũng là cháu đời thứ 10 của dòng Nguyễn Hữu.

Dòng họ Nguyễn Hữu có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Khoảng hơn 300 năm trước, dòng Nguyễn Hữu xuôi về phương nam tìm vùng đất mới để lập nghiệp nhưng nửa đường lại ghé vào Đức Phổ (Quảng Ngãi).

Ở đây được vài năm có lẽ không tìm được mầm sống, họ tiếp tục vào nam đến vùng đất Thanh Phú Long này.

{keywords}
Liễn cổ trong nhà thờ.

Ông Xuân - Tư Xuân - kể tiếp: "Lúc ấy nơi đây chỉ có rừng rậm và người dân tộc Mạ cư trú. Người của dòng Nguyễn Hữu ra sức khẩn hoang mở rộng diện tích canh tác.

Người Mạ bị đẩy lùi vào rừng sâu và khi không còn rừng nữa không biết họ đi về đâu. Đất mới, phù sa nhiều công việc của nhà nông ngày càng phát triển.

Cứ thế, đất ruộng ngày càng nhiều. Hết đời này sang đời khác, đến cuối thế kỷ 19 thì dòng Nguyễn Hữu đã có trong tay hàng ngàn mẫu ruộng. Họ trở thành những điền chủ với hàng trăm tá điền giúp sức. Gia sản càng nhiều dòng họ trở thành những nhà giàu nứt đố đổ vách trong vùng.

Rồi những người con của ông sơ tôi gồm có ông cố tôi thứ 2 tên Nguyễn Hữu Hiệp, ông cố 5 Nguyễn Hữu Hoanh, ông cố 7 Nguyễn Hữu Hùng và người con của ông cố 5 là Nguyễn Hữu Phuông đã lần lượt xây dựng 4 ngôi nhà này.

Nằm giữa một khu vực rộng lớn, bốn bề là ruộng lúa và nhà của những người nông dân, 4 ngôi nhà trên đã làm cho người Pháp kinh ngạc và đã gọi đây là xóm Nhà Giàu.

Thế là từ một tên gọi bình thường trở thành một địa danh tồn tại cho đến nay mặc cho đã trải qua bao hưng phế. đổi thay... ".

(Còn nữa)

Ông lão bán chè bằng một tay ở Sài Gòn kể chuyện tình thời trai trẻ

Ông lão bán chè bằng một tay ở Sài Gòn kể chuyện tình thời trai trẻ

Bị tai nạn ông Thể đành từ chối tình yêu đẹp như mơ với cô bạn học cùng lớp. Ông vượt lên khó khăn, mặc cảm, tự nuôi sống bản thân mình và gia đình khi chỉ còn lại một cánh tay.

Nữ thợ rèn ở Sài Gòn và món quà ngày 8/3 của chồng

Nữ thợ rèn ở Sài Gòn và món quà ngày 8/3 của chồng

Lò đang rực lửa. Chị cầm 3 khúc sắt tròn dúi vào than. Chỉ trong tích tắc, cả 3 đều nóng đỏ. Chị dùng kìm gắp ra một cây để đầu đỏ lên đe giữ thật chặt. Vinh, con trai đầu của chị cầm búa tạ nện xuống...

Đám cưới phú nông và người đẹp, dân bỏ việc đồng áng kéo ra xem

Đám cưới phú nông và người đẹp, dân bỏ việc đồng áng kéo ra xem

Nhà gái yêu cầu làm một con đường từ nhà trai đến nhà gái và phải trải chiếu trên tuyến đường ngày rước dâu. Ông Mậu Anh đã trải luôn lụa đỏ thay cho chiếu khiến người đời kinh ngạc.

Phú nông tiền chôn đầy vườn, xây dinh thự kiểu Pháp nội thất gỗ sưa

Phú nông tiền chôn đầy vườn, xây dinh thự kiểu Pháp nội thất gỗ sưa

Nhanh nhẹn, sáng tạo trong làm ăn nên chẳng mấy chốc ông Nguyễn Mậu Anh trở nên giàu có nhất vùng. Khi sở hữu khối gia tài đồ sộ, ông cho xây dinh thự 3 tầng kiểu Pháp. 

Trần Chánh Nghĩa