Lúc đầu, tôi nhận dịch cuốn "Điệp viên hoàn hảo" về nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn một cách miễn cưỡng, nhưng rồi càng ngày càng bị cuốn sách thu hút.

Từ một cuộc hội thảo

Năm 2007, thông qua Đại sứ quán Mỹ, trường Đại học George Town ở Washinton DC mời tôi sang dự một cuộc hội thảo mang tên "Ngoại giao Hoa Kỳ trong thế giới đang chuyển đổi". Ban tổ chức gửi tôi thư mời trong đó nói không phải chuẩn bị gì hết, đừng viết những bài diễn văn, không ai có thời gian nghe bài diễn văn như vậy. Hãy chuẩn bị những lập luận của mình để sau khi nghe các diễn giả trình bày thì phát biểu chỉ trích.

Cách làm chính sách đối ngoại của Mỹ rất lạ. Họ chia chính sách đối ngoại ra thành 13 chuyên đề trong đó có những chuyên đề, theo tôi, chẳng liên quan gì đến đối ngoại, ví dụ như vấn đề toàn cầu hóa, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chống khủng bố, biến đổi khí hậu.

Sau này tôi mới hiểu rằng do Mỹ có chiến lược toàn cầu nên những vấn đề trên đều là cấu phần trong chính sách đối ngoại của họ. Ban tổ chức mời mỗi khu vực trên thế giới một vài đại biểu được gán cho là những người hiểu rất rõ tình hình của khu vực mình đang sinh sống như Nam Á,  Đông Âu, Tây Âu, Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ, Mỹ La tinh,...

Đại học George Town là trường đứng đầu Hoa Kỳ trong đào tạo về ngoại giao. Các chuyên đề nói trên được trình bày bởi các giáo sư của trường, các chuyên gia đối ngoại của các cơ quan tư vấn chính sách độc lập như Hội đồng quan hệ Ngoại giao (Council on Foreign Relations), các quan chức cao cấp trong chính quyền như cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đồng thời là giáo sư dạy về ngoại giao thực hành George Tenet, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Sau mỗi phần trình bày, người tham dự được mời phát biểu chỉ trích. Đó là điều rất khác biệt. Họ không muốn nghe những lời khen mà lắng nghe, thu lượm tất cả những ý kiến phản đối, phản biện để giúp họ điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp. Hóa ra người Mỹ rất khôn, họ muốn tham khảo phản biện của các đại biểu từ nhiều khu vực khác nhau để rồi hoàn thiện chính sách đối ngoại của họ.

{keywords}
Giáo sư sử học Larry Berman và nhà báo Nguyễn Đại Phượng.

Đến lúc gặp Giáo sư  Larry Berman

Đại học George Town cách nơi ở của các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C không xa. Những ngày dự hội thảo buổi tối rảnh rỗi tôi hay về thăm mấy người bạn làm việc trong Đại sứ quán ta và phân xã TTXVN tại Mỹ.  Một trong số những người đó là Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến. Đầu những năm 1990 khi tôi là trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam ở Tokyo ông Nguyễn Tâm Chiến là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Nghe tin tôi đến thăm, ông Chiến hủy một cuộc chơi golf đã được lên kế hoạch từ trước để ở nhà phụ vợ làm cơm thết đãi nhà báo từ trong nước sang.

Gặp anh chị em cán bộ ta công tác tại Washington D.C tôi đều đề nghị họ  gợi ý  đề tài để tôi viết được bài gì về Mỹ cho báo Tiền phong. Nhiều người, trong đó đặc biệt là một nam phóng viên của TTXVN thường trú tại Mỹ khuyên tôi nên phỏng vấn Giáo sư sử học Larry Berman, người đang viết cuốn sách Điệp Viên Hoàn Hảo nói về ông Phạm Xuân Ẩn - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Tôi nhận ra ngay đó là một đề tài rất hay nhưng giáo sư đang ở bang California cách Washington D.C 5 giờ bay, tương đương thời gian bay từ Hà Nội đi Tokyo, làm sao tôi phỏng vấn ông được. Anh phóng viên nói trên đã giúp tôi bằng cách thông qua ông Sedgwick Tourison, một người Mỹ có quen biết với Đại sứ quán ta, mời giáo sư lên Washington D.C để tôi được phỏng vấn.

Nghe nói, trong thời gian chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Sedgwick Tourison là sĩ quan, cấp hàm đại tá tình báo Mỹ lúc về hưu. Ông này có vợ là người Việt nên nói tiếng Việt rất giỏi và hay cùng vợ đến Đại sứ quán ta ở Washington D.C dự các sự kiện như lễ kỷ niệm Quốc khánh hay mừng Tết cổ truyền của Việt Nam.

Giáo sư Larry Berman, Sedgwick Tourison, anh phóng viên thường trú TTXVN và tôi gặp nhau ăn tối, làm việc tại một nhà hàng Việt Nam, tiệm Minh’s ở Arlington. Nhờ cuộc gặp này, khi về Việt Nam tôi đã đăng hai kỳ trên báo Tiền phong mỗi kỳ kín trang A3 về cuộc phỏng vấn với Giáo sư Larry Berman tác giả và trích dịch một đoạn trong cuốn Điệp Viên Hoàn Hảo. Đăng xong hai bài báo, tôi chẳng hề nghĩ gì đến việc dịch cuốn sách đó.

Tháng 5/2007 đại diện Nhà Xuất bản Thông tấn gặp tôi đưa cho bản chụp tiếng Anh cuốn Điệp viên Hoàn hảo và mời tôi dịch sang tiếng Việt. Sách mua bản quyền nên yêu cầu phải dịch với độ chính xác cao, tốc độ dịch phải nhanh trong hơn hai tháng, nhưng nhuận bút lại rất rẻ. Lúc đầu tôi đã từ chối vì lý do quá bận. Khi đó, tôi đang là trưởng ban Quốc tế của báo Tiền Phong, phụ trách nội dung một trang khổ giấy A3 các vấn đề quốc tế, một mình viết khoảng 2200 chữ mỗi ngày nên không còn thời gian để dịch sách.

Bị tôi từ chối, đại diện nhà xuất bản đã nhờ những người có ảnh hưởng đến tôi để thuyết phục tôi dịch cuốn sách này đồng thời tăng giá nhuận bút. Tôi đã nhận lời nhưng là dịch với tinh thần để giúp đỡ. Tuy nhiên, sau khi dịch được hơn một chương đầu sự hấp dẫn của cuốn sách đã cuốn hút tôi theo khiến tôi dịch mê say, quên hết mọi sự miễn cưỡng ban đầu.

Tại một cuộc họp báo giới thiệu phiên bản tiếng Việt cuốn Điệp viên Hoàn hảo tổ chức tại Đại sứ quán Mỹ, Tòa nhà Vườn Hồng, phố Ngọc Khánh, Hà Nội, các phóng viên hỏi tác giả Larry Berman ông có hài lòng với bản dịch sang tiếng Việt không. Tác giả trả lời rằng các bạn biết đấy, tôi không biết một nửa chữ Việt nhưng tôi yên tâm ký duyệt bản dịch tiếng Việt vì ở Mỹ tôi nhờ hai người đọc kiểm chứng độc lập. Một người Mỹ rất giỏi tiếng Việt và một người Việt rất giỏi tiếng Mỹ. Cả hai người này gửi báo cáo nói rằng bản dịch tiếng Việt này rất tốt. Thế là tôi yên tâm ký.

13 chỗ bị kiểm duyệt

Trong khi cuốn Điệp viên Hoàn hảo đang được dịch sang tiếng Việt để chuẩn bị xuất bản, một số cơ quan cấp trên và liên quan đã bày tỏ lo ngại vì cuốn sách viết về một con người rất nhạy cảm của Cục Tình báo quân đội.

Nhà xuất bản và tôi cho rằng cuốn sách này rất hay có nhiều tư liệu quan trọng nhưng có một số chỗ nhạy cảm do tác giả là người nước ngoài có cách nhìn không giống với chúng ta, nên để trong nước dịch và xuất bản thì hơn. Nếu không sẽ có người Việt ở nước ngoài dịch theo kiểu từ đối từ và xuất bản ở nước ngoài thì có điều bất lợi và có chỗ không đúng với lịch sử.

Nhà xuất bản và tôi cũng nhận thấy có 13 chỗ nhạy cảm trong nguyên tác nếu dịch thẳng ra theo kiểu từ đối từ thì tại thời điểm đó cuốn sách này không thể xuất bản được ở Việt Nam. Bạn đọc Việt Nam khi đó khó mà chấp nhận.  Nhà xuất bản đã trao đổi điều này với tác giả Larry Berman và rất may ông đồng ý cho cắt bỏ hoặc sửa những chỗ nhạy cảm và không đúng đó.

Trong số những chỗ nhạy cảm nói trên có bức ảnh chụp ba người đứng gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, và nhà báo Bùi Tín khi còn làm Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân. Ông Bùi Tín đứng ngoài cùng bên phải trong tư thế cong lưng không đẹp. Ông đang vươn cổ vào nghe Đại tướng và nhà tình báo nói chuyện.

Ông Bùi Tín nhân một chuyến đi công tác sang Paris đã không về nước, trốn ở lại sống tỵ nạn tại Pháp, trở thành nhân vật bất đồng chính kiến cộm cán, viết nhiều sách và bài báo xuyên tạc lịch sử, nói xấu lãnh tụ, đả phá nhà nước Việt Nam. Nếu giữ nguyên tác bức ảnh như vậy, e rằng bạn đọc sẽ phản đối vì con người như Bùi Tín đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn không xứng. Sau khi trao đối với tác giả và được Giáo sư Larry Berman đồng ý, nhà xuất bản đã cắt bỏ hình ông Bùi Tín. Kết quả là ảnh minh họa chỉ có hai người gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Xuân Ẩn.

Một chỗ khác phải chỉnh sửa là trong nguyên tác, Giáo sư Larry Berman đã nhầm chi tiết quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Ông viết trong bản gốc tiếng Anh rằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ diễn ra tháng 7/1954. Tôi đã sửa lại cho đúng thành tháng 5/1954 chứ không phải như bản gốc.

Tác giả khi viết tên người Việt thường chỉ viết cộc lốc, xách mé  mỗi tên riêng. Chẳng hạn, tác giả luôn viết là  “An”, “Ho”,... Người đọc Mỹ có thể chấp nhận cách viết như vậy trong tiếng Anh nhưng bạn đọc Việt Nam thì không thể chấp nhận. Do vậy, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt tôi đã phải thêm họ tên đầy đủ hoặc kính ngữ để phù hợp văn hóa Việt Nam, chẳng hạn trong bản gốc tiếng Anh tác giả viết là “An” thì tôi chuyển ngữ thành Phạm Xuân Ẩn hoặc ông Ẩn, “Ho” thành Cụ Hồ, Bác Hồ hoặc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vì điều này có người bảo rằng tôi đã không dịch từ đối từ như nguyên tác. Khi sách đã xuất bản, tôi mang chuyện này trao đổi với Phạm Xuân Hoàng Ân, con trai cả của ông Ẩn và là người phiên, biên dịch tiếng Anh nổi tiếng toàn quốc, từng phiên dịch cho Tổng thống Mỹ George W Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cho Giáo sư Michael Porter- Bộ óc số một thế giới về lý thuyết cạnh tranh của Đại học Harvard giảng bài. Phạm Xuân Hoàng Ân hoàn toàn ủng hộ cách dịch của tôi, cho rằng người biên dịch có quyền làm vậy và như thế bạn đọc Việt Nam mới chấp nhận. Và còn một số chỗ nhạy cảm khác nữa kể ra đây e quá dài.

Được biết, sau khi sách đã in, nhà xuất bản dự tính sẽ  phát hành khoảng một tuần trước ngày 20/9/2007 tức là ngày giỗ đầu tiên của ông Phạm Xuân Ẩn. Công ty phát hành sách TP.HCM (FAHASA)  mua 25.000 bản đợt in lần đầu tiên để độc quyền phát hành.

Nhưng khi sách đã chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị phát hành thì có một trục trặc suýt phải dừng lại... Những người làm sách vã mồ hôi bởi 25.000 cuốn đã được in rồi mà không được phát hành thì rất tốn kém. Rất may sau đó cấp trên đã đồng ý để phát hành số sách đã in như kế hoạch.

Trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, tôi điện thoại đến nhà riêng gia đình ông Phạm Xuân Ẩn xin được tới thắp hương cho ông. Bà Thu Nhàn ra mở cổng đón khách. Sau khi nghe tôi tự giới thiệu là dịch giả cuốn Điệp viên Hoàn Hảo, bà cuống quít vui mừng rồi ôm lấy tôi, bật khóc, cám ơn tôi đã dịch cuốn sách thành công, hỏi tôi đã gặp ông Ẩn lần nào lúc ông còn sống hay chưa. Bà bảo rằng từ khi có cuốn sách được dịch ra tiếng Việt, sáng nào bà cũng ngồi lần giở từng trang, xót xa cảm nhận rõ hồn của ông Ẩn hiện lên trên từng trang sách mà lòng tự hỏi bóng của người đang ở nơi đâu.

Nhà báo Nguyễn Đại Phượng kể

Lan Anh ghi